(Thethaovanhoa.vn) - Cho đến thời điểm này, trình độ thực sự của HLV Hữu Thắng vẫn còn gây băn khoăn với dư luận. Nghĩ hơi lo lo, tựa như hơn năm trước, đến khi đội tuyển Việt Nam bê bết thì người ta mới biết “trình” ông HLV Miura hóa ra cũng có vấn đề. Nói lời chia tay thì đã quá muộn!
Trên đất Tajikistan, đội tuyển Việt Nam bị gỡ ngay thời điểm chúng ta chơi thiếu người: Trung vệ Tiến Dũng chấn thương và HLV Hữu Thắng chưa kịp thay người, thì Afghanistan đã có bàn gỡ. Đừng nói là chưa có ông thầy làm bóng đá nào chưa từng rơi vào hoàn cảnh ấy, ngay cả người tiền nhiệm của HLV Hữu Thắng là Toshiya Miura. Trong một trận đấu trên sân Mỹ Đình, có thời điểm đội tuyển Việt Nam của HLV Miura chỉ chơi với 9 người, khi HLV trưởng người Nhật Bản chưa kịp đưa ra những điều chỉnh. Tất nhiên, những tai nạn như thế là điều tối kỵ.
Như đã nhắc ở số báo trước, HLV Hữu Thắng vẻ như hơi ngợp, không sẵn những phương án trong các tình huống khác nhau. Và bản thân các học trò của ông Thắng cũng bị cuốn theo: Thay vì phá bóng ra biên, hay ít nhất cũng chủ động làm chậm nhịp độ trận đấu, chờ cho đến khi đội tuyển Việt Nam đủ người, thì họ lại lơ đễnh.
Đấy là thời điểm mà thầy trò HLV Hữu Thắng vừa mới có bàn thắng vượt lên dẫn trước, và đến đứa trẻ cũng đoán được, đối phương sẽ tràn lên tìm bàn gỡ bằng mọi giá. Mà đội tuyển Việt Nam trận này đâu phải chỉ tập hợp toàn những đứa trẻ lần đầu chinh chiến xa nhà?
Một trong những sự bị động dễ nhận thấy khác, bên cạnh việc thay người khá rối, đấy là sự điều chỉnh khá chậm chạp về chiến thuật: Chuyển từ công đối công qua phòng ngự chủ động, hòng bảo toàn tỷ số và điểm số của BHL đội tuyển Việt Nam. Vấn đề không phải là chuỗi sai lầm và đã bị đối phương trừng phạt bằng bàn gỡ trước đó, mà nguy hiểm ở chỗ chúng ta mất phương hướng. HLV Hữu Thắng không kiểm soát được tình hình, vậy các đồng nghiệp - cộng sự của ông ở đâu lúc đó? Hình như không một ai lên tiếng, mách nước cho ông Thắng cả.
***
Trận đấu với Afghanistan khiến nhiều người liên tưởng đến các trận bán kết lượt đi và về với Indonesia tại AFF Cup 2016: Cách đội bóng ứng xử khi thiếu người và khi quân bình được tỷ số (3-3 chung cuộc ở giờ thi đấu chính thức, sau bàn thắng quý như vàng của Minh Tuấn). Tức là, chiến thuật chuẩn bị của HLV Hữu Thắng và cộng sự là không triệt để, hay nói thẳng ra là không tốt. Chúng ta chưa hiểu hết mình và thậm chí cũng không nắm bắt được đối thủ. Bài học ấy vẫn chưa ráo mực, thì nó đã lặp lại ở Tajikistan.
Môi trường bóng đá cũng như quân ngũ vẫn có câu: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu". Đội tuyển Việt Nam dường như chỉ có một kế hoạch chuẩn bị rất sơ sài, trước chuyến hành quân đi Tajikistan gặp Afghanistan, để rồi phải trả giá. Ấy vậy mà còn có những ý bàn ra, thoả hiệp với các kế hoạch hội quân - chạy đà đến FIFA U20 World Cup 2017 của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn, dù kế hoạch ấy đã được chính VFF thông qua. Ra thực chiến mới học cách cầm súng, cầm gươm thì đúng là "nhất tướng công thành vạn cốt khô".
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags