Bắt đầu hành trình ở châu Âu với một trận thua tan nát không phải là khởi đầu trong mơ, nhưng không phải là kết thúc với Quang Hải. Ngược lại là đằng khác.
Vậy, với các siêu nhân, họ đã từng có những lúc chìm trong những trận thua tan nát thế nào?
Khi những siêu nhân cũng có lúc tầm thường
Trận thứ nhất. Anh chơi một trận vật vờ, chỉ sút trúng đích đúng một lần trong suốt 90 phút và đội nhà thua đến 2-8. Trận thua đó đã khiến đội bóng của Anh trắng tay trên rất cả mọi đấu trường màu ấy, và phải sau 74 năm, CLB lừng lẫy anh khoác áo mới phải nhận đến tám bàn thua một trận.
Trận thứ hai. Phút 51, khi đội bóng của anh đã thua đến 5 bàn trắng, anh làm lưới đối thủ rung lên, nhưng bị VAR từ chối. Đấy là một thảm bại sân nhà, khiến đội bóng của anh tụt xuống thứ 7 trên bảng xếp hạng, và gần như hết cơ hội cạnh tranh chức vô địch. Cuối mùa, anh đứng ba trong danh sách vua phá lưới với 18 bàn sau 30 trận, nhưng chẳng để làm gì cả.
Nhân vật chính của trận thứ nhất là Lionel Messi, trong trận thua Bayern tại Champions League 2020 và nhân vật thứ hai là Cristiano Ronaldo, trong trận thua Liverpool 0-5 ở Premier League. Trang chuyên thống kê transfermarket.de có một mục rất hay: thống kê những thất bại nặng nề nhất của bất kỳ cầu thủ nào. Và chúng không phải chuyện hiếm hoi, ngay cả khi bạn nhấp chuột vào hai cầu thủ vĩ đại nhất thời chúng ta đang sống.
Ngoài thất bại trước Liverpool kể trên, Ronaldo trong hàng ngũ Real Madrid từng thua Barca 0-5 và cùng Bồ Đào Nga thua thảm Đức 0-4 tại World Cup 2014. Với Messi, ngoài thất bại 2-8 trước Bayern, chắc chắn tiền đạo người Argentina không muốn ai nhớ lại thảm bại 1-6 trước Bolivia ở vòng loại World Cup 2010, hay trận thua PSG 0-4 ở Champions League 2017.
Bạn cũng có thể tìm thấy những thất bại ê chề khác, như khi Diego Maradona của Napoli hùng mạnh năm 1991 thua ê chề 1-4 trước Sampdoria, hay huyền thoại Gerd Mueller đã từng thua đến 7 trận mà đội bóng của ông bị đối phương chọc thủng lưới 6-7 bàn. Tài năng của họ không phải bàn cãi nữa, nhưng không ai tránh khỏi những khoảnh khắc tầm thường. Họ giỏi hơn 99% số cầu thủ cùng thời, nhưng ai cũng đều đã phải ôm mặt tủi hổ.
Sự tầm thường này là bình đẳng, và khác biệt của các ngôi sao là họ đã chiến đấu và chiến thắng bền bỉ hơn ai hết. Hãy nhớ rằng trong khi thời gian ở trên đỉnh cao của một ngôi sao bóng đá thường chỉ đạt 3-5 năm, thì Ronaldo và Messi đã cùng nhau thống trị các danh hiệu cấp cá nhân lẫn tập thể trong hơn một thập kỷ ròng rã.
Những thất bại chìm dần trên hành trình tự tiến bộ của họ: gần hai năm sau trận thua đậm Barca, Ronaldo cùng Real Madrid vô địch Liga, trong một mùa giải mà họ đã đánh bại đại kình địch ngay tại Camp Nou, và Ronaldo là tác giả bàn thắng quyết định. Lionel Messi thì gần như áp đảo trong các cuộc đua Quả bóng Vàng, đã 7 lần giành danh hiệu cao quý này trong 13 năm qua.
Con đường của Quang Hải
Tất nhiên là bất kỳ ai cũng có thể nghĩ về trận đấu đầu tiên của Quang Hải với góc nhìn tiêu cực, hoặc là giả vờ tích cực kiểu “dù sao thì Hải vẫn được chấm điểm hay nhất trận”. Nhưng cả hai thái độ này chỉ nói lên một điều: họ không thể chấp nhận nổi thất bại này. Một sự tầm thường khó nuốt trôi.
Nhưng đấy chỉ là một ảo giác. Với mỗi cá nhân nói chung và các cầu thủ nói riêng, hầu hết các khoảnh khắc của họ phải là sự tầm thường: một ngày chơi dưới phong độ, những phút mờ nhạt trên sân, hoặc nỗi buồn bại trận. Những điều này xảy ra với cả những người giỏi nhất, không loại trừ một ai. Quang Hải tất nhiên chưa phải là một ngôi sao ở châu Âu, và so sánh này có thể khập khiễng, nhưng tất nhiên, anh không phải là ngoại lệ.
Những gì truyền thông ưu tiên và dư luận o bế thì ngược lại. Họ làm chúng ta tin rằng hầu hết các khoảnh khắc trong cuộc sống là phi thường, mỗi cá nhân đều có thể là ngoại lệ, và những gì không kiệt xuất đều chỉ đáng vứt vào sọt rác. Nhưng tin vào điều này là một điều nguy hiểm: rất nhiều người sợ hãi việc chấp nhận sự tầm thường bởi vì không thật sự tự tin. Họ sợ việc phải tin vào những điều tầm thường, bởi họ tin rằng điều này sẽ làm họ không đạt được bất kỳ điều gì.
Nhưng một câu của Ronaldo khi giành Quả bóng Vàng vào năm 2014 có thể giúp bạn hiểu thêm tư duy của những người đứng trên đỉnh danh vọng: “Tôi chắc chắn rằng sự cạnh tranh giữa hai người chúng tôi là động lực phấn đấu cho cả tôi và Messi. Điều này tốt cho tôi lẫn cậu ấy và cho tất cả những cầu thủ muốn tiến bộ”.
Từ khóa ở đây không phải là đặc biệt: Ronaldo, một chàng trai xuất thân nghèo nàn và từng chỉ mơ trở thành ngư dân, không phải mẫu người nghĩ rằng mình là một người đặc biệt. Anh chỉ bị ám ảnh bởi sự cạnh tranh, và tiến bộ. Và nỗi ám ảnh này bắt nguồn từ một thực tế rằng anh cảm thấy mình chưa thật sự giỏi.
Đêm thứ Bảy, Quang Hải không cần một ai phải buồn cho thất bại của anh lẫn đội bóng anh khoác áo. Chấp nhận những khoảnh khắc tầm thường này, thậm chí chấp nhận sự tầm thường của bản thân, là một lối tư duy của những người muốn tiến bộ. Bởi chỉ khi anh tin rằng mình còn chưa đủ giỏi, thì tức là anh vẫn còn tin rằng: mình còn có thể tốt hơn thế này. Rất. Rất nhiều.
Phạm An
Tags