(Thethaovanhoa.vn) - HLV Nguyễn Hữu Thắng đang sở hữu một tập thể được ví như “thế hệ hệ vàng” tiếp theo của bóng đá Việt Nam. Thế nhưng, từ lứa Công Phượng, Xuân Trường đến lứa Quang Hải, Đức Chinh, tất cả đều thiếu mã gene của nhà vô địch tại các giải đấu chính thức.
- Cựu tuyển thủ quốc gia chưa coi U22 Việt Nam là thế hệ vàng
- U22 Việt Nam đứng vững trước những lời khen 'có cánh'
- U22 Việt Nam đã có mặt tại Hàn Quốc, Bùi Tiến Dụng tiếc vì lỡ hẹn SEA Games
Sự lảng tránh của những chiếc cúp
Năm 2013, lứa cầu thủ đầu tiên của lò đào tạo HAGL Arsenal JMG chính thức ra. Lứa cầu thủ ấy vừa tròn tuổi 18 và đi thẳng đến Indonesia, tham dự giải U19 Đông Nam Á.
Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đem đến thứ bóng đá hoa mỹ, kỹ thuật. Không chỉ người Việt Nam, cả Đông Nam Á đều ngỡ ngàng trước tố chất của những cầu thủ trẻ đến từ dải đất hình chữ S.
Thế rồi, U19 Việt Nam bị chặn lại bởi “chiếc xe bus” của đội chủ nhà U19 Indonesia. Đội tuyển trẻ xứ vạn đảo dùng mọi cách để ngăn cản Công Phượng đi bóng, Tuấn Anh, Xuân Trường chuyền bóng. Ngày hôm đấy, họ không chơi, họ nhường quyền chơi bóng cho U19 Việt Nam và tìm mọi cách ngăn chặn, cố gắng đưa trận đấu đến chấm phạt đền.
Trớ trêu thay, U19 Indonesia được toại nguyện, họ vô địch sau chiến thắng 7-6 trên chấm phạt đền. Kể từ đấy về sau, U19 Việt Nam từ lứa cầu thủ HAGL làm nòng cốt đến thời HLV Hoàng Anh Tuấn lên tiếp quản, chiếc cúp bạc vẫn là thứ xa xỉ.
Lứa U19 Việt Nam gồm Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường từng thua 3-4 trước U19 Myanmar tại trận chung kết Cúp Hassanal Bolkia 2014. Nguồn: VTV.
Tất cả những gì lứa U19 Việt Nam từ 2013 đến nay làm được là những chức vô địch ở các giải đấu giao hữu. Công Phượng và các đồng đội đã 2 lần vô địch liên tiếp ở giải giao hữu U21 quốc tế Báo Thanh niên (2014 và 2015). HLV Hoàng Anh Tuấn đưa U19 Việt Nam vô địch giải giao hữu U19 KBZ Bank Cup 2016.
Những thành tích ấy, tiếc rằng, không được lặp lại ở các giải đấu chính thức. SEA Games 2015 là đỉnh cao của sự tiếc nuối giành cho một thế hệ cầu thủ chất lượng của bóng đá Việt Nam.
4 năm, 3 trận chung kết U19 Đông Nam Á, 1 trận chung kết Hassanal Bolkia, thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là Á quân, chưa nói đến nhiệm vụ giành cúp ở sân chơi châu lục hay thế giới. “Thế hệ vàng“ thiếu vàng là vì vậy.
Thái Lan là đối thủ số 1, số 2 gọi tên Myanmar
Không khó để chỉ ra những đối thủ cần lưu tâm đặc biệt ở SEA Games 29, HLV Hữu Thắng có lẽ cũng nhìn ra hai đối thủ lớn là Thái Lan và Myanmar.
Hãy đến với Myanmar, đất nước láng giềng ở phía đông Thái Lan với sự phát triển của bóng đá trẻ trùng khớp với sự nổi lên của lứa đầu tiên học viện HAGL Arsenal JMG. Ai đã đánh bại U19 Việt Nam ở Cúp Hassanal Bolkial năm 2014? Là Myanmar. Ai đánh bại U22 Việt Nam ở bán kết SEA Games 28? Cũng là Myanmar.
Từ bao giờ bóng đá xứ này trở thành đối trọng với Việt Nam? Câu hỏi đó được thốt lên bởi sự ngỡ ngàng của nhiều người Việt Nam, nhưng chính những người Myanmar cũng có cảm xúc tương tự xen lẫn sự tự hào.
Việt Nam, đất nước nào ở Đông Nam Á đã tham dự World Cup? Vẫn lại là Myanmar. Đội tuyển U19 của quốc gia này tận dụng tốt lợi thế sân nhà để lọt vào top 4 đội mạnh nhất giải U19 châu Á 2014. Họ đến FIFA U20 World Cup 2015, đến với cấp cao nhất của bóng đá thế giới còn sớm hơn Việt Nam và Thái Lan.
U23 Việt Nam từng thua tâm phục khẩu phục 1-3 trước U23 Thái Lan tại SEA Games 28. Nguồn: VTV.
Giờ trở lại với đối thủ lớn nhất: Thái Lan. Bóng đá xứ chùa vàng vẫn là “ông kẹ” của Đông Nam Á. Họ thống trị bóng đá khu vực 4 năm trở lại đây. Hai huy chương vàng SEA Games (2013 và 2015) và hai chức vô địch AFF Suzuki Cup (2014 và 2016) là câu trả lời cho sự thống trị ấy. Năm 2014, HLV Kiatisak Senamuang và cánh chinh đầu đàn Chanathip còn đưa U23 Thái Lan lọt vào top 4 đội mạnh nhất tại ASIAD Incheon.
SEA Games 28, U23 Việt Nam thua 1-3 tâm phục khẩu phục. Giải U19 Đông Nam Á 2015, U19 Việt Nam thua trắng 0-6. Đó cũng là những lần gần nhất lứa U19/U23 Việt Nam gặp người Thái.
SEA Games 29 sắp tới, người Thái vừa có màn khởi động được cho là không tốt tại vòng loại U23 châu Á 2018. Thế nhưng, một người cẩn thận như HLV Hoàng Anh Tuấn đã theo dõi và đưa ra đánh giá “đừng vì thế mà đánh giá thấp U22 Thái Lan”. Không tồn tại sự chủ quan, mọi thứ vẫn phải được chuẩn bị thật cẩn thận trước mọi đối thủ.
Vươn tới đỉnh cao để đến đỉnh cao hơn
U19 Việt Nam đã từng vô địch giải bóng đá U20 Đông Nam Á vào năm 2007, tiền thân của U19 Đông Nam Á bây giờ. Gần 10 năm, bóng đá trẻ Việt Nam chưa làm được điều tương tự. Thế nhưng, số 10 ấy chẳng thấm thoắt gì so với việc chờ đợi đội tuyển Việt Nam trước đây, U23 Việt Nam sau này giành được một tấm huy chương vàng SEA Games.
Tin vui với bóng đá Việt Nam đến vào tháng trước, U15 Việt Nam vô địch giải U15 Đông Nam Á. Lâu rồi bóng đá trẻ Việt Nam không lên đỉnh và niềm vui ấy còn nhân đôi khi kẻ chiến bại là U15 Thái Lan. Chiếc cúp ấy được ví như động lực truyền tới các đàn anh ở U22 Việt Nam, để chờ đợi họ phá giải lời nguyền SEA Games.
U22 Việt Nam đang sở hữu những cá nhân tốt nhất của hai tập thể tạo nên tiếng vang lớn cho bóng đá nước nhà. Họ đi lên với nền tảng cơ bản rất tốt, từ kỹ thuật đến tư duy chơi bóng. HLV Hữu Thắng đang có trong tay một thế hệ được kỳ vọng rất nhiều và chính các tuyển thủ cũng tự nhận họ khao khát chiếc huy chương vàng SEA Games.
Các thế hệ trước chưa làm được và cờ cứ thế trao tay hết thế hệ này đến thế hệ khác. U22 Việt Nam đặt mục tiêu vô địch SEA Games 29, mục tiêu để vươn tới đỉnh cao, tìm kiếm danh hiệu còn thiếu ở khu vực Đông Nam Á cho bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng, họ còn mang nhiệm vụ vô hình, phá vỡ một một đỉnh cao để đưa bóng đá Việt Nam vươn tới đỉnh cao hơn. Đồng thời, bình thường hóa bài ca vô địch SEA Games vốn đã bị đặt áp lực quá nặng nề.
Nền bóng đá | Giải đấu | Thành tích |
Indonesia | U19 Đông Nam Á 2013 | Vô địch |
Myanmar | Hassanal Bolkia Cup 2014 | Vô địch |
U19 châu Á 2014 | Hạng 4 | |
FIFA U20 World Cup 2015 | Vòng bảng | |
Thái Lan | U19 châu Á 2014 | Tứ kết |
Asiad Incheon 2014 | Hạng 4 | |
U19 Đông Nam Á 2015 | Vô địch | |
SEA Games 28 | Huy chương vàng | |
U19 Đông Nam Á 2016 | Á quân | |
U19 châu Á 2016 | Vòng bảng | |
U23 châu Á 2016 | Vòng bảng |
Thành tích nổi bật tại các giải đấu trẻ của một số quốc gia Đông Nam Á.
Năm | Giải đấu | Thành tích |
2013 | U19 Đông Nam Á | Á quân |
2014 |
U19 Đông Nam Á | Á quân |
U19 châu Á | Vòng bảng | |
Hassanal Bolkia Cup | Á quân | |
Asiad Incheon | Tứ kết | |
U21 Quốc tế Báo Thanh niên | Vô địch | |
2015 |
SEA Games 28 | Huy chương đồng |
U21 Quốc tế Báo Thanh niên | Vô địch | |
2016 |
U23 châu Á | Vòng bảng |
U21 Quốc tế Báo Thanh niên | Hạng 3 |
Thành tích nổi bật tại các giải đấu trẻ của lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường.
Năm | Giải đấu | Thành tích |
2015 | U19 Đông Nam Á | Á quân |
2016 | U19 Đông Nam Á | Hạng 3 |
U19 châu Á | Bán kết | |
U19 KBZ Bank Cup | Vô địch | |
2017 | FIFA U20 World Cup | Vòng bảng |
Thành tích nổi bật tại các giải đấu trẻ của lứa Quang Hải, Đức Chinh.
Hiếu Lương
Tags