(Thethaovanhoa.vn) - Có người đến ắt phải có người đi, nhưng đến và đi như thế nào ở đội bóng Tây Đô là một câu chuyện dài nhiều tập.
- Vì vụ Ngọc Hải, SLNA đề nghị cải tổ Ban Kỷ luật
- Nếu được mời SLNA cũng không dự ASEAN Super League 2016
- SLNA vẫn được nhà tài trợ và UBND tỉnh đồng hành
- Hồi chuông cảnh tỉnh cho SLNA
Ở chiều ngược lại, bắt đầu từ trợ lý HLV thủ môn Ngô Việt Trung đến bản hợp đồng trị giá hơn 6 tỷ đồng Trần Bửu Ngọc được lên phương án cho nghỉ. Cho đến ngày hôm qua (3/11), HLV Ngô Việt Trung đã làm việc với lãnh đạo XSKT Cần Thơ để nhận quyết định thanh lý hợp đồng, để nhường vai trò cho một người Nghệ An khác là cựu thủ môn Nguyễn Thế Anh, đang theo học bằng A HLV tại Nha Trang.
Trường hợp của Bửu Ngọc, bản hợp đồng trị giá tới 6,378 tỷ đồng/3 năm (như đã nhắc) mới chỉ qua năm đầu sử dụng, khiến nhiều người ngỡ ngàng. Bởi Bửu Ngọc, cựu thủ môn ĐTQG được chính lãnh đạo XSKT Cần Thơ mời về khi còn ràng buộc hợp đồng với Đồng Tháp. Bản thân Ngọc (cùng đồng đội cũ Dương Thanh Hào) đã phải trải qua một cuộc đấu lý căng thẳng với đội bóng cũ, để được ra đi (bồi hoàn 1,2 tỷ đồng).
Sau khi nhận được phân nửa phí lót tay đợt một (3,2 tỷ đồng, gọi là chi phí hỗ trợ được quy định trong bản Phụ lục hợp đồng), Bửu Ngọc đã xây cất lại căn nhà cho ba mẹ ở Đồng Tháp, đồng thời cũng tính lập nghiệp lâu dài ở Cần Thơ cho gần nhà, nhưng anh đã không đoán được cơ sự. Mùa giải vừa rồi, Bửu Ngọc đã phải sống chung với chấn thương chằng chéo trước đầu gối, để đeo găng vì trách nhiệm.
Đội bóng Tây Đô (trái) đang được "Nghệ An hóa" cả trên băng ghế chỉ đạo lẫn lực lượng. Ảnh Tuân Phạm.
Nếu CLB XSKT Cần Thơ buộc Bửu Ngọc phải ra đi (nhường chỗ cho Thanh Diệp từ Đồng Nai) mà không đưa ra được lý do chính đáng như trong Hợp đồng lao động ký với cầu thủ chuyên nghiệp gửi VFF và các bên liên quan, chắc chắn sẽ lại nổ ra một cuộc đấu lý khác, tương tự như các trường hợp của Đức Linh và Ngọc Điểu vốn chưa có hồi kết.
Song, điều đáng nói ở đây là tại sao và như thế nào, các HLV (và một bộ phận lãnh đạo) luôn có nhu cầu làm mới đội hình, khi bóng đá vẫn luôn cần tính ổn định, kế thừa. Phải chăng bắt đồng tiền “động” thì mới sinh lời. Với những bản hợp đồng trị giá nhiều tỷ đồng như của Bửu Ngọc, một cầu thủ mới chỉ 24 – 25 tuổi, đấy còn là sự phí phạm rất lớn.
Không giống với giai đoạn bóng đá kim tiền lên ngôi (2008 – 2012), thời gạo châu củi quế, kiếm được một công việc ổn định (chứ chưa nói một bản hợp đồng tốt) là điều không đơn giản, với ngay cả cầu thủ có thương hiệu. Khoảng 2-3 năm qua, các trường hợp nhũng nhiễu đòi phá hợp đồng để được ra đi gần như không xuất hiện, cũng vì lý do này. Trong hoạ có phúc, đấy cũng là một nét tích cực hướng tới sự phát triển bền vững cho nền bóng đá cũng như các giải đấu.
Khi luật cân bằng tài chính là thứ gì đó rất xa xỉ với bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, các CLB vẫn đèn nhà ai nấy sáng. Cựu chủ tịch CLB K.Khánh Hoà Lê Tiến Anh trong cuộc họp các ông bầu đã phải thốt lên rằng, bóng đá Việt Nam là cuộc chiến tiền đấu tiền. Về điều này, B.Bình Dương thực sự không có đối thủ và trên thực tế, hiện cũng chỉ còn mỗi “gia đình” nhà bầu Hiển có thể đối chọi được với đất Thủ.
Trở lại với những chuyển biến nơi hậu trường ở Tây Đô. Câu “bằng cấp không bằng bằng lòng” có vẻ như luôn có lý, ngay cả với địa hạt nhỏ như bóng đá thì anh cũng phải có “dây”. Và “dây” tốt nhất là tạo được với HLV trưởng các đội bóng, chứ không phải các ông chủ?!
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Tags