Pháo sáng, 'đặc sản' hay nỗi ám ảnh tại V-League

Thứ Ba, 23/04/2019 12:48 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sân vận động quốc gia Mỹ Đình ở AFF Suzuki Cup 2018 dù được kiểm tra gắt gao nhưng pháo sáng vẫn lóe lên vài quả, khi đội tuyển Việt Nam thi đấu. Sân cỏ V-League dĩ nhiên không có những hàng rào an ninh kín kẽ như thế, nên pháo vẫn sáng trên các khán đài như điều hiển nhiên. Sân Hàng Đẫy, trong trận Hà Nội đón Hải Phòng tối ngày 21/4/2019, đã đỏ lửa và mù mịt khói. Đó là điều tất-lẽ-dĩ-ngẫu, khi khán giả đất Cảng vào sân nườm nượp.

Pháo sáng và ứng xử với pháo sáng

Pháo sáng và ứng xử với pháo sáng

Pháo bị cấm đốt ở Việt Nam từ bao năm qua và trong khuôn khổ hệ thống các giải đấu quốc gia, cũng như AFC, việc sử dụng pháo sáng cũng không được cho phép. Nhưng tại sao và như thế nào, từ bao năm qua, BTC các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (từ VFF đến VPF) vẫn phải "sống chung với lũ", đặc biệt là các trận đấu có sự tham gia của CLB Hải Phòng?

Dù không phải là một câu chuyện quá mới nhưng pháo sáng vẫn luôn vấn đề đau đầu của bóng đá nước nhà. Câu hỏi vì sao và như thế nào cũng như căn nguyên của vấn đề pháo sáng, đã được trao đổi và nhận những phản hồi từ nhiều phía. Để chúng ta có thể có cái nhìn đa chiều rằng “đặc sản” pháo sáng là thứ gia vị hay nỗi ám ảnh thường nhật trên sân cỏ Việt.

Chia sẻ về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng khẳng định, đây là một hành vi phản cảm, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn cho trận đấu, ảnh hưởng đến hình ảnh thể thao Việt Nam và nhiều lần VFF đã bị AFC xử phạt vì một số CĐV đốt pháo sáng ở các trận đấu quốc tế có đội tuyển Việt Nam tham gia.

VIDEO: Hà Nội FC 3-1 Hải Phòng - CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng tại sân Hàng Đẫy

“Chúng ta đã phải nhận những án phạt về vấn đề pháo sáng. Thậm chí có những cảnh báo của Liên đoàn bóng đá quốc tế, châu lục rằng sẽ cấm tổ chức cũng như tổ chức trên sân không có khán giả hoặc sân trung lập nếu hành vi này vẫn tiếp tục.

Quan điểm của Tổng cục là xử lý thật nghiêm nhưng trước hết phải làm công tác tuyên truyền, tăng cường công tác an ninh trật tự làm sao rà soát, nghiêm cấm không cho CĐV mang được pháo sáng vào trong sân.

Bên cạnh đó, đối với những người có hành vi đốt pháo hoặc cố tình mang pháo vào trong sân thì phải xử lý thật nghiêm. Đề nghị với BTC địa phương phối hợp với ngành công an, đồng thời là VFF xử lý thật nghiêm những hành vi này”.

Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Trần Anh Tú nhấn mạnh rằng án phạt là đương nhiên, nhưng việc kêu gọi ý thức CĐV giữ gìn sân chơi lành mạnh đúng nghĩa cho bóng đá Việt Nam cũng là biện pháp: “Khi mà hình ảnh và chất lượng chuyên môn của giải đấu ngày càng đi lên, các CĐV đến sân cần nâng cao ý thức rằng đây là cuộc chơi để phục vụ nhu cầu thưởng thức của chính các bạn. Đừng phá hỏng và đừng để ai khác phá hỏng cuộc chơi này và làm ảnh hưởng đến đến chính mình”.

Người đứng đầu VPF mong mỏi: “Với riêng khán giả Hải Phòng, chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ, chia sẻ và hợp tác của những CĐV chân chính tại Hải Phòng cũng như trên toàn quốc. Đã đến lúc chúng ta cần phải thể hiện tình yêu, sự quan tâm và trách nhiệm của mình bằng những việc làm thiết thực mà trước tiên là đấu tranh lại những hành vi quá khích từ khán đài”.

“VFF cần cương quyết xử lý hoặc phạt tiền kịch khung hơn nữa thì mới có thể khiến CĐV chùn tay. Bóng đá phải là những trận đấu có chất lượng chuyên môn cao và khán đài văn minh, chứ không phải như tối 21/4 sân Hàng Đẫy phải tạm dừng một vài lần.

Chúng ta phải làm thế nào để triệt tiêu đi ý nghĩ mang pháo sáng vào sân của khán giả. Có thời điểm, trên thế giới đã từng phải ra lệnh cấm với CĐV của một số nước (đơn cử như nước Anh) đến xem bóng đá bởi nạn hooligan. Việt Nam rồi cũng có thể sẽ có hooligan vì CĐV mang tính chất là xem bóng đá nhưng coi thường cuộc chơi có kỷ cương”, chuyên gia Nguyễn Thành Vinh chia sẻ đầy quyết liệt như thế.

Theo quan điểm của mình, ông Nguyễn Thành Vinh cho rằng không chỉ Tổng cục TDTT, VFF hay VPF mà cần có sự phối hợp với ngành công an để đưa ra những biện pháp kiên quyết, chế tài cứng rắn.

“Các CĐV có những hành vi thái quá hoàn toàn có thể sử dụng biện pháp cấm theo dõi các trận đấu của đội nhà ở sân khách. Có thể tôi nói thì sẽ đụng chạm đến CĐV Hải Phòng nhưng tôi nói vì bóng đá Việt Nam không thể để một vấn nạn thế này làm ảnh hưởng.

SLNA trước đây cũng có biểu hiện như vậy, CĐV đã đánh nhau và có người đã bị xử lý về mặt hình sự. Chúng ta làm sao để sân cỏ và khán đài không phải là nơi tạo ra tiêu cực trong bóng đá”.

Bùi Tiến Dũng, Trần Đình Trọng hay Nguyễn Quang Hải là những người có mặt và “tận hưởng” không khí của pháo sáng trong trận đấu tối 21/4, và được hỏi về những gì họ chứng kiến tận mắt trên sân, thì tất cả đều tha thiết kêu gọi người hâm mộ đến sân hãy để lại những hình ảnh thật đẹp và đầy thân thiện.

Bóng đá rất cần khán giả, đương nhiên, nhưng đó phải là những khán đài cuồng nhiệt, đầy sắc màu và lan tỏa hiệu ứng tích cực, chứ không phải là nơi để cơn mưa vật thể lạ và mù mịt khói pháo sáng trùm lên. Sân bóng không thể là nơi trút giận, cũng không phải là chỗ để ai đó có thể coi cái tôi của mình lớn hơn tất cả.

7 Mùa giải 2018, có 7 trận đấu mà CLB Hải Phòng thi đấu (cả sân nhà lẫn sân khách) bị BTC ra án phạt liên quan đến pháo sáng.

70 Có đến 2 lần CLB Hải Phòng nhận mức phạt kịch khung là 70 triệu đồng do BTC đưa ra vì pháo sáng.

310 Chỉ tính riêng V-League 2018, CĐV đất Cảng đã khiến đội nhà phải nộp phạt tới 310 triệu đồng vì đốt pháo sáng.

Trần Tuấn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›