Làm sao lấp đầy khoảng trống giữa đội tuyển Việt Nam và U23?

Thứ Sáu, 01/04/2022 10:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Cùng thời điểm đội tuyển Việt Nam cầm hòa Nhật Bản ở vòng loại World Cup 2022, U23 Việt Nam đã thua Uzbekistan ở Dubai Cup. Trái với những tiến bộ rõ ràng của đội tuyển quốc gia, lứa U23 đang mang tới nỗi bất an cho tương lai sắp tới của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam: Phía trước có phải bầu trời?

Đội tuyển Việt Nam: Phía trước có phải bầu trời?

Nếu thế hệ những Quang Hải, Hùng Dũng, Tuấn Anh, Công Phượng... đã và đang tạo tiền đề, thậm chí là một diện mạo mới cho bóng đá Việt Nam ở các cấp độ ĐTQG suốt hơn 4 năm qua, thì dường như lứa kế cận lại tạo cảm giác hụt hơi.

 

Sau lưng Quang Hải, Tiến Linh là khoảng trống

3 trận tại Dubai Cup, U23 Việt Nam thua 2, hòa 1, không ghi được một bàn. Vẫn biết kết quả chẳng phải điều quan trọng nhất ở một giải giao hữu, lại diễn ra trước toàn đối thủ mạnh nhưng cách điều đó lặp đi lặp lại qua hàng loạt trận đấu cho thấy U23 Việt Nam đang thực sự có vấn đề.

Dubai Cup không phải lần đầu tiên U23 Việt Nam mang tới hình ảnh bế tắc về thế trận và kém cỏi trong dứt điểm. Lứa đàn em của Quang Hải đã thể hiện điều đó từ vòng loại U23 châu Á hồi tháng 10 năm ngoái, chưa thể cải thiện nó ở Dubai Cup.

5 trận từ đó tới nay, đội tuyển U23 Việt Nam chỉ ghi được 2 bàn. Trước đó nữa, vấn đề đã bộc lộ ngay khi Quang Hải còn đủ tuổi ở U23 châu Á 2020, giải đấu mà U23 Việt Nam chỉ ghi 1 bàn sau 3 trận và dừng bước tại vòng bảng.

Hơn 2 năm đã qua từ đó tới nay, mọi thứ gần như không được cải thiện. Vẫn là một hiệu suất làm bàn cực thấp, vẫn không giới thiệu được thêm gương mặt nào ở hàng công. U23 Việt Nam chỉ tìm được điểm sáng ở hàng thủ, nơi đã tiếp thu trọn vẹn hệ thống 3-4-3 của ông Park từ đội tuyển quốc gia.

Hơn 2 năm, U23 Việt Nam đã được đầu tư không ít. Đội trẻ này tập trung nhiều không kém đội tuyển quốc gia, đã thử nghiệm vô số nhân sự nhưng mọi thứ vẫn chưa cải thiện.

Không sai khi nói đang có một khoảng trống mênh mông trên hàng công U23 Việt Nam sau lứa Quang Hải, Tiến Linh.

Khoảng trống ấy cũng dễ hiểu thôi nếu nhìn vào tình hình V-League hiện tại. Hầu hết những cái tên U23 có vị trí ở CLB đều đang chơi tại hàng thủ.

Họ là Bùi Hoàng Việt Anh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Xuân, Nguyễn Văn Toản. Người duy nhất trên hàng công có vị trí tương tự là Nguyễn Hai Long của CLB Hà Nội. Anh cũng là hy vọng hiếm hoi của đội U23, là người đã mang về thành công cho đội tại vòng loại châu Á hồi năm ngoái.

Điều đó cũng giải thích tại sao trong danh sách bổ sung cầu thủ quá tuổi cho U23, HLV Park điền tên toàn những cầu thủ tấn công. Cả Quang Hải, Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức đều chơi ở tuyến trên. Những vị trí của họ đều là nơi U23 Việt Nam đang thiếu hoặc rất yếu.

bóng đá Việt Nam, dtvn, ĐT Việt Nam, Park Hang Seo, vòng loại World Cup, AFF Cup, SEA Games, U23 Việt Nam, U23 châu Á, Asiad, AFF Cup, VFF, danh sách U23 Việt Nam
Hai Long (trái) bắt tay Quang Hải (phải). Việc Quang Hải rời CLB Hà Nội sẽ mở ra cơ hội đá chính cho tài năng sáng giá nhất U23 Việt Nam hiện tại. Ảnh: Bạch Dương

Đấy là điều không hề diễn ra trong nhiều năm qua khi các lứa U23 luôn giới thiệu được những gương mặt tấn công sáng giá, từ Hoàng Đức, Tiến Linh ở SEA Games 2019 tới Công Phượng, Văn Toàn 2017 hay xa hơn nữa là Phi Sơn, Hồng Quân, Minh Tuấn, Văn Quyết của 2015 hay 2013...

Tất cả họ đều đã định danh tại V-League, tất cả đều đá chính và là trụ cột ở CLB của mình, điều mà không một cầu thủ tấn công hiện tại nào của U23 Việt Nam làm nổi.

Khoảng trống kế cận ấy mang tới lo lắng cho đội tuyển Việt Nam vì 4 năm nữa, những tên tuổi của lứa này sẽ bước vào thời kỳ đẹp nhất sự nghiệp và lẽ ra phải là chủ lực cho đội tuyển Việt Nam thực hiện giấc mơ World Cup 2026.

Khi đó, người trẻ nhất trên hàng công đội tuyển Việt Nam hiện tại là Phạm Tuấn Hải (1998) cũng đã bước sang tuổi 28 còn phần lớn đồng đội của anh đều trên dưới 30.

Khó tin rằng đội hình hiện tại còn giữ được phong độ ở thời điểm ấy. Mà ngay cả khi đó, họ vẫn cần những cái tên kế cận. Nhưng ai, ai sẽ đứng bên cạnh Quang Hải, Tiến Linh thời điểm ấy?

Bắt đầu lại cuộc tìm kiếm

“Để tham gia vòng loại World Cup tiếp theo, chúng ta phải chờ 4 năm nữa. Bây giờ, ta phải tính như thế nào để vòng loại World Cup tới, tuyển Việt Nam có kết quả tốt hơn chứ không thể để thời gian trôi qua vô định” là chia sẻ của HLV Park Hang Seo trong cuộc họp báo sau trận gặp Nhật Bản.

Và đó không phải một phép tính của tương lai mà đang hiển hiện trước mắt.

Thành công liên tiếp của lứa 1995, 1997 cùng sự thăng hoa của thế hệ Thường Châu tạo cho nhóm cầu thủ vị trí vững chắc tại các CLB mà họ góp mặt. Nhìn một vòng V-League, ở đâu ta cũng có thể tìm thấy những trụ cột tới từ hai lứa cầu thủ này như Tiến Dũng tại CLB Viettel, Quang Hải, Duy Mạnh ở đội Hà Nội hay Công Phượng, Tuấn Anh tại HAGL...

Họ tài năng, đẳng cấp nên được thi đấu liên tục. Càng thi đấu, họ càng tiến bộ, vị trí càng vững chắc và càng được tin tưởng. Vòng tuần hoàn ấy cung cấp cho các CLB và cả đội tuyển một nhóm nhân sự chất lượng cao và ổn định. Nhưng nó cũng vô tình hạn chế cơ hội của lớp đàn em, làm gián đoạn chuỗi cung ứng kế tiếp cho các đội tuyển.

Lấy trường hợp của Trần Bảo Toàn ở HAGL làm ví dụ, tài năng sinh năm 2000 lên V-League từ mùa 2019. Anh thường xuyên có mặt ở U23 Việt Nam trong vài năm qua, được giới chuyên môn khen ngợi, được ông Park tin tưởng nhưng hiếm khi có cơ hội tại HAGL và thường xuyên bị đẩy đi cho mượn tại các CLB khác.

Năm nay bước sang tuổi 22, Bảo Toàn mới có 3 lần đá chính, vỏn vẹn hơn 500 phút tại V.League. Đòi hỏi anh phải tiến bộ với thời lượng thi đấu ấy là điều không tưởng.

Giống hệt ở Gia Lai, CLB Viettel, Hà Nội, Đà Nẵng... cũng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Bạn có thể ngay lập tức chỉ ra Bùi Hoàng Việt Anh và Lê Văn Xuân là các ví dụ ngược lại. Nhưng nếu Đình Trọng và Văn Hậu không chấn thương, bao giờ mới tới lượt 2 cầu thủ trẻ này?

Nguyên tắc bất biến trong đào tạo trẻ là phải thi đấu thì mới tiến bộ. Nhưng làm sao trách được các HLV khi những tài năng trẻ trong tay họ không cạnh tranh nổi với đàn anh? Và thế là những Bảo Toàn, Minh Bình và rất nhiều cái tên khác sẽ phải lựa chọn: ở lại ngồi dự bị hay dạt tới những đội bóng nhỏ, chơi ở giải hạng dưới.

Đến đây, vấn đề đã trở nên rõ ràng: Muốn có lớp kế cận, phải mở rộng hệ thống thi đấu, tăng số trận ở giải hạng Nhất, các giải trẻ và trao thêm cơ hội ở đội U23. Càng nhiều trận, cầu thủ trẻ càng có cơ hội tiến bộ, càng rút ngắn khoảng cách với nhóm đàn anh. Nếu V-League không thể là bệ phóng thì các cấp bậc bóng đá phía sau phải được điều đó. Không thể khác được.

Thành công của U23 Việt Nam dưới tay HLV Đinh Thế Nam cho thấy nền bóng đá vẫn còn những viên ngọc thô chưa được khai phá. Và đó là những hòn ngọc sáng. Văn Tùng, Quốc Việt, Quang Thịnh... đều đã cho thấy bản lĩnh và cả năng lực trong hoàn cảnh cực kỳ ngặt nghèo.

Cần chú ý, họ đều là thành viên cũ của U19 Việt Nam, đều được rèn giũa bởi Philippe Troussier lừng danh. Thành công của U23 Việt Nam vừa qua cho thấy chúng ta không nên lãng phí một lứa cầu thủ chất lượng, di sản của HLV danh tiếng nhất từng làm việc tại Việt Nam.

Mở rộng hệ thống thi đấu tại mọi cấp độ, tin tưởng U23 Việt Nam nhiều hơn, nhiệm vụ lấp đầy khoảng trống sau lưng lứa Quang Hải chưa phải điều bất khả thi với bóng đá Việt Nam.

Bạch Dương

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›