(Thethaovanhoa.vn) - Vòng 22 V-League, trọng tài Trần Văn Lập “quên rút thẻ đỏ” gián tiếp sau hai thẻ vàng đối với Hồ Tấn Tài của B.Bình Dương trong trận đấu gặp Than Quảng Ninh rồi sau đó sửa sai bằng việc hủy bàn thắng của Tiến Linh. Cũng ở vòng đấu đó, những lời “mỉa mai” mà HLV Nguyễn Đức Thắng nhắm vào trọng tài Hoàng Ngọc Hà, người điều khiển trận FLC Thanh Hóa – Nam Định khiến HLV này ngay lập tức phải nhận án kỷ luật đình chỉ làm nhiệm vụ 3 trận, phạt tiền 5 triệu đồng.
- Trọng tài hãy cẩn thận 'củi lửa'
- HLV FLC Thanh Hóa tố trọng tài ‘giết bóng đá’, Công Phượng nhận mưa lời khen
- Đánh rơi chiến thắng phút chót, FLC Thanh Hóa đổ lỗi cho trọng tài
Sai sót, phản ứng, kỷ luật rồi lại sai sót và chỉ trích, cái vòng luẩn quẩn ấy đối với công tác trọng tài tại V-League đã lặp đi lặp lại qua bao nhiêu mùa giải của V-League nhưng vẫn là câu chuyện “thường ngày ở huyện” và càng đến giai đoạn cuối mỗi mùa giải, tần suất của những sự cố kiểu đó lại càng dày đặc hơn.
Chẳng nói đâu xa, ngay trận đấu sớm vòng 23, khi SLNA làm khách tại Cẩm Phả và chỉ có được tỷ số hòa 2-2 trước đội chủ nhà Than Quảng Ninh dù đã dẫn trước 2-0, trọng tài lại một lần nữa trở thành “tâm điểm”, chỉ có điều khác biệt là ông Trương Hồng Vũ, người điều khiển trận đấu này đã bị trung vệ Quế Ngọc Hải của đội bóng xứ Nghệ phản ứng quyết liệt, thậm chí chỉ tay vào mặt để phản đối quyết định thổi phạt 11m ở thời điểm gần cuối trận đấu.
Tất nhiên việc trọng tài Trương Hồng Vũ rút thẻ vàng cảnh cáo Quế Ngọc Hải vì lỗi phản ứng đó là hoàn toàn chính xác, kể cả tình huống Hải phạm lỗi với Eydison dẫn đến quả phạt 11m cũng không oan ức gì cho cam. Vậy phản ứng trọng tài đã trở thành thông lệ hay căn nguyên của vấn đề đến từ việc niềm tin vào giới cầm cân nảy mực trên sân cỏ Việt Nam đã xuống đến mức thấp nhất? Điều này không phải không có lý.
HLV Lê Thụy Hải, người từng nhiều năm lăn lộn tại sân chơi V-League, trải qua công tác huấn luyện tại rất nhiều CLB từ B.Bình Dương, Hải Phòng, Vissai Ninh Bình, FLC Thanh Hóa…trong một cuộc trao đổi với Thể thao & Văn hóa gần đây đã đánh giá việc nhiều đội bóng, cầu thủ, HLV phản đối trọng tài và chuyện xảy ra như cơm bữa tại V-League một phần chính là bởi niềm tin vào trọng tài không còn. Thế nên, bất cứ tình huống gây tranh cãi nào từ chuyện thổi phạt việt vị hay không việt vị, bàn thắng hay không công nhận bàn thắng, thẻ phạt… đều có thể đổ thừa rằng do trọng tài thổi ép. Và thế là những lời ca thán, chỉ trích cứ kéo dài từ vòng đấu này sang vòng đấu khác, năm này qua năm khác.
VFF, VPF, đơn vị quản lý và tổ chức giải đấu tất nhiên là nhìn thấy rõ trọng tài là vấn đề nổi cộm nhưng thực tế cho đến thời điểm này vẫn chưa tìm ra được giải pháp thấu đáo để giải “bài toán” trọng tài, hay chí ít là khôi phục niềm tin nơi các đội bóng đang tham dự V-League. Sử dụng công nghệ VAR như FIFA đã áp dụng tại World Cup 2018 thì bóng đá Việt Nam chưa đủ nguồn lực cả về con người lẫn tài chính.
Thế nên, bên cạnh biện pháp quen thuộc là rút kinh nghiệm thì cứ đến khoảng 2 vòng đấu cuối mùa giải, VPF sẽ thuê trọng tài nước ngoài điều khiển những trận cầu tâm điểm trong cả cuộc đua vô địch lẫn trụ hạng. Năm nay, do Hà Nội FC đã vô địch sớm 5 vòng đấu nên sự gay cấn thực sự chỉ còn ở cuộc chiến trụ hạng. Theo tính toán nếu không có gì thay đổi, một số trận đấu ở vòng 25 và 26 với sự góp mặt của những đội bóng đang vật lộn trụ hạng là XSKT Cần Thơ, Nam Định, Sài Gòn FC, CLB TP.HCM sẽ có sự góp mặt của trọng tài ngoại.
“Chúng tôi sẽ có những tính toán kỹ rồi mới đề xuất thuê trọng tài ngoại điều khiển các trận đấu có sự tham dự của các đội đang đua tranh trụ hạng”, Trưởng ban điều hành V-League Trần Anh Tú đã khẳng định như vậy.
Lâm Chi
Tags