(Thethaovanhoa.vn) - Cùng với bóng đá nữ, bóng đá bãi biển…, futsal được xếp vào nhóm bóng đá ngoài chuyên nghiệp, mà gọi nhanh gọn là phong trào. Thế nên, những vụ lùm xùm gần đây liên quan đến thái độ thi đấu của các CLB đều mang đậm tính nghiệp dư.
So với ngày đầu tổ chức năm 2009, giải futsal VĐQG đã có những bước tiến đáng kể từ chuyên môn đến công tác điều hành. Nhưng sau 7 năm, sân chơi này vẫn còn nhiều bất ổn làm đau đầu những người tâm huyết.
Không còn cảnh các đội đánh nhau tán loạn, hành hung cả trọng tài như những ngày đầu, nhưng tư duy bóng đá thô bạo có lẽ chưa bao giờ tắt trong suy nghĩ của nhiều người làm futsal hiện tại.
Trận đấu giữa Thái Sơn Bắc với Tân Hiệp Hưng mới đây, nếu BTC, lực lượng an ninh và trọng tài không can thiệp kịp thời, có thể sẽ đổ vỡ giữa chừng. Chuyện cầu thủ, ban huấn luyện phản ứng trên sân không lạ với bất cứ giải đấu nào ở mọi nơi, nhưng ở chừng mực khuôn phép thì đó là điều xa xỉ với sàn đấu futsal Việt Nam.
Trong khoảng 1 tuần, futsal Việt Nam có liền 3 sự cố làm xấu xí bộ mặt nền bóng đá. Đầu tiên là chuyện CĐV la ó Hải Phương Nam Phú Nhuận và Casanco câu giờ, không chịu tấn công để chia điểm.
Sau đó, đến lượt 2 cầu thủ Hoàng Thư Đà Nẵng sút bóng vào người trọng tài. Gần nhất là sự cố ở trận đấu giữa Thái Sơn Bắc với Tân Hiệp Hưng mới nêu ở trên.
Có thể những cái đầu nóng không thể tiết chế cảm xúc của họ khi cáu giận, nhưng hệ lụy của nó rất khôn lường. Từ sâu xa, những CĐV có thể chưa kịp yêu thích bộ môn đang rất phát triển ở Việt Nam này đã chán ngán, không buồn đến sân vì tiếng xấu của giải.
Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM Trần Anh Tú, người có công đầu trong sự phát triển của futsal Việt Nam hiện tại, cũng lắc đầu ngao ngán: “Trong khi futsal đang tìm chỗ đứng trong lòng CĐV, lôi kéo khán giả đến sân để phát triển phong trào thì chuyện tiêu cực cứ nổ ra làm ảnh hưởng đến những người cố công xây dựng nó”.
Theo ông Tú, lộ trình futsal Việt Nam khoảng 2-3 năm nữa sẽ hướng lên chuyên nghiệp. Nhưng sau những sự cố vừa qua, ông Tú thừa nhận: “Tôi cố công xây dựng nền futsal sao cho tốt lên nhưng mặt bằng văn hóa của những người chơi thấp quá. Chắc có lẽ còn lâu lắm mới thay đổi được”.
Trong Hội thảo futsal QG vừa tổ chức tại TP.HCM, Ban futsal VFF đã đưa ra một số tiêu chí để xây dựng một CLB futsal chuyên nghiệp. Đáng chú ý, ngân sách hoạt động của 1 CLB tối thiểu phải 1 tỉ đồng/năm. Lý giải về con số này, ông Tú nói: “Tính sơ sơ mỗi CLB ít nhất phải 20 người, trả lương tối thiểu 4 triệu đồng/tháng thì mỗi năm mất 960 triệu đồng tiền lương rồi. Đó là chưa kể những khoản tiền khác như sân bãi, nước uống, tập huấn… 1 tỷ đồng là quá ít nếu muốn chơi futsal chuyên nghiệp nhưng đó là điều bắt buộc để xây dựng CLB bền vững, tránh chuyện có vỏ không ruột. Nếu làm được điều đó, giải VĐQG sẽ được nâng chất lượng và futsal Việt Nam sẽ còn thu hút được nhiều khán giả đến sân hơn và tiến đến chuyện bán vé”. VFF sẽ gửi hồ sơ xin thành lập CLB futsal chuyên nghiệp đến các CLB trước ngày 5/5. Ngày 31/7 sẽ là hạn chót cho các CLB nộp hồ sơ đăng ký trước khi VFF đi kiểm tra các CLB đã đăng ký trong hai tháng 8 và 9. *** Liên quan đến sự cố trận đấu Thái Sơn Bắc và Tân Hiệp Hưng mới đây, Ban kỷ luật VFF đã quyết định ra hình thức phạt 5 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 5 trận kế tiếp đối với cầu thủ Tôn Thất Phi (Thái Sơn Bắc) và Nguyễn Đắc Huy (Tân Hiệp Hưng) do vi phạm khoản 1 và 3 Điều 39 “Hành vi xâm phạm thân thể”. Cầu thủ Cổ Trí Kiệt (Tân Hiệp Hưng) bị phạt 5 triệu đồng và đình chỉ 4 trận kế tiếp do vi phạm Điều 40 “Hành vi xúc phạm danh dự, hành vi thiếu văn hóa”. Ông Trương Hồng Tài (Trợ lý HLV Tân Hiệp Hưng) bị phạt 3 triệu đồng và đình chỉ làm nhiệm vụ 2 trận kế tiếp. |
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa