(Thethaovanhoa.vn) - Chia tay sân cỏ, Trần Công Minh, hậu vệ nức tiếng một thời bóng đá nước nhà lui về miệt mài với công việc đào tạo trẻ. Dù “ẩn tích”, anh vẫn dõi theo đội tuyển Việt Nam với những chia sẻ đầy tâm huyết trước trận gặp Nhật Bản vào tối ngày mai trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2022.
* Thể thao & Văn hóa: Đã lâu không thấy anh xuất hiện trên truyền thông, công việc của anh lúc này thế nào và chắc hẳn anh vẫn dành những lưu tâm đối với bóng đá nước nhà?
- HLV Trần Công Minh: Đúng là bây giờ tôi không còn làm công việc huấn luyện bóng đá chuyên nghiệp nữa, niềm vui lúc này dành cho công tác đào tạo trẻ. Sau giai đoạn dẫn dắt đội tuyển Olympic Việt Nam từ năm 2006-2007, sau đó về cầm CLB Đồng Tâm Long An, lên làm trợ lý ĐTQG thời HLV Toshiya Miura, rồi trải qua nghề cầm quân ở vài địa phương Cà Mau, Đồng Tháp thì tôi nghỉ hẳn với bóng đá chuyên nghiệp. Bây giờ về làm công tác đào tạo trẻ ở Học viện Bóng đá Juventus tại Việt Nam, Tôi hài lòng với công việc dìu dắt, chăm bẵm các thế hệ đàn em.
Dù công việc hay cương vị nào cũng đều gắn bó với trái bóng, đó là tình yêu, đam mê cả, không dứt ra được. Tôi luôn dõi theo thế sự bóng đá nước nhà, từng bước đi của đội tuyển Việt Nam thời gian qua. Rất vui vì thế hệ cầu thủ sau mình phát triển nhanh như thế. Thế hệ “Vàng” của mình nào có được ngôi vô địch hay tấm HCV nào đâu. Bây giờ, các em đã có được đủ đầy danh hiệu mà người hâm mộ mong chờ lâu nay.
* Theo anh, sau 4 trận thua liên tiếp tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam nên nhập cuộc với tâm thế như thế nào trước Nhật Bản vào tối ngày mai?
- Ai cũng biết, để chơi được tại vòng loại thứ 3 Wordl Cup khu vực châu Á đã như cột mốc lịch sử. Nhưng đây là chỗ góp mặt của các anh tài châu lục, rất khó để đòi hỏi gì hơn. Thực tế, đội tuyển Việt Nam chơi 4 trận vừa rồi không tệ, vẫn có điểm sáng. Tuy vậy, với trình độ cao của bóng đá châu Á, thầy trò HLV Park Hang Seo khó làm được gì hơn. Quan trọng, sau những trận đấu như thế, bóng đá nước nhà đúc kết, rút tỉa, tích lũy được gì để làm hành trang.
4 trận vừa rồi đều thua thì rõ ràng tâm lý sẽ nặng chứ không phải không. Kỳ vọng nhiều nên sức ép nhiều. Ai cũng mong có điểm, có chiến thắng. Chính bản thân ông Park cùng học trò cũng đau đáu chuyện đó. Họ quyết tâm, cố gắng nhưng mình ở dưới trình so với đối thủ nên cũng đành chịu. Do vậy, lúc này giải tỏa gánh nặng tâm lý cho cầu thủ rất cần thiết để họ “nhẹ đầu” dễ đá. Đừng đặt nặng chỉ tiêu này kia. Thể hiện hết thảy năng lực, tận hiến hết sức và chơi hào sảng nhất có thể đã rất vui rồi. Cứ đặt mình vào tâm thế “không còn gì để mất” một cách nhẹ nhàng nhất để tiếp cận trận đấu mà thôi.
* Đội tuyển Nhật Bản cũng để thua 2 trận trong 4 trận vừa rồi, phong độ cũng không ổn định. Rõ ràng, đối thủ cũng đang chịu nhiều sức ép, đó có phải lợi thế dành cho đội tuyển Việt Nam ở trận đấu này, thưa anh?
- Đúng là như vậy. Đó được xem như lợi thê về tinh thần với đội tuyển Việt Nam khi đối thủ cũng đang căng cứng. Chỉ mới có 6 điểm, rõ ràng Nhật Bản khởi đầu không được như ý, chưa xứng tầm với trình độ của họ ở châu lục. Thất bại trước Saudi Arabia và cả Oman có thể xem như bất ngờ của bảng đấu. Đặt ra giả thiết họ không thắng Việt Nam sẽ thất thế rất nhiều cho việc tranh đua 2 vé nhất nhì dự World Cup. Bây giờ cả Australia và Saudi Arabia đều có 9 điểm rồi, Oman cũng tạm thời đứng trên Nhật Bản khi so về hiệu số.
Với trận đấu tối mai, có thể họ nôn nóng, họ muốn dâng lên. Nếu mình tiếp cận vừa vặn, hợp lý, gây ra những ức chế cho đối thủ cũng như nắm bắt và tận dụng tốt thời cơ biết đâu có thể làm nên chuyện. Nói trên lý thiết là vậy, để chúng ta hy vọng, đặt nhiều tin tưởng chứ nhìn toàn diện, cũng không hề đơn giản. Cần phải biết, phong độ có thể không tốt, gặp đôi chút trục trặc gì đó nhưng Nhật Bản trên trình, vượt đẳng cấp so với đội tuyển Việt Nam.
* Thời gian gần đây, đội tuyển Việt Nam chịu nhiều thiệt thòi khi có những trụ cột chấn thương. Ông Park đang cố xoay sở, căn chỉnh để lấp chỗ trống. Theo anh, Ông Park sẽ có những bài vở bất ngờ cho trận đấu?
- Với những chấn thương của cầu thủ, thời gian qua đội tuyển Việt Nam đã không hội đủ được những nhân tố tốt nhất của mình. Mình phải chấp nhận chuyện này thôi, không có cách nào khác. Bóng đá là vậy, có lúc này lúc kia. Có thể phẩm chất của những phương án thay thế chưa bằng cầu thủ chủ lực nhưng HLV sẽ có giải pháp của mình. Đá với phương thức hay sơ đồ chiến thuật nào trước hết cũng dựa trên con người đang có. Ông Park vẫn đang tìm tòi, phát hiện và sử dụng các miếng ghép để thay thế.
Không có “đôi cánh” Trọng Hoàng - Văn Hậu đúng là thiệt thòi rất lớn. Cả Hậu và Hoàng đều chơi công thủ toàn diện, đáp ứng yêu cầu chiến thuật. Mình không chê cầu thủ thay thế nhưng vì mỗi người có những điểm mạnh yếu khác nhau nên không thể đòi hỏi các em đá đều như “vắt chanh” được. Như Vũ Văn Thanh hay Hồ Tấn Tài tham gia tấn công hay nhưng khả năng phòng thủ chưa đảm bảo. Hồng Duy có kỹ thuật, đá thông minh, lắt léo nhưng không thể tranh chấp tốt vì bất lợi thể hình. Tôi cho rằng, ông Park sẽ sử dụng Tấn Tài cùng Hồng Duy cho vị trí 2 hậu vệ cánh khi đá với Nhật Bản.
* Anh thử hình dung lối chơi nào sẽ được ông Park áp dụng cho trận đấu và liệu có cơ hội có điểm cho đội tuyển Việt Nam?
- Mấy ngày vừa rồi, ông Park đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi trong các buổi tập. Tôi hình dung sẽ có những bất ngờ thú vị từ những sắp xếp nhân sự cùng lối chơi của đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, thay đổi đó không phải để thi thố xuyên suốt được cả trận đâu. Đá với đội dưới cơ thì được, gặp Nhật Bản mà chuyển “trạng thái” hoàn toàn sẽ không ổn.
Cả mình và đối phương đều thiên về chơi bóng nhỏ, ngắn, phối hợp ít chạm. Nhưng đẳng cấp của đối thủ vượt trội hoàn toàn. Mình chơi pressing nhưng đôi lúc chưa đồng bộ, trong khi Nhật Bản đá pressing “cực đoan” với tốc độ cực nhanh, nhiều biến hóa. Cầu thủ của họ chuyển đổi trạng thái nhanh, hoán đổi vị trí linh hoạt, đa dạng, rất khó bắt bài.
Chính vì thế, dù ông Park có thay đổi về con người, lối chơi đi nữa cùng theo kiểu thích ứng với thời điểm và diễn biến trên sân mà thôi. Trước hết, vẫn cứ phải dùng bài tủ của mình để “nghênh chiến” trước đã. Đấy là chơi phòng ngự nhưng không quá “rón rén” để bị động và tránh “vỡ mặt’ nếu đối phương dồn lên tất tay. Sau đó, phải đủ người, tạo ra mối liên kết, sự liền mạch trong các tình huống phản công.
Với một đối thủ toàn diện như thế, đội tuyển Việt Nam cần hạn chế tối đa sai sót cá nhân cũng sai số của hệ thống. Đừng để xảy ra những tình huống không đáng có, quá đáng tiếc như chúng ta đã từng mắc phải trong cả 4 trận đấu trước đó. Có thể khó cho chuyện có chiến thắng nhưng tôi tin rằng thầy trò ông Park sẽ chơi một trận “hết vốn” tại Mỹ Đình trong ngày có người hâm mộ vào sân.
* Xin được cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
“Làm trẻ có cái tâm sự của người đào tạo trẻ. Bóng đá chuyên nghiệp dĩ nhiên nhiều áp lực hơn, nhưng làm trẻ lại cần sự kiên nhẫn nhiều hơn. Bóng đá trẻ không thể lấy thành tích làm thước đo cho thành công như bóng đá chuyên nghiệp, mà cần phải có thời gian. Càng gắn bó với công tác đào tạo trẻ, tôi càng thấy thương những người thầy từng làm trẻ, cho ra lò những lứa cầu thủ tài năng”. |
Trần Tuấn (thực hiện)
Tags