(Thethaovanhoa.vn) - Cầu thủ ngoại gắn liền với bóng đá chuyên nghiệp, bóng đá Việt cũng không là ngoại lệ. Chỉ có điều, nguồn ngoại lực này còn chỉ ra những bất cập của cả nền bóng đá xứ sở.
Từ màn tái hồi của Lee Nguyễn
Cái tin Lee Nguyễn quay lại với CLB TP.HCM dù đã tuyên bố treo giày, chẳng biết nên vui hay nên buồn. Lee Nguyễn vẫn là một cầu thủ có đẳng cấp nhưng lý do gì mà TP.HCM lại chiêu mộ một người đã chia tay sân cỏ, đã 35 tuổi (anh sinh ngày 7/10/1986). Cứ cho là tài năng của Lee Nguyễn vẫn cao hơn mọi cầu thủ của CLB TP.HCM hiện tại, nhưng không lẽ chẳng có chọn lựa nào khác?
Thật ra, hỏi cũng là đã trả lời. V-League không còn khả năng thu hút các ngoại binh chất lượng cao, ngoài những cầu thủ đang chơi bóng loanh quanh khu vực Đông Nam Á. Thế nên mới có chuyện Hoàng Vũ Samson có đến 11 năm đá bóng ở Việt Nam và khoác áo đến 8 CLB khác nhau, hay như chuyện Đỗ Merlo (sinh ngày 26/1/1985) đã quá xa thời đỉnh cao nhưng vẫn được vài đội bóng V-League lôi kéo ở tuổi 37. V-League có ngoại binh đầu tiên từ năm 2001, nhưng sau hơn 20 năm, liệu có bao nhiêu cầu thủ ngoại từng đá V-League đã phát triển sự nghiệp ở châu Âu?!
Đây là một vấn đề không nhỏ đối với sự phát triển của V-League. Nếu cho rằng bóng đá Việt Nam đang phát triển, đứng đầu Đông Nam Á nhưng chúng ta không thu hút được ngoại binh tốt, có thể vì tiền lương ở Việt Nam không tốt hơn các giải vô địch Indonesia, Thái Lan. Điều này cũng đồng nghĩa V-League không phát triển về doanh thu nên không có nguồn tiền dự phòng đủ lớn để đầu tư vào một ngôi sao có đẳng cấp cao.
Ở một góc độ khác, nếu các ngoại binh đều chỉ ở mức sàn sàn về trình độ, nguồn tiền đầu tư không có, phải sử dụng đến những người tưởng đã hết thời như Lee Nguyễn, Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson … thì hà cớ gì phải nhất nhất tuyển ngoại binh, sao không mạnh dạn trao cơ hội cho các cầu thủ trong nước?
Hóa ra, việc V-League mở rộng số lượng ngoại binh được đăng ký và thi đấu lại vô tình gây hại cho chính giải đấu này. Không có ngoại binh mới, chất lượng cao, thì mở rộng để làm gì?! Tất nhiên, nói như vậy không phải để quay về chuyện “siết” ngoại binh, mà là đặt vấn đề về việc các CLB có nhất thiết phải dùng “hàng kém chất lượng” bằng mọi giá hay không? Câu hỏi kế tiếp: Chúng ta phải làm gì để đón được các ngoại binh tốt, qua đó nâng cao chất lượng của nội binh?
10 năm trước, Lee Nguyễn là một bản hợp đồng đem lại tiếng thơm cho V-League. Thời điểm ngôi sao gốc Việt này đến với HAGL, giải đấu số 1 Việt Nam đã lọt vào Top 50 giải VĐQG hàng đầu thế giới. Vậy nên, giờ này Lee Nguyễn vẫn được trọng dụng tại Việt Nam thì cũng có nghĩa chất lượng của V-League cần phải được đánh giá và điều chỉnh.
Đến ngôi đầu của Hà Nội FC
Sau 2 năm gần như thất bại toàn tập đến mức suýt rớt hạng ở năm 2021, Hà Nội FC bất ngờ trở lại với vị thế của ứng cử viên số 1 của chức vô địch. Chuyện này không có gì đáng nói, vấn đề là không hiểu vì sao mà việc “lật đổ” sự thống trị của Hà Nội FC lại khó khăn đến thế với phần còn lại của V-League.
Để Hà Nội FC chiếm đỉnh bảng trong giai đoạn đầu mùa bóng là thách thức lớn với các đội bóng có tham vọng vô địch khác. Trong lịch sử V-League, các mùa giải mà Hà Nội FC (Hà Nội T&T) không thành công thì đều có điểm chung là họ xuất phát rất kém. Đó là vào các năm 2017, 2020, 2021. Còn nếu như họ đã đứng đầu từ sớm thì rất khó để chức vô địch thoát khỏi tay. Năm 2016, đội bóng Thủ đô khởi đầu không mấy tốt đẹp vậy mà vẫn có thể vượt qua Hải Phòng ở vòng đấu cuối cùng, thì chuyện mùa này đăng quang thì chẳng có gì bất ngờ.
Nhưng cái đáng nói là Hà Nội FC hiện không còn mạnh như trước. Họ mất cầu thủ nguy hiểm nhất của mình là Quang Hải, lại thay HLV liên tục trong thời gian gần đây, các trụ cột như Duy Mạnh, Đỗ Hùng Dũng, Văn Quyết không ở trạng thái thi đấu tốt nhất. Vậy nhưng không có đội nào tại mùa giải năm nay được xem là tốt hơn họ. Phân tích như vậy để thấy, vấn đề không nằm ở Hà Nội FC mà là sự thiếu ổn định của các đối thủ.
Hãy xem các đội bóng từng vô địch hay nằm trong tốp 3 của 5 mùa giải gần nhất sẽ thấy. Nhà vô địch năm 2017 là Quảng Nam thì đang đá ở hạng Nhất cùng với đội về hạng 3 năm 2018 là Khánh Hòa. Bộ đôi Thanh Hóa, TP.HCM thì nằm ở nhóm trụ hạng còn Sài Gòn FC thậm chí đang trên đường về hạng Nhất chỉ sau 1 mùa giải chơi tưng bừng với vị trí thứ 3 năm 2020.
Than Quảng Ninh còn tệ hơn, bị xóa sổ vì thiếu tiền. Nhà vô địch gần nhất là Viettel thì đang rối bời với các vấn đề trong nội bộ. Có thể khẳng định, Hà Nội FC chẳng cần phải cố gắng tốt hơn để làm gì khi chính những đối thủ mạnh nhất của họ đều “tự bắn vào chân mình”. Một giải đấu mà không tạo ra được sự cạnh tranh liên tục, thì cũng không thể có chất lượng cao.
Đấy chính là vấn đề của V-League, khi sự ổn định dường như là điều xa xỉ. Hà Nội FC thống trị không hẳn vì họ nhiều tiền hơn, đào tạo cầu thủ trẻ tốt hơn hay có truyền thống hơn các đội khác . Họ vượt trội có lẽ nằm ở tính ổn định của một đội bóng có tầm nhìn, có triết lý. Xét về các yếu tố này, ở V-League chỉ có 2 đội bóng xứng đáng được xem là đối thủ: HAGL và Bình Dương.
Cũng không khó nhận ra, các đội bóng kể trên cùng có một điểm chung, đó là tiềm lực tài chính và sự cam kết đầu tư dài hạn từ những người sở hữu. Nói cách khác, “nuôi” một đội bóng đá V-League không hề đơn giản, nên nếu V-League vẫn chưa thực sự làm ra tiền thì những câu chuyện của Lee Nguyễn hay sự thống trị của Hà Nội FC vẫn sẽ còn tồn tại. Điều đó, chắc chắn không có lợi nhiều cho bóng đá Việt Nam.
Long Khang
Tags