U23 Việt Nam 'sống chung với lũ'

Chủ nhật, 13/12/2015 11:19 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trong rất nhiều các đợt tập trung ĐTQG, ở nhiều triều đại HLV ngoại khác nhau, chấn thương luôn là nỗi ám ảnh. Bởi điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng chinh phục của đội bóng. Không ai mong muốn điều tồi tệ cả, nhưng thi thoảng nó vẫn xảy ra. Trong thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, đó là những chấn thương ngoài ý muốn xảy ra trong tập luyện và thi đấu. Vấn đề đặt ra là, chúng ta, những VĐV sẽ tiếp tục chấp nhận “sống chung với lũ” hay có thể phòng ngừa những tai nạn?

Theo chia sẻ của các cựu HLV trưởng ĐTQG, ông Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc, rất khó để phòng tránh các ca chấn thương, tuy nhiên, nếu các HLV, bác sỹ cấp CLB và ĐTQG có thể phối hợp với nhau trong việc báo cáo tình trạng sức khoẻ của cầu thủ, sẽ hạn chế được nhiều những thương vong. “Nếu một cầu thủ vừa trải qua những trận đấu liên tiếp, tuy là chưa chấn thương, nhưng dễ có biểu hiện quá tải, khi lên tập trung ĐT phải có giáo án tập luyện riêng”, ông Phúc nói.

Chúng ta sẽ thôi không bàn đến giáo án tập luyện, các vấn đề kỹ thuật như sân bãi, thời tiết hay cơ địa của cầu thủ nữa... Một vấn đề đặt ra ở đây là,  bao giờ y học thể thao Việt Nam mới được chú trọng và có dấu hiệu phát triển, trong việc phòng và chống các ca chấn thương? Nó bắt đầu từ đội ngũ các bác sỹ chuyên ngành quá thiếu và nhiều người không đủ kiên nhẫn để theo nghề, bởi chế độ đãi ngộ quá thấp. Ví như một bác sỹ ĐTQG, phải làm việc cực nhọc cả ngày, nhưng lương, thưởng thì…

'U23 Việt Nam chấn thương nhiều do chế độ dinh dưỡng chưa tốt'

'U23 Việt Nam chấn thương nhiều do chế độ dinh dưỡng chưa tốt'

Từng trực tiếp điều trị thành công nhiều ca chấn thương cho các cầu thủ bóng đá Việt Nam, bác sỹ Nguyễn Công Dũng, nguyên TTK Hội Y học Thể thao TP HCM đã có những chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa về kinh nghiệm phòng chống các chấn thương.


Việc mở các chuyên khoa đào tạo chuyên sâu về y học thể thao là một đòi hỏi cấp bách, nhưng tại các trường Y khoa hàng đầu Việt Nam, chuyên ngành này thường không được xem trọng. Hiện, chỉ duy nhất Học viện Quân y có mở đào tạo chuyên khoa y học thể thao, như thế là không đủ. Về phẫu thuật (chấn thương chỉnh hình), có thể chúng ta không thua nước ngoài, nhưng khâu xử lý bước đầu, chăm sóc bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, thì mình còn thiếu. Nhiều bác sỹ vẫn làm tay ngang.

Y học thể thao có 2 loại, một là ở bệnh viện để phẫu thuật, một dạng khác là đi theo các đội tuyển thể thao. Công việc với những bác sỹ đi cùng đội tuyển là rất vất vả, nhưng thu nhập lại không tương xứng. Trong những năm gần đây, các chế độ có được nâng lên, ví như bác sỹ cũng được chấm thưởng loại B, tương đương VĐV, nhưng để có được điều đó, thì đội tuyển phải có thành tích. Mà thành tích với bóng đá Việt Nam, kể từ sau triều đại Henrique Calisto, là thứ xa xỉ phẩm. Vậy đòi hỏi gì?

Khoa học thể thao nói chung và y học thể thao nói riêng, với thể thao đỉnh cao và cụ thể là bóng đá, có mỗi quan hệ tương hỗ. Trên thế giới, người Mỹ và Đức đã luôn đi đầu để chiếm lĩnh đỉnh cao các bộ môn. Tất cả các thông số đều được tính toán rất chi tiết, không sai một ly. Họ sẽ không vội vã “tận thu” với một ca chấn thương. Không như ở Việt Nam, nhiều cầu thủ lên tập trung ĐTQG, vẫn đang bị chấn thương nhưng lại không có những báo cáo đầy đủ. Sự tắc trách nằm ở khâu này.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›