Không có Norimatsu Takashi, HLV Miura đơn độc

Thứ Tư, 13/05/2015 17:49 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa, HLV trưởng Toshiya Miura lại phải sắm vai “người hùng đơn độc” trong hành trình của U23 Việt Nam tại SEA Games 28 và tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2018 Khi HLV Norimatsu Takashi không thể có mặt.

Xác nhận từ TTK Lê Hoài Anh khẳng định HLV Norimatsu Takashi sẽ không thể trở thành “cánh tay phải” cho ông Miura, do bận cùng đội tuyển nữ tập huấn Australia từ ngày 15 tới 22/5. Chuyến tập huấn này đến từ lời mời của Liên đoàn bóng đá Australia dành cho tuyển nữ Việt Nam. Thời gian của chuyến đi rơi đúng vào trọng điểm tập trung của U23 Việt Nam và tuyển Việt Nam trước các trận đấu quan trọng.

Trước đó, VFF đã cài điều khoản cho phép ông Takashi hỗ trợ người đồng hương Miura sau khi kết thúc nhiệm vụ cùng đội tuyển nữ. Với kinh nghiệm và sự hiểu nhau của những người Nhật Bản, Miura - Takashi được kỳ vọng sẽ trở thành bộ đôi “Batman - Robin” của bóng đá Việt Nam. Ông Takashi cũng sẽ giúp HLV Miura giảm bớt gánh nặng cực lớn ở thời điểm hiện tại.

Nếu chú ý một chút tới lịch tập luyện và thi đấu của hai đội tuyển, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra U23 Việt Nam và tuyển quốc gia không bao giờ tập vào cùng một buổi. Các trận đấu của hai đội tuyển cũng luôn được xếp xen kẽ cách nhau khoảng 1 tuần.

Đó là tính toán của VFF và cá nhân ông Miura để tạo điều kiện cho chiến lược gia người Nhật Bản có tối đa thời gian với hai đội bóng của mình. Sự chu đáo ấy của ông Miura là rất cần thiết, nhưng nó cũng gián tiếp khẳng định chiến lược gia 51 tuổi không đặt trọn niềm tin và đội ngũ trợ lý của mình.

Không có ông Takashi, lịch làm việc của HLV Miura sẽ nặng hơn hẳn. Ngày 17 và 18/5, ông Miura dẫn dắt tuyển Việt Nam đá hai trận giao hữu ở Hà Nội. Đến ngày 22/5, ông cùng U23 Việt Nam gặp Myanmar ở Cẩm Phả. Sau đó đúng 2 ngày, chiến lược gia người Nhật phải đối mặt Kiatisak ở Thái Lan trước khi bay sang Singapore hôm 25/5. 8 ngày, 4 thành phố, 3 quốc gia, 4 trận đấu trong đó có 3 trận ở cấp độ quốc tế cùng 2 đội tuyển khác nhau. Theo như cách nói của giới trẻ, sức bền thể lực và tinh thần của HLV Miura hẳn “không phải dạng vừa đâu”.

Đây không phải là lần đầu tiên kể từ khi đến Việt Nam, ông Miura phải “một nách hai con” như vậy. Trước đó, khi Olympic Việt Nam chuẩn bị cho ASIAD Incheon còn tuyển Việt Nam đá giao hữu với Hong Kong, ông Miura cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhưng mọi thứ nhẹ nhàng hơn vì Olympic Việt Nam và tuyển quốc gia đều không chịu nhiều áp lực ở thời điểm ấy.

Sự vắng mặt của ông Takashi chắc chắn sẽ mang tới những tác động xấu cho quá trình làm việc của ông Miura. Nó chứng tỏ VFF đã tiếp tục mắc lỗi trong một nước cờ lẽ ra không được thất bại.

Cùng thời điểm VFF xác nhận ông Takashi không thể làm trợ lý cho HLV Miura ở tuyển quốc gia, trong một văn phòng khác của Liên đoàn, trưởng phòng các đội tuyển quốc gia Mai Đức Chung rời nhiệm sở chỉ sau hơn 8 tháng làm việc. Hãy nhớ phòng đội tuyển quốc gia là nơi hoạch định chiến lược của nền bóng đá - thường được lên kế hoạch trước khoảng 1 năm cho mỗi sự kiện.

Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›