(Thethaovanhoa.vn) - Tháng Giêng: Lọt vào chung kết U23 châu Á. Tháng Tám: Lọt vào bán kết ASIAD 2018. Tháng Mười hai: Bước lên đỉnh vinh quang tại AFF Cup 2018 và lọt Top 100 FIFA. Bóng đá Việt Nam thực sự đã có một năm đại cát.
Người ta nhắc nhiều đến khái niệm gọi là chu kỳ 10 năm của bóng đá Việt Nam, không phải không có lý. 10 năm, bằng với 2-3 thế hệ cầu thủ. Đấy là 10 năm sau ngôi á quân Tiger Cup 1998, chúng ta lần đầu tiên lên ngôi vương tại AFF Suzuki Cup 2008.
Highlights: Việt Nam 1-0 Malaysia
Thế còn năm 2018?
Xét về biểu đồ thành tích ở các cấp độ ĐTQG, thì với ngôi á quân U23 châu Á 2018 và vào đến bán kết ASIAD 18, đấy là sự thăng tiến đáng ghi nhận. Sự khẳng định cho chất lượng đào tạo - phát triển của bóng đá Việt Nam.
Với logic này, thì 12 năm sau lần lọt vào tới tứ kết AFC Asian Cup 2007, giải đấu mà Việt Nam là một trong 4 quốc gia đồng chủ nhà, thì đến VCK Asian Cup 2019, ít nhất chúng ta cũng phải lặp lại được thành tích này, sau khi AFC đã nâng số lượng đội dự giải lên con số 24?
Nhưng đấy là câu chuyện của tháng 1/2019 tại UAE, còn trước mắt, đội tuyển Việt Nam đã công khai tham vọng đòi lại ngôi vương Đông Nam Á. Khởi đầu từ trận thắng Lào 3-0 với một lối chơi có mảng miếng, bắt mắt, chúng ta đã bất bại một mạch 8 trận (6 thắng, 2 hòa), khi thẳng tiến tới ngôi vô địch với buổi tối kỳ diệu ở Mỹ Đình
Nói về Malaysia. Tỷ lệ thắng/thua qua các cuộc đối đầu trực diện trong quá khứ, phần nào đó nghiêng về chúng ta, từ SEA Games đến AFF Cup. Tuy nhiên, người Mã lại thường xuyên thắng chúng ta ở những trận knock-out. Đấy hoàn toàn không phải là điều nghịch lý.
Bắt đầu từ SEA Games 2009, với trận thua tức tưởi 0-1 ở chung kết, lỡ cơ hội đoạt vàng Đại hội thể thao khu vực. Đến AFF Suzuki Cup 2010, với trận thảm bại 0-2 ở Bukit Jalil, khiến thầy trò HLV Calisto không thể gượng dậy nổi khi quay về Mỹ Đình, bị biến thành cựu vương. Và bán kết giải đấu năm 2001, trên đất Mã, HLV Toshiya Miura và các học trò thậm chí đã giành chiến thắng 2-1 ngay tại chảo lửa Shah Alam, một trận cầu tuyệt hay. Nhưng khi trở về Mỹ Đình, chúng ta lại để thua 2-4, với một trong những pha đá phản lưới nhà khó quên của trung vệ Đinh Tiến Thành.
Malaysia là nút thắt cuối cùng cần được cởi bỏ ở vòng bảng, trên con đường chinh phục chiếc Cúp vàng AFF Suzuki Cup 2018. Bài học từ quá khứ cho thấy, Mã chính là con hổ, là đối thủ rất "kị giơ" của bóng đá Việt Nam. Mà trói hổ, thì phải trói thật chặt, chứ không thể lỏng tay để dễ sinh biến về sau.
Trong toàn bộ câu chuyện thần tiên của bóng đá Việt Nam trong năm 2018, việc kết thúc bằng chức vô địch Đông Nam Á vào tháng 12 này, quả là đại cát. Tất cả các học trò và cả HLV Henrique Calisto, những người hùng từng lên ngôi cách đây 10 năm trong cuộc hội ngộ vào tuần qua tại TP.HCM đều hoàn toàn tin tưởng vào cơ hội ở giải năm nay, và niềm tin ấy đã được đền đáp. Bóng đá trẻ Việt Nam và lực lượng kế thừa với thành tích đạt được, tạo ra tiền đề - điểm tựa rất rõ ràng, để đánh chiếm các hạng mục cao hơn.
Nên nhớ, sau lưng AFF Suzuki Cup 2018 là AFC Asian Cup 2019, một sân chơi mà bóng đá Việt Nam cần phải khẳng định được mình, trong chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Cũng tại giải đấu này, như đã nhắc ở trên, nền bóng đá từng tạo được cột mốc rất ấn tượng năm 2007.
Thắng bại trong bóng đá rất mong manh. Nếu muốn duy trì biểu đồ thành tích ổn định thì phải có chiến lược cụ thể, chứ không nói chơi được. Sự phát triển bền vững ấy cũng không giống như việc "cất vó", may thì được "mẻ", không đi tắt đón đầu. Thế nên, cứ bình tĩnh, thay vì hối thúc phải vô địch mọi giải đấu.
Tùy Phong
Tags