(Thethaovanhoa.vn) - Thành công của lứa U23 Việt Nam tại Thường Châu (Trung Quốc) hồi đầu năm 2018, tiếp nối là kỳ tích tại ASIAD 2018 đã tạo ra một cú hích rất lớn, đẩy vọt giá trị hình ảnh bóng đá Việt Nam.
Cách đây vài tháng, hàng triệu người hâm mộ Việt Nam còn phải xem đội U23 trong giai đoạn đầu của ASIAD 2018 qua kênh… lậu. Câu chuyện bi hài này một lần nữa làm nóng lên vấn đề bản quyền truyền hình các giải bóng đá. Trong bối cảnh còn vài tuần nữa là AFF Cup 2018 diễn ra, người hâm mộ đã có thể thở phào sau khi Next Media và VTV thông báo sở hữu bản quyền truyền hình của giải đấu khu vực. Tức là sẽ được xem các trận đấu một cách hợp pháp chứ không phải xem với mặc cảm tội lỗi!
Bản quyền truyền hình AFF Cup bao năm qua đúng là rất rẻ và dùng thoải mái đến mức nhiều người cứ mặc định nghĩ là sản phẩm miễn phí. Thành công của lứa U23 Việt Nam đã thay đổi tất cả, tạo nên cơn sốt kéo dài từ đầu năm 2018 đến nay, và ngay từ bây đội bóng của HLV Park Hang Seo đã gây sốt dù chỉ trong giai đoạn tập huấn. Các đơn vị nắm bản quyền quốc tế nhanh chóng đánh giá lại thị trường Việt Nam và bản quyền truyền hình AFF Cup 2018 trở thành vấn đề phải đàm phán và cạnh tranh nghiêm túc.
Việt Nam đã học được nhiều từ câu chuyện mua bản quyền truyền hình World Cup 2018 và ASIAD 2018. Cuộc đàm phán bản quyền truyền hình giữa các bên căng thẳng đến phút chót, chẳng khác gì mua đào 30 tết, thậm chí là sang… mồng 1 mồng 2, khiến cả nước phải “xem chui” ASIAD 2018 trong suốt 1 tuần.
Đơn vị nắm bản quyền AFF Cup 2018 toàn cầu là LSE (Lagardère Sports and Entertainment). Họ bán lại cho VTV và Next Media quyền phát sóng tại Việt Nam. VTV sở hữu bản quyền truyền hình phát trên các nền tảng miễn phí. Next Media thì sở hữu bản quyền phát đối với các nền tảng tính tiền trên hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, internet, mạng xã hội, mạng di động… và các hoạt động trình chiếu công cộng.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mở ra thị trường mới. Không phải về nhà mở ti vi lên để xem những chương trình được xếp theo lịch phát sóng của nhà đài, người hâm mộ nay có rất nhiều sự lựa chọn với smart TV, các thiết bị di động, máy tính... Tuy nhiên, việc xử lý thiếu quyết liệt các trường hợp vi phạm khiến ý thức tuân thủ nghiêm túc bản quyền truyền vẫn chưa cao, nạn phát sóng và xem lậu tràn lan. Theo một thống kê không đầy đủ, chỉ sau 3 ngày đầu World Cup 2018 đã có hơn 700 trường hợp vi phạm bản quyền trên internet tại Việt Nam. Tại ASIAD, sau khi có bản quyền truyền hình, VTC phát hiện chỉ trong nửa ngày đã có trên 100 website và 30 ứng dụng OTT/IPTV vi phạm. Thậm chí, tại trung tâm TP.HCM, người ta còn phát các trận đấu của tuyển Olympic Việt Nam ở Asiad 2018 từ trang web lậu. Thực trạng này khiến không ít doanh nghiệp băn khoăn khi muốn đầu tư mua bản quyền.
Đây sẽ là thách thức đối với Next Media liên quan đến bản quyền AFF Cup 2018. “Theo các văn bản được cung cấp, có thể hiểu Next Media được truyền dẫn, phát hành các trận đấu thông qua hệ thống truyền hình cáp (đương nhiên có trả tiền), hoặc thông qua internet và được thu tiền người xem. Next Media có thể áp dụng các biện pháp khoa học, công nghệ để bảo vệ bản quyền, yêu cầu các cơ quan hành chính xử phạt hành chính những hành vi vi phạm, hoặc khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài thương mại để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, Luật sư Hồ Hữu Hoành của Saigonmind.com phân tích.
Trong trường hợp Next Media cho phép một đơn vị tiếp dẫn để phát lại, quyền đó phải được quy định trong hợp đồng ký với LSE, và nếu Next Media có quyền đó, đơn vị tiếp dẫn cũng chỉ được phát, truyền dẫn trên mạng viễn thông, thông tin điện tử (internet). Trong cuộc họp báo mới đây, đại diện của Next Media và đối tác Green Communications nói rằng họ sẵn sàng cung cấp video các trận đấu cho các báo, đài đúng quy định nếu các đơn vị này có công văn xin phép.
Đối với các trường hợp vi phạm như “Xôi Lạc TV”, Next Media có thể đề nghị đề nghị cơ quan quản lý internet chặn IP; nếu phát trên nền tảng YouTube, Facebook, thì cung cấp chứng minh quyền sử dụng hợp pháp để yêu cầu Google, Facebook xóa nội dung. Next Media đang thỏa thuận để Phan Law Vietnam hỗ trợ xử lý vi phạm bản quyền. Phan Law có nhiều năm kinh nghiệm xử lý những hành vi xâm phạm bản quyền phát sóng Champions League, Europa League, giải Ngoại hạng Anh...
Liệu có xung độ bản quyền giữa VTV và Next Media?
Theo luật sư Phan Vũ Tuấn của Phan Law, không có xung đột giữa 2 đơn vị sở hữu bản quyền truyền hình AFF Cup 2018 là VTV và Next Media vì trong gói bản quyền đã ghi rõ đơn vị sở hữu có quyền được cấp phép cho bên thứ ba trình chiếu đến đâu, trên nền tảng nào nên cứ dựa vào quyền đó mà thực hiện.
Nhìn từ hiệu ứng của U23 Việt Nam ở giải U23 châu Á và Asian Cup vừa qua, AFF Suzuki Cup 2018 chắc chắn sẽ là giải đấu được kỳ vọng cao về “rating”. Các đơn vị Việt Nam phải bỏ nhiều tiền hơn để mua bản quyền truyền hình trong khi người hâm mộ có nhiều lựa chọn hơn để theo dõi đội tuyển quốc gia, được xem “sóng sạch”. Vấn đề còn lại là nâng cao ý thức tôn trọng bản quyền và việc xử lý vi phạm bản quyền được thực hiện nghiêm túc sẽ khuyến khích các đơn vị đầu tư mua thêm bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao. Để không chỉ World Cup, EURO, ASIAD, SEA Games, AFF Suzuki Cup, Asian Cup mà trong tương lai V-League, Giải hạng Nhất, Cúp Quốc gia đều có thể sinh lợi nhờ bán được bản quyền truyền hình và bóng đá thực sự sống được nhờ vào chính người xem của mình.
Công ty Cổ Phần Giải Pháp Truyền Hình Thế Hệ Mới (Next Media) công bố gói bản quyền AFF Cup 2018 mua từ Lagardère Sports and Entertainment bao gồm: Độc quyền và được phép phân phối lại cho các đơn vị thứ ba tại toàn bộ hệ thống trả tiền trên hạ tầng vệ tinh, cáp, IPTV, OTT, phát thanh, internet, mạng xã hội, mạng di động. Next Media cũng mua quyền trình chiếu công cộng từ LSE. Next Media hiện là đơn vị nắm bản quyền ba giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam là V-League, Giải hạng Nhất và Cúp Quốc gia. Doanh nghiệp này cũng là đối tác của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và Dailymotion - một trong những web chia sẻ video trực tuyến lớn nhất thế giới. |
Linh Nhi
Tags