(Thethaovanhoa.vn) - Vấn đề không phải là kết quả, với tổng tỷ số sau 2 lượt trận đấu tập với JFL Selection là 0-5 cho U23 Việt Nam, mà là cái cách VFF và đơn vị khai thác thương quyền của các ĐTQG chọn đối thủ để cọ xát. Có lẽ không đâu như bóng đá vùng trũng, người ta vẫn gật đầu để ĐTQG đá giao hữu với CLB, chứ đừng nói một CLB hạng thấp.
- HLV JFL Selection khen U23 Việt Nam tiến bộ
- U23 Việt Nam 0-1 JFL Selection: Ổn hậu phương, lo tuyến đầu
- U23 Việt Nam và mục tiêu tại VCK U23 châu Á
1. Ngày 31/3/2015, ĐT U23 Việt Nam kết thúc vòng loại U23 châu Á bằng chiến thắng đậm 7-0 trước Macau (Trung Quốc). Trong 8-9 tháng qua, U23 Việt Nam chỉ được cọ xát với một vài đối thủ đẳng cấp thực sự như U23 Hàn Quốc (tháng 5/2015), và cuối cùng phải viện đến các “gói ODA bóng đá” từ Nhật Bản (luôn là Nhật), bao gồm các CLB Nhật và ĐT U23 Nhật (7/1/2016)!
“Chúng tôi, bao gồm cả lãnh đạo VFF đã cố gắng liên hệ với các ĐT U23 góp mặt tại VCK giải châu Á sắp tới, tất nhiên là ngoại trừ 3 đối thủ cùng bảng UAE, Australia và Jordan, để mời đá tập, nhưng họ đều đã kín lịch. May mắn là vào phút cuối, U23 Nhật Bản đã gật đầu. Trận đấu này sẽ diễn ra ở Qatar, một tuần trước trận ra quân gặp Jordan, trong khuôn khổ bảng D”, HLV Miura chia sẻ với báo chí.
Trước đây, trong cả các năm lẻ diễn ra SEA Games (dành cho U23 Việt Nam) hay năm chẵn, khi ĐT Việt Nam chuẩn bị AFF Cup, VFF đều nỗ lực tổ chức các giải tập huấn, thay vì các trận cầu đơn lẻ, trước thềm giải đấu chính thức. Các CLB cũng được mời dự giải, nhưng sự đa dạng về khách mời giúp chủ nhà có thêm nhiều trải nghiệm. Đây là một phần quan trọng trong các kế hoạch chuẩn bị.
Tuy nhiên, dưới thời HLV Toshiya Miura, thói quen này không được duy trì, khi hàng loạt các kế hoạch đấu tập bị phá sản bởi khâu chuẩn bị. Cần chắc rằng, ngoài Nhật Bản ra, rất hiếm một đối tác nước ngoài nào mời các ĐTQG Việt Nam đá tập (giao hữu). Đấy cũng là một vấn đề rất đáng lưu tâm về thương hiệu của bóng đá Việt Nam. Chúng ta còn thua xa Malaysia, Singapore và Thái Lan.
2. Từ vài năm qua, Công ty Dentsu (chuyên quảng cáo, tiếp thị…, có xuất xứ Nhật Bản) chính là đơn vị khai thác các giá trị về thương quyền của ĐTQG, với tỷ lệ ăn chia với VFF, cũng như các đối tác khác, được quy định rất rõ ràng trong hợp đồng. Như vậy, các kế hoạch chuẩn bị hay bất cứ một hợp đồng tài trợ nào của ĐTQG, đều phải thông qua họ, chứ một mình HLV Miura hay VFF không thể quyết.
Thế nhưng, hãy nhìn lại xem Dentsu đã mang lại những gì cho bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG?! Thương quyền của đội bóng bị giảm thiểu đáng kể, khi chúng ta gần như chỉ đá tập hoặc giải giao hữu với CLB, thậm chí là đội bóng ở giải hạng Tư Nhật Bản như JFL Selection. Trước thềm SEA Games 28, U23 Việt Nam gật đầu đá với U23 Myanmar cũng là phát sinh, khi ĐT Việt Nam đang chuẩn bị gặp Thái Lan.
Sự đòi hỏi cấp bách của thời đại là lý do cơ bản khiến VPF ra đời, nhận tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, để mỗi năm VFF nhận lại khoảng 10 tỷ đồng (có luỹ tiến) gọi là kinh phí hỗ trợ. Trong tương lai, VFF nên nghĩ đến chuyện cho ra đời một Công ty độc lập tương đổi (kiểu VPF) để khai thác các giá trị thương mại, thương quyền, phục vụ lợi ích cho các ĐTQG Việt Nam. Còn nếu vẫn tiếp tục phải lệ thuộc vào các đối tác trung gian nước ngoài thì bóng đá Việt Nam còn phải chịu cảnh bị động mỗi lần tìm kiếm “quân xanh”.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags