(Thethaovanhoa.vn) – Định mệnh dường như hay chọn những cầu thủ tài hoa để khiến họ phải trở thành kẻ tội đồ ở những khoảnh khắc quyết định. Quang Hải, người được kỳ vọng nhất ở U23 Việt Nam, là một nạn nhân như thế.
Xem lại loạt sút luân lưu cân não giữa U23 UAE và U23 Việt Nam - nguồn VTC
Đó là một pha sút luân lưu đã được tính toán rất kỹ. Quang Hải đã chạy đà từ khá xa, mắt liếc về phía khung thành thủ môn Al Shamsi trước khi vùng chân. Anh đã lừa được thủ thành này, nhưng trái bóng lại đi sát sạt cột dọc ra ngoài, trong tiếc nuối. Cú đá hỏng ấy đã để lại áp lực tâm lý rất lớn cho các cầu thủ U23 Việt Nam, để rồi họ chịu thua 3-5 ở loạt sút luân lưu cân não. Hy vọng giành tấm HCĐ tan vỡ, và dù mọi người cố gắng an ủi, Quang Hải cũng vô cùng thất vọng.
Đây không phải lần đầu tiên Quang Hải đá hỏng 11m trong màu áo U23 Việt Nam. Trong trận bán kết U23 châu Á hồi đầu năm gặp U23 Qatar, anh cũng đá hỏng quả luân lưu đầu tiên. Hôm đó, Hải cũng nhằm ngay góc trái khung thành và đá khá hiểm, nhưng đã bị thủ môn Al Bakari đổ người cản phá. Tuy nhiên, cú đá hỏng ấy đã không được nhắc đến nhiều lắm, do thủ thành Bùi Tiến Dũng đã xuất sắc cản phá hai cú đá của Ahmed Moen và Al-Brake để đưa U23 Việt Nam vào chơi trận chung kết.
Lần này, không có ai cứu Quang Hải và U23 Việt Nam nữa. Bùi Tiến Dũng đã bất lực hoàn toàn trước cả 4 cú đá nhằm thẳng vào góc và được thực hiện rất chính xác của các cầu thủ U23 UAE. Và thủ thành Al Shamsi đã có một pha cản phá tuyệt vời trước cú đá của Minh Vương. Thực tế thì ở ASIAD năm nay, U23 UAE đã rất quen với việc đá luân lưu khi từng vượt qua U23 Indonesia và U23 Triều Tiên theo cách tương tự.
Ở Trung Quốc hồi đầu năm, Quang Hải không phải vua phá lưới (anh chỉ ghi 5 bàn, kém Almoez Ali 1 bàn), và cũng chẳng được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất (thuộc về Odijion Hamrobekov của Uzbekistan), nhưng với phần đông người hâm mộ, anh mới chính là cầu thủ truyền cảm hứng nhất giải đấu. Cú đá hỏng luân lưu của anh ở trận đấu với U23 Qatar, vì thế, cũng chìm vào quên lãng. Tại ASIAD lần này, Quang Hải đã không còn duy trì được sự bùng nổ như thế nữa, dù anh vẫn chơi khá hay và cùng với Duy Mạnh được chọn vào đội hình tiêu biểu của vòng bảng.
Việc Xuân Trường sa sút phong độ và sau đó, Đỗ Hùng Dũng phải về nước vì chấn thương khiến Quang Hải đã phải hy sinh vị trí sở trường để bó vào trong đá như một tiền vệ trung tâm. Từ việc thoải mái phô diễn kỹ thuật và khả năng dứt điểm, Quang Hải đã phải tập trung vào nhiệm vụ cầm nhịp và hỗ trợ phòng ngự, và dĩ nhiên, điều đó đã ảnh hưởng đến những màn trình diễn của anh. Dù đã ghi 2 bàn thắng, nhưng Quang Hải ở ASIAD này rõ ràng đã không có được phong độ tốt nhất. Ở trận đấu với U23 UAE vừa rồi, Quang Hải không chỉ đá hỏng luân lưu, mà cũng không có tác động gì đặc biệt trong việc tổ chức lối chơi.
Đá luân lưu là một cuộc chơi may rủi, nhưng có phải ngẫu nhiên, mà những cầu thủ được đánh giá tài hoa nhất của U23 Việt Nam là Công Phượng và Quang Hải đều đã hơn một lần thất bại trên chấm 11m? Công Phượng thậm chí còn đá hỏng 2 quả phạt đền liên tiếp ở trận đấu với U23 Pakistan. Có những “vết hằn tâm lý” đã in khá sâu vào não của Quang Hải, mà nếu bản thân anh không tự vượt qua chướng ngại vật vô hình ấy thì khả năng trở thành một Công Phượng thứ hai (khi đá 11m), là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trong bài phân tích về lý do Công Phượng đá hỏng 2 quả phạt đền liên tiếp trước U23 Pakistan, người viết từng đề cập đến “lỗi mỉa mai” (ironic error) của các ngôi sao bóng đá, chứ không chỉ riêng Công Phượng, hay Quang Hải. Thật đáng tiếc, việc kiểm soát sự lo lắng bằng các liệu pháp thư giãn nghe có vẻ dễ thực hiện, nhưng thật ra, lại không hề đơn giản, dẫn đến những khoảnh khắc “trên bảo, dưới không nghe”.
Thật tiếc cho Quang Hải, nhưng dù sao anh vẫn còn rất trẻ. Điều quan trọng nhất để một cầu thủ trưởng thành không phải cách họ chiến thắng, mà là cách để vượt qua nỗi ám ảnh thất bại.
- Chờ Quang Hải về lại sở trường và bùng nổ
- Quang Hải: 'Mọi chuyện sẽ không dừng lại ở bán kết'
- U23 Việt Nam: Lại chờ chiếc chân trái kỳ diệu của Quang Hải
Tuấn Cương
Tags