(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt những ngày cuối năm 2017 sôi động chứ không bình lặng dù VCK U23 châu Á chưa diễn ra, còn V-League tới sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất mới khởi tranh. Câu chuyện vẫn xoay quanh giải đấu số 1 của bóng đá nước nhà và cái tên luôn thu hút sự quan tâm, chú ý của truyền thông và dư luận: Nguyễn Công Phượng.
- Công Phượng không có giá 70 tỷ đồng, U23 Việt Nam chốt danh sách ngày 8/1
- Công Phượng gặp chấn thương, U23 Việt Nam 'đội mưa' tập luyện
- Hậu vệ tuyển Thái làm đồng đội với Lukas Podolski, Công Phượng có ‘tướng’ sát thủ
Toyota chính thức rút lui khỏi V-League với lý do gặp khó khăn về tài chính nhưng gần như cùng thời điểm, đối tác này đồng ý rót tiền tài trợ cho Thai League với mức gấp 5 lần so với V-League, ước đạt 5 triệu USD/mùa giải. Tất nhiên, số liệu chính xác của những hợp đồng tài trợ của Toyota với V-League trước kia và Thai League bây giờ không được phép tiết lộ nhưng thông tin từ báo chí, thậm chí bắt nguồn tại trang chủ của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) không phải là không có cơ sở.
Theo như chia sẻ của tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú với Thể thao & Văn hóa trên thực tế, Toyota vẫn muốn gia hạn hợp đồng tài trợ cho V-League nhưng mức giá đưa ra chào mời lại thấp, không tương xứng với giá trị món hàng ở đây là V-League nên Hội đồng quản trị VPF không đồng ý. Việc khó khăn nhất với bộ máy lãnh đạo mới của VPF là thuyết phục đối tác tài trợ mới sau Toyota chấp nhận bỏ ra mức giá cao, chứ không phải giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam không có ai tài trợ.
V-League đương nhiên là có giá trị nhất định và nó được các doanh nghiệp định giá nếu như họ có mong muốn được quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp mình qua "mặt hàng" này. Nhưng cho đến khi nào VPF và các doanh nghiệp chưa tìm được điểm chung trong việc định giá sản phẩm, xác định con số cụ thể thì hợp đồng tài trợ còn chưa được ký. Trách nhiệm với lãnh đạo VPF là vô cùng nặng nề vì ngày 10/3/2018, V-League mùa giải mới sẽ khai mạc.
Ở một góc độ nào đó, một trong những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Việt Nam hiện đang thi đấu tại V-League dưới màu áo CLB HAGL Nguyễn Công Phượng liên tục được đồn đoán là "món hàng hot" trên thị trường chuyển nhượng.
Sau màn trình diễn ổn định cùng đội tuyển U23 Việt Nam tại M-150 Cup, giải đấu chuẩn bị cho VCK U23 châu Á, cái tên Công Phượng được nhắc đến với tần suất dày đặc hơn nữa trên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội. Mới nhất, trong ngày hôm qua, đã xuất hiện thông tin "đại gia" của bóng đá xứ chùa Vàng, đương kim vô địch Thai League Buriram United định giá Công Phượng tới 70 tỷ đồng, tương đương hơn 3 triệu USD, nghe thật sự giật mình. Bởi lẽ, chính HAGL, đội bóng đang sở hữu Công Phượng cũng chỉ có hợp đồng thời hạn 2 năm cùng VP Milk với giá trị khoảng 50 tỷ đồng. Kinh phí tối thiểu cho một đội bóng tại V-League đủ điều kiện hoạt động và tham gia thi đấu là 35 tỷ đồng, tức là chỉ bằng ½ con số được cho là "đại gia" bóng đá Thái Lan sẵn sàng chi trả để chiêu mộ chân sút trẻ xứ Nghệ.
Sau khi Thai League tạo điều kiện cho các CLB đăng ký một ngoại binh đến từ Đông Nam Á giống như giải vô địch Malaysia hay Indonesia thì "cơn sốt" cầu thủ trong khu vực tăng lên từng ngày. Cho đến thời điểm này, dù đã xuất hiện vô số thông tin cầu thủ Việt Nam được các đội bóng tại Thai League quan tâm, từ Văn Quyết, Quang Hải, Văn Thanh, Xuân Trường, Công Phượng... cho đến cả tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson nhưng vẫn chưa có bản hợp đồng nào chính thức được ký kết.
Vậy thì, những số liệu được đưa ra như 68 tỷ, 70 tỷ đồng hay 3 triệu USD... được đưa ra cho Công Phượng có lẽ cũng chỉ là một cách để PR, quảng bá tên tuổi cho cầu thủ cũng như chính CLB mà ở đây là trường hợp của Buriram United mà thôi.
Thương hiệu trong thể thao nói chung, bóng đá nói riêng là một khái niệm tương đối mơ hồ nhưng giá trị lại cần được xác định chính xác trong thực tế. Đây là điều mà các doanh nhân, những nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã nằm lòng và đương nhiên, người làm kinh doanh càng biết cách chi tiêu, quản lý tài sản của mình.
Lâm Chi
Tags