Vào thập niên 1920, sau khi được hỏi rằng vì sao lại muốn chinh phục đỉnh Everest, huyền thoại leo núi George Mallory chỉ nhếch mép cười: “Vì nó nằm lù lù ở đấy mà”.
1. Câu nói chơi chơi ở trên ẩn chứa một thái độ coi thường cái chết đến lạnh gáy: Leo Everest không phải chuyện đùa. Mãi đến năm 1953, Edmund Hillary và Tenzing Norgay mới trở thành những người đầu tiên chinh phục thành công. Ngày nay, dù được công nghệ và sự trợ giúp tích cực của các hoa tiêu, đây vẫn là một môn đau đớn và nguy hiểm bậc nhất con người từng biết.
Chỉ trong năm 2015, 22 người đã bỏ mạng trên núi, và phải lùi đến năm 1977, ta mới tìm thấy một năm mà không có ai tử vong. Vào tháng 4/2017, Ueli Steck, một trong những vận động viên leo núi vĩ đại nhất mọi thời, đã tử nạn khi chinh phục Nuptse, một ngọn núi thuộc dãy Everest, sau khi ngã xuống từ độ cao 1.000 mét.
Trong nhiều năm, những nỗ lực của các nhà leo núi mạo hiểm kiểu thế vẫn là một bí ẩn: Họ cứ không ngừng cố gắng leo lên đỉnh Everest, và nếu có lần một thì sẽ lại có lần hai, như một chứng nghiện chinh phục. Và có sự phân hóa rõ rệt trong giới leo núi tùy theo độ mạo hiểm: Ví dụ như leo lên Kilimanjaro không được xem như “chinh phục”, vì địa hình thoải khiến hành trình gần giống như một chuyến đi bộ đường dài.
Tương tự, những người trả hàng chục ngàn USD để leo lên Everest theo những sợi dây căng trên đường cũng không được công nhận như một chiến tích đáng kể. Và độ khó của việc leo Everest có thể lên đến mức điên rồ: Có một quy tắc bất thành văn có tên “không oxy”, theo đó những người leo lên độ cao 8 ngàn mét trở lên không cần bổ sung oxy. Sau khi VĐV leo núi Peter Habeler leo lên ngọn Hidden Peak cao hơn 8 ngàn mét mà không cần oxy hỗ trợ, từ đó mọi cố gắng làm cho cuộc leo núi trở nên an toàn hơn đã trở nên rất gần với… gian lận.
Câu hỏi là tại sao những con người đang yên đang lành, khỏe mạnh và không có vấn đề gì về thần kinh, lại cứ luôn cố gắng đâm đầu vào chỗ-chết-nhiều-hơn-sống như thế? Họ thậm chí còn tự hào khi gỡ bỏ đi những hàng rào bảo vệ tính mạng mình. Đấy là môn thể thao có thể đem lại chút danh tiếng, nhưng chẳng là gì so với sự nguy hiểm của nó.
2. Quang Hải đang leo những sườn dốc đầu tiên trong hành trình khẳng định sự nghiệp ở châu Âu, và độ khó của nó là điều đã được lường trước. Chúng ta phải thừa nhận công bằng rằng, trong lần đầu đá chính, anh đã không thể hiện được nhiều.
Những lo ngại lớn đang chờ đợi tiền vệ đội tuyển Việt Nam: Công chúng có thể lại thờ ơ chỉ sau thêm 1-2 trận Hải mờ nhạt nữa, và tệ hơn, giấc mơ châu Âu có thể vụt tắt. Hải có thể phải làm lại tất cả, với xuất phát điểm thậm chí thấp hơn vị thế trước khi lên đường. Tôi nghĩ, sẽ có những người yêu mến Hải bắt đầu chùn bước. Đơn giản bởi hành trình này quá nhiều rủi ro.
Nhưng một pha bóng trong trận đấu vừa rồi cho thấy rằng Hải vẫn cố gắng giữ lấy chất chơi bóng của mình: Ở một tư thế và vị trí khó, anh tung mình móc bóng, cách xử lý anh vẫn thường làm trong màu áo CLB Hà Nội và đội tuyển Việt Nam. Pha xử lý mạo hiểm này, một tình huống đậm chất Quang Hải, trong bối cảnh anh phải chịu nhiều áp lực, là một điểm sáng: Những rủi ro này không làm Hải do dự khi cố thực hiện một tình huống khó và nhiều khả năng thành trò cười hơn là siêu phẩm.
Tất nhiên, vì thất bại trong tình huống đó và chơi không ấn tượng ở trận vừa qua, Hải sẽ gánh thêm một tầng áp lực nữa, như là một phần những rủi ro sẽ đến trong chặng đường của anh. Nhưng tình huống cố “chơi” bóng ấy cũng có ý nghĩa riêng của nó: Những rủi ro và nguy hiểm không thể ngăn cản được những người cố chinh phục đỉnh núi, vì rốt cục thì cuối cùng, điều họ cảm nhận duy nhất là đắm chìm vào một cuộc CHƠI. Khi được chơi, họ bất chấp tất cả.
Hãy quay lại với câu chuyện đầu bài viết này. Nó kết thúc không có hậu, thậm chí là bi thảm. Mallory không bao giờ vượt qua được Everest, và đã chết trong nỗ lực leo nó vào năm 1924. Như bao nhiêu người trước, và sau ông.
Nhưng câu nói kiểu chết cũng nhẹ như lông hồng ý mà của ông khẳng định lại tầm vóc của những nhà leo núi kiểu này, những người mà nhân loại sẽ chia làm hai phe khi nói về họ. Một chê cười cái chết và cho rằng họ bị điên. Một sẽ được thôi thúc hơn, và coi đó như nguồn cảm hứng.
Nhưng những ngọn núi vẫn sẽ là mục tiêu để chinh phục, chỉ vì “nó lù lù ở đó mà”. Những người muốn leo núi sẽ không bao giờ dừng lại, dù cho họ có thể không bao giờ lên đến đỉnh.
Quang Hải có thể thất bại, nhưng chắc chắn, anh không thể hối hận, vì đã bắt đầu hành trình này. Châu Âu cũng “lù lù ở đó” thôi mà.
Phạm An
Tags