(Thethaovanhoa.vn) - Đó là câu hỏi được nhiều người quan tâm đối với tân Quả bóng Vàng Việt Nam Nguyễn Hoàng Đức. Và chàng trai sinh năm 1998 đã giải đáp những thắc mắc bằng câu trả lời: Có! Tuy nhiên, chỉ thời gian mới trả lời xác đáng nguyện vọng của Hoàng Đức.
1. Tiền vệ 24 tuổi đang trải qua những tháng ngày lâng lâng nhất sự nghiệp khi chinh phục Quả bóng Vàng Việt Nam 2021. Một sự tưởng thưởng lớn lao cho Hoàng Đức và cầu thủ trẻ tuổi thứ 6 trong lịch sử giải này cũng chứng tỏ rất nhiều điều cho các đồng nghiệp cũng như thế hệ đàn em thấy rằng, tài năng đi kèm với sự nỗ lực là con đường nhanh nhất để hái quả ngọt.
Thống kê cho thấy cầu thủ trẻ Viettel chỉ mất 5 năm để “bước ra ánh sáng”. Cách đây 10 năm, cậu bé 14 tuổi quê Hải Dương chính thức dấn thân vì đam mê quả bóng tròn và tài năng phát tiết trong 5 năm gần nhất đã giúp chàng trai chơi bóng ở giải hạng Nhất quốc gia rồi trở thành một phần lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Để chinh phục giới chuyên môn trao phần thưởng cho mình trong năm qua, Hoàng Đức cần 33 trận, 2.674 phút thi đấu, góp 3 bàn thắng và 6 đường chuyền thành bàn cho Viettel lẫn đội tuyển Việt Nam. Con số này nói lên tầm quan trọng của tiền vệ sinh năm 1998 trong một năm bóng đá nước nhà có nhiều biến động.
Điều đặc biệt với Hoàng Đức như đã đề cập là khả năng chớp thời cơ để vụt sáng. Bởi nếu không có chấn thương nặng của Hùng Dũng, rất khó để Hoàng Đức có cơ hội chính thức tại đội tuyển Việt Nam, đấu trường Hoàng Đức ghi dấu ấn đáng kể và quyết định danh hiệu vừa nhận được tại TP.HCM tối 16/2.
Mỗi bước chân trên sân cỏ của Hoàng Đức trong năm 2021 ấn tượng hơn bởi những người làm chuyên môn ở các CLB châu Á. Hoàng Đức đến Thái Lan hay Tây Á chơi bóng đều khiến nhiều người bất ngờ bởi cái chân trái dị biệt, tư duy sáng tạo đột phá.
Có lẽ ngoài Hùng Dũng, không nhiều cầu thủ Việt Nam có tố chất “ông chủ” khu trung tuyến như Hoàng Đức. Tiền vệ 24 tuổi trẻ người, nhưng thừa sự già dặn khi nhập trận và còn có thể phát tiết tài năng ở môi trường đẳng cấp hơn. Đó chính là lý do nhà vô địch Thai League 1 BG Pathum United “kết” Hoàng Đức và sẵn sàng đổi cả trụ cột tuyển Thái Lan Sarach Yooyen cộng thêm tiền chuyển nhượng để có sự phục vụ của chàng trai sinh năm 1998.
Và không chỉ có BG Pathum United, nếu cởi mở thực sự trong việc cho Hoàng Đức xuất ngoại, Viettel có thể sẽ nhận được hàng loạt lời mời chào của các đại diện Tây Á, Hàn Quốc cũng như Nhật Bản. Những quốc gia Đông Á có môi trường bóng đá phát triển hơn hẳn V-League và ngoài chuyên môn Hoàng Đức có thể đáp ứng, họ muốn quảng bá thương hiệu quốc gia đến cả CĐV Việt Nam.
Người yêu bóng đá nước nhà cũng trông chờ một thần tượng của họ có thể chơi bóng ở môi trường đỉnh cao châu lục, tương tự cách Chanathip Songkrasin đã khiến cả Đông Nam Á phải ngước nhìn. Cách “Messi Thái” trình diễn bóng đá ở Nhật Bản qua các thương vụ chuyển nhượng đình đám lên đến cả trăm tỷ đồng, cũng như mối quan hệ qua lại tốt đẹp của các thương hiệu, người dân Thái Lan - Nhật Bản cho thấy thành công từ cái tên của cầu thủ chỉ cao 1m58 này.
Chanathip là hình tượng lý tưởng cho các đồng nghiệp ASEAN học hỏi. Và vượt qua những lăn tăn thường ngày như thu nhập, tương lai bấp bênh khi xuất ngoại, “Messi Thái” chứng tỏ mình đứng vững bằng chuyên môn và sống dư dả tại Nhật Bản. Với tổng giá trị chuyển nhượng vượt mốc 100 tỷ đồng, mức lương ở Kawasaki Frontale trả cho cầu thủ này vào khoảng 1 tỷ đồng/tháng, chưa kể sự ảnh hưởng với các thương hiệu và còn kéo CĐV 2 nước xích lại gần nhau qua du lịch, tầm cỡ ngôi sao của Chanathip đã vượt quá khuôn khổ bóng đá. 4 mùa khoác áo Consadole Sapporo, Chanathip đã kéo hàng triệu người đồng hương đến Hokkaido để thăm thú Nhật Bản, kết hợp xem mình thi đấu.
Dông dài về Chanathip để cổ vũ tinh thần cho Hoàng Đức, người đã tuyên bố quyết tâm xuất ngoại trong thời gian tới nếu nhận được đề nghị thích hợp. Chỉ chi tiết này cũng cho thấy sự dũng cảm của tiền vệ 24 tuổi, người có thể đã ít nhiều chịu ảnh hưởng từ lời khuyên của HLV Park Hang Seo về việc ra nước ngoài chơi bóng.
Trước đó, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu vòng loại World Cup 2022, đã không dưới 2 lần HLV Park Hang Seo đặt vấn đề về tương lai của Quang Hải và Hoàng Đức.
Ông Park đánh giá cầu thủ Việt đã bắt đầu đuổi kịp được trình độ bóng đá châu Á thì những CLB trong nước nên sẵn sàng tạo cơ hội tối đa cho Quang Hải, Hoàng Đức xuất ngoại. Bởi đó là môi trường lý tưởng để các cầu thủ phát huy tối đa khả năng cũng như làm động lực cho đồng nghiệp trong nước. Các quốc gia châu Á đã nhìn thấy tiềm năng của các cầu thủ ASEAN khi cho phép CLB tính suất ngoại binh Đông Nam Á chỉ như nội binh. Australia là ví dụ điển hình gần nhất, bên cạnh Thái Lan, Nhật Bản… đã làm.
2. Vấn đề cuối cùng và mang tính quyết định với Hoàng Đức mà rất nhiều người từng chứng kiến sau trường hợp của Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường chính là năng lực chinh phục. Điểm chung của các tài năng này đều là thừa khát khao, nhưng nhóm cầu thủ HAGL đều trở về trong thất bại.
Bầu Đức đã hoạch định tương lai rất rõ ràng cho các cầu thủ con cưng của mình và ông mong muốn họ sẽ mở lối tiên phong để giúp bóng đá Việt Nam tiến xa. Tuy nhiên, giữa mơ ước và thực tế không có điểm giao thoa.
Trước Hoàng Đức, Quang Hải cũng băn khoăn trong đón nhận cơ hội. Và rồi, tiền vệ Hà Nội FC đã lựa chọn an toàn và ổn định. Môi trường bóng đá Việt Nam hiện tại thực sự có thừa màu mỡ để những ngôi sao hạng A của nền bóng đá như Quang Hải, Hoàng Đức khai phá.
Ngoài mức lương cao so với mặt bằng xã hội, số tiền thưởng, lót tay và đặc biệt là các bản hợp đồng béo bở hàng chục tỷ đồng ở nhiều thương hiệu lớn tìm đến với họ mỗi năm là điều rất bình thường. Cám dỗ này đủ để họ chọn sự an toàn trong nước thay vì vất vả bắt đầu lại ở ngoại quốc, trong điều kiện cơ hội thi đấu bấp bênh, cạnh tranh khốc liệt và đối diện với khủng hoảng truyền thông nếu miệt mài đánh bóng băng ghế dự bị.
Lịch sử nền bóng đá và giải thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam cũng từng ghi nhận chỉ 2 Quả bóng àng họ Lê là Huỳnh Đức và Công Vinh mạnh dạn xuất ngoại. Nhưng lần lượt ở Trung Quốc và Nhật Bản, cả 2 cũng không đặt được nhiều dấn ấn. Hay gần nhất là các đồng đội của Hoàng Đức tại đội tuyển Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Hậu, tất cả đều ra nước ngoài để dự bị trước khi trở về và cũng chưa cầu thủ nào có niềm vui nhận thưởng Quả bóng Vàng Việt Nam.
“Đây mới chỉ là khởi đầu với tôi. Nó là động lực để thi đấu, cống hiến nhiều hơn cho CLB Viettel và đội tuyển Việt Nam. Trong tương lai gần, tôi hy vọng sẽ sớm có cơ hội ra nước ngoài chơi bóng để thể hiện khả năng của cầu thủ, con người Việt Nam. Xin cảm ơn vì tất cả”, Nguyễn Hoàng Đức chia sẻ sau buổi Gala Quả bóng Vàng Việt Nam 2021. Hoàng Đức là cái tên thứ 18 nhận Quả bóng Vàng Việt Nam sau 27 lần giải thưởng này tổ chức kể từ năm 1995. Với chiều cao 1m84, đây cũng là cầu thủ có chiều cao tốt nhất so với các đàn anh, đàn chú đã nhận giải thưởng. Từ năm 2000 khi Hồng Sơn khoác áo Thể Công (tiền thân của Viettel hiện tại) lần thứ 2 nhận Quả bóng Vàng Việt Nam, đã 18 năm đội bóng áo lính mới chứng kiến “gà nhà” được tôn vinh ở giải thưởng này. Điều đáng nói với Hoàng Đức là cầu thủ 24 tuổi chỉ vừa cống hiến cho Viettel từ năm 2017 ở giải hạng Nhất quốc gia và trải qua 3 mùa V-League (kể từ năm 2019). Năm 14 tuổi, 10 năm sau khi theo đuổi đam mê, Hoàng Đức có thể cũng không hề tưởng tượng đêm 16/2/2022 sẽ là thời khắc tôn vinh mình. |
Việt Hà
Tags