Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế: 'Cần cuộc cách mạng cho nền bóng đá'

Thứ Tư, 28/10/2015 10:43 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi cho rằng, bản thân VFF cũng phải thay đổi, từ con người đến tư duy làm bóng đá, chứ không chỉ riêng VPF. Không thay đổi sao làm được bóng đá một cách tử tế? Nếu chúng ta cứ kéo dài tình trạng này thì có thành lập 10 Cty như VPF, cũng không giải quyết được vấn đề gì”, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF, nhà báo Nguyễn Công Khế, mở lời trong cuộc phỏng vấn của Thể thao & Văn hoá.

Cũng theo ông Khế, ngay cả khi “Hội nghị Diên Hồng bóng đá Việt Nam” được tổ chức (Tổng cục TDTT chủ trì), nhưng nếu không chủ đích lắng nghe và chọn ra minh chủ có tâm, có tầm, thì cũng chẳng để làm gì.

* Theo cái nhìn của ông, một người trong cuộc, VPF đã đủ minh bạch chưa? Ngày đầu khi bước vào VPF, ông đã thành lập Ban Đạo đức, nhưng đã phải giải thể sau đó. Vì sao thế?

- Ban Đạo đức là rất cần thiết, FIFA họ cũng làm. Đây là bộ phận giám sát, phát hiện ra những kẽ hở của tổ chức bóng đá, của Liên đoàn, của trọng tài, của nhiều thứ... Nhưng, tôi rất buồn, khi một vài người trong đó không hiểu vì lý do gì lại không muốn ban này tồn tại. Mà không muốn nó tồn tại, thì tôi bỏ thôi. Chúng tôi ở đây để làm việc, chứ không phải kiếm thêm, hưởng bổng lộc. Tôi giải tán Ban Đạo đức khi tổ chức điều hành không muốn sự tồn tại ấy. Nói thế không phải tôi tiêu cực, mà là phản ứng của cá nhân tôi.

* Tức là họ, VPF và cao hơn là VFF, hoàn toàn không muốn hướng tới sự minh bạch, hòng giúp các giải đấu tốt lên, nền bóng đá tốt lên, thưa ông?

- Làm bóng đá tốt lên không khó. Vấn đề là anh phải chọn được đúng con người. Như tôi nói, bóng đá ngoài danh tiếng, còn đi kèm tiền bạc, trong đó có bổng lộc. Bản thân bóng đá tiêu tốn tiền, nhưng người làm bóng đá không được phép nghĩ đến tiền cho mình, mà phải cho bóng đá, cho đào tạo và cho nhiều thứ thuộc về bóng đá.

Lâu nay, chúng ta không làm được là bởi anh em làm bóng đá nhưng lại nghĩ về tiền bạc và danh vọng cho mình quá. Từ ông Chủ tịch hay PCT VFF cũng phải nghĩ, phải quan tâm đến cầu thủ. Tại sao tại các giải đấu trẻ, các cầu thủ chơi máu lửa, nhưng khi có giá trị chuyển nhượng, họ lại giữ chân, thi đấu không hết mình, không vì màu cờ sắc áo? Anh lãnh đạo không làm gương, thì đừng mong phía dưới họ tôn trọng.

* Như ông nói thì có nghĩa rằng, bóng đá Việt Nam nói chung và VPF nói riêng, hiện có quá nhiều người vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thay vì tìm cái lợi cho bóng đá? Và như thế…

- Những người ấy không bao giờ làm được bóng đá, vĩnh viễn không thể. Anh muốn làm được bóng đá, anh phải trong sáng. Có thể Chủ tịch không biết trái banh mấy múi, nhưng phải có cái tâm, có tình yêu bóng đá, phải hết lòng vì bóng đá. Và chúng ta phải thay đổi, bắt đầu từ chủ thể, tức con người làm bóng đá.

* Trong vai trò một lãnh đạo VPF, ông có kỳ vọng gì vào chặng đường sắp tới so với 4 năm qua, ví như kỳ vọng vào những nhân tố mới, đường hướng mới chẳng hạn?

- Phải giao cho VPF cái quyền của nhà tổ chức các giải đấu thực sự. VFF không nên can thiệp quá sâu vào tổ chức, cũng như cái quyền ấy. Họ phải tạo điều kiện tốt nhất cho VPF, ví như các phòng ban chuyên môn phải hỗ trợ tối đa, tạo điều kiện tối đa. Nhưng bản thân VPF cũng phải nỗ lực và bản thân tôi cũng vậy, phải nỗ lực. Chúng tôi thực sự chưa nỗ lực tối đa. Anh Thắng, anh Đức cũng là những người yêu bóng đá lắm chứ, nhưng chúng ta phải đặt câu hỏi, rằng tại sao đã có thời điểm họ ngãng ra. Một mình VPF khó thể làm bóng đá tốt lên được, mà cần sự đồng bộ.

* Tổng cục TDTT sắp đứng ra chủ trì Hội nghị Diên Hồng về bóng đá, ông có kỳ vọng vào một cuộc cách mạng không?

- Bây giờ anh tổ chức một cái Hội nghị Diên Hồng về bóng đá, Diên Hồng thật đi, nhưng phải mời được những người tâm huyết đến dự. Tổng cục chỉ đứng ra, phải mời được nhiều nhân vật, những người lưu tâm bóng đá, sống chết với bóng đá, từ các vị lãnh đạo chính trị, đến giới truyền thông, người hâm mộ, quần chúng và các CLB. Có khoảng 10 triệu người Việt Nam yêu bóng đá, trong chục triệu người ấy, không lẽ không chọn ra được anh Chủ tịch VFF hay PCT VFF? Nhưng, cách chọn lựa của mình không hẳn là cách tuyển chọn để tìm những người thực sự tâm huyết, thực sự có cái tâm sáng.

Bóng đá cần một cuộc cách mạng. Chứ cứ ỡm ờ, không lùi không tới, thì không đi đến đâu cả. Cuộc cách mạng phải thay đổi toàn diện, bắt đầu từ các tổ chức như VFF và VPF.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi rất thú vị!

4 Tính từ được thành lập vào cuối năm 2011, VPF đã có 4 năm liên tục tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

10 Ngoài 7 thành viên HĐQT VPF, gồm các ông bà Võ Quốc Thắng, Nguyễn Công Khế, Phạm Ngọc Viễn, Trần Quốc Tuấn, Bùi Xuân Hòa, Nguyễn Hồng Thanh, Đinh Thị Thu Trang, thì cuộc họp thường niên của HĐQT chiều nay sẽ mời thêm các ông Trần Mạnh Hùng, Phạm Phú Hoà và Cao Văn Chóng.

80 Mục tiêu của HĐQT VPF ở mùa bóng 2015 là phấn đấu đạt doanh số 80 tỷ đồng.


Nguyệt Bàn (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›