(Thethaovanhoa.vn) - Không phải Nam Định, Sài Gòn, những đội đang đứng cuối BXH, mà ứng cử viên số 1 chức vô địch V-League 2018 là đội bóng đầu tiên thay HLV trưởng. Điều gì đang xảy ra với HLV Mihail?
- FLC Thanh Hóa bị 'nhấn chìm' tại phố Biển
- CLB FLC Thanh Hóa thanh lý hợp đồng với HLV Mihail
- Video clip bàn thắng S.Khánh Hòa 3-1 FLC Thanh Hóa
Phát biểu lý do chia tay, ông Doãn Văn Phương, Chủ tịch FLC Thanh Hóa, cho biết: "CLB đã tạo mọi điều kiện cho HLV Mihail và đội bóng nhưng kết quả không như mong muốn thì chuyện chia tay cũng là bình thường. Trong bóng đá, HLV giỏi thành công ở đội bóng này chưa chắc đã gặt hái thành tích ở đội bóng khác. Chúng tôi cảm ơn HLV Mihail và chúc ông gặp may mắn, thành công hơn trong tương lai".
Thực ra, không phải sau trận thua mất mặt 3-1 trước S.Khánh Hòa thì chất lượng chuyên môn của đội bóng mới được mổ xẻ. Tính đến trước khi bị sa thải, nhà cầm quân người Romania đã có tổng cộng 10 trận cùng đội bóng xứ Thanh, nhưng kết quả nhận được là hoàn toàn chưa tương xứng với những gì BLĐ FLC Thanh Hóa bỏ ra khi thắng 4 hòa 1 và thua đến 5.
FLC Thanh Hóa dưới thời nhà cầm quân 59 tuổi này là tập hợp của các cầu thủ đã và đang khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng họ lại thể hiện lối chơi rời rạc, không có nhiều đột biến và sợi dây liên kết ở các tuyến gần như không có.
Khá ngạc nhiên là nhiều cầu thủ đã từng thành danh nhưng thi đấu dưới bàn tay của vị HLV ngoại quốc này lại sa sút khó hiểu. Đó có thể kể đến đội trưởng Omar, tiền vệ Minh Tuấn của Than Quảng Ninh. Dấu ấn của 3 ngoại binh, kể cả Karube, đều thể hiện tương đối mờ nhạt nên lối chơi FLC Thanh Hóa thất thường và có nhiều khi bế tắc.
Điều quan trọng nhất phong cách chỉ đạo của Mihail không truyền được lửa cho học trò trong cả tập luyện và thi đấu. Hình ảnh các cầu thủ FLC Thanh Hóa buông xuôi trên sân 19/4 của S.Khánh Hòa là ví dụ cụ thể nhất. Việc ông Mihail không dùng nhiều các cầu thủ địa phương có phong độ tốt như Đình Tùng cũng khiến cho khán giả xứ Thanh không ủng hộ.
Cùng với đó, việc FLC Thanh Hóa có quá nhiều ngôi sao trong đội hình cũng khiến HLV Mihail không biết chọn ai hoặc bỏ ai. Đơn cử như ở nhiều trận đấu, ông trao cơ hội cho tuyển thủ quốc gia Vũ Minh Tuấn, nhưng cựu đội trưởng Than Quảng Ninh lại chơi rất mờ nhạt.
Trong khi đó, những phương án thay thế khác như Đình Tùng hay Văn Thắng thì lại thể hiện tốt. HLV Mihail cũng phải chịu trách nhiệm khi quyết định tuyển chọn ngoại binh Edward Ofere, cầu thủ đến nay thi đấu không như mong đợi.
Thực tình, FLC Thanh Hóa vẫn có những trận đấu có nét, có thể kể đến trận thắng SLNA 1-0. Nhưng có lẽ các ông bầu CLB cho rằng, nếu chỉ thế thì họ khó lòng đạt được tham vọng lớn nên chia tay sớm là phương án tốt hơn cả.
FLC không tiếc tiền để mời về ông Petrovic và Mihail, những nhà cầm quân châu Âu có danh tiếng, để chinh phục ngôi vô địch. Họ đích thực là những nhà chuyên môn giỏi, có bằng cấp và thành tích đã được thừa nhận ở châu Âu nhưng lại được coi là thất bại ở Việt Nam.
Hãy nhìn BHL FLC Thanh Hóa ngồi im bất động nhìn đội bóng bị các cầu thủ S.Khánh Hòa quần cho tơi tả để phần nào biết câu trả lời. Khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ đã khiến họ có sự cách biệt với BHL, cầu thủ và khán giả, theo thời gian khoảng cách lại càng thêm rộng.
Không phải không có HLV ngoại đã từng thành công ở cấp CLB, điển hình là ông H. Calisto của Gạch ĐTLA. Nhưng xem ra, với nền bóng đá chuyên nghiệp kiểu Việt Nam, rất khó cho các nhà cầm quân ngoại có được thành công nhất định.
Đông Hùng
Tags