(Thethaovanhoa.vn) - Không như Thai-League hoãn tới tháng 9, V-League dự kiến sẽ trở lại vào trung tuần tháng 5 nếu tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt và có sự cho phép của Chính phủ. Nhưng quả thật sau hơn một tháng tạm nghỉ, nỗi nhớ bóng đá Việt đã trở nên cồn cào.
Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, V-League, giải đấu số 1 của bóng đá Việt Nam, đã tạm thời bị hoãn lại kể từ thời điểm 15/3. Và không chỉ riêng V-League, tất cả các giải đấu khác của bóng đá nước nhà cũng phải dừng lại, như thế giới, hoạt động của bóng đá nội đã bị “đóng băng”.
Các CLB ngừng tập luyện, cầu thủ trở về nhà nghỉ ngơi bên người thân của mình, đồng thời tránh dịch, trừ trường hợp của số ngoại binh. Hệ quả kéo theo từ việc giải đấu bị hoãn lại không đơn thuần chỉ là ngừng tập luyện, nghỉ thi đấu mà chuyện giảm lương là không tránh khỏi.
Giờ đây, chuyện giảm lương tại V-League, thậm chí cả giải hạng Nhất, đã trở thành phong trào mà không còn là câu chuyện của một vài CLB như TP.HCM, Thanh Hóa, Nam Định hay Hải Phòng, Sài Gòn FC…Ngay đến cả VFF cũng áp dụng kế hoạch giảm lương nhân viên từ tháng 4.
Thế nên, nỗi nhớ bóng đá, thèm cảm giác sân cỏ, muốn hòa mình vào guồng quay sôi động của các trận đấu giờ đang là cảm giác chung của rất nhiều người.
Nhưng may mắn là hiện nay Chính phủ cùng Bộ Y tế và các cơ quan chức năng đã và đang kiểm soát dịch bệnh Covid-19 khá tốt. Ở các địa phương trên cả nước cũng được chia thành nhóm nguy cơ cao, có nguy cơ và nguy cơ thấp.
Vì thế, nếu không có gì thay đổi, kế hoạch tái khởi động các giải bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam sẽ được triển khai từ ngày 15/5 với các trận đấu trong khuôn khổ Cúp quốc gia và đến ngày 20/5, đến lượt V-League thi đấu. Kế hoạch này sẽ được thông báo đến các CLB sau ngày 22/4, thời điểm lệnh giãn cách xã hội kết thúc.
Mặc dù mới chỉ là dự kiến và vẫn còn những ý kiến trái chiều từ phía các CLB chứ không phải tất cả đều đồng nhất nhưng chí ít, khi đã có thời điểm chắc chắn của việc trở lại của các giải bóng đá quốc nội thì nỗi nhớ bóng đá của người trong cuộc sẽ vơi bớt đi rất nhiều.
Từ đó, không chỉ được duy trì guồng quay tập luyện và thi đấu, các cầu thủ cũng có thể sẽ không còn phải đối mặt với nỗi lo giảm thu nhập, cắt từ 30 đến 40 rồi 50% lương tháng. Với CĐV, dù có thể vẫn sẽ không được đến sân vận động theo dõi trực tiếp các trận đấu vì lệnh đóng cửa sân sẽ được áp dụng, nhưng ít nhất, họ vẫn còn cầu nối là sóng truyền hình trực tiếp để thưởng thức các trận đấu, vậy thì cũng đáng mừng chứ.
Cũng là nỗi nhớ bóng đá nhưng tâm lý của Duy Mạnh hay Xuân Trường, 2 tuyển thủ quốc gia đang điều trị chấn thương tại Trung tâm PVF, cùng với Huy Hùng, Hà Minh Tuấn lại mang một hàm ý khác. Với họ, dù không thể thi đấu được ngay khi V-League trở lại trong tháng 5 tới đây như dự kiến, nỗi nhớ bóng đá còn có thể kéo dài lâu hơn các đồng nghiệp của mình nhưng tất cả đều xác định không được phép chủ quan, mạo hiểm hay nóng vội với chấn thương của mình.
Đã có quá nhiều bài học trong quá khứ từ các đàn anh, những người đồng nghiệp và chính bản thân mình nên Xuân Trường, Duy Mạnh hay cả Đình Trọng đều đã xác định được mục tiêu trước mắt của mình, đồng thời biết cần phải làm gì để đạt cho được mục tiêu ấy.
Quãng thời gian giải đấu tạm ngưng vì dịch bệnh Covid-19 với những cầu thủ này cũng có mặt tích cực là giúp họ có thêm thời gian, sự tập trung trong việc điều trị chấn thương, loại bỏ được tâm lý nôn nóng trong quá trình điều trị, hồi phục.
Nỗi nhớ bóng đá luôn tồn tại nhưng nó tăng hay giảm là tùy thuộc vào mỗi người trong chúng ta.
Lâm Chi
Tags