(Thethaovanhoa.vn) - Việc đội tuyển Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen một lần nữa cho thấy bài học phát triển từ bóng đá là lăng kính cần thiết cho các lĩnh vực quan tâm, học hỏi.
Đơn giản là xứng đáng!
Nhìn lại thành quả mà bóng đá Việt Nam thu hoạch được trong những năm gần đây, không quá lời khi cho rằng bóng đá là cơ sở để nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội tham chiếu. Các ĐTQG đã tạo ra được quá nhiều hiệu ứng tích cực, kích hoạt được sự phản tỉnh cho nhiều thành phần khác trong xã hội về sứ mệnh phải thay đổi địa hạt mình. Tất nhiên, không vì thế mà những người đang tham gia hoạt động bóng đá tự huyễn hoặc. Câu chuyện bóng đá Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục phát triển căn cơ trong thời gian đến, vẫn là những trăn trở hết sức quan trọng.
Những gì bóng đá Việt Nam đã làm được ở Thường Châu hay ASIAD 2018, Asian Cup 2019 cùng với ngôi vô địch AFF Cup 2018 và tấm HCV SEA Games 2019 đã là minh chứng kết quả tuyệt vời cho quyết tâm vượt giới hạn của nền bóng đá. Đỉnh cao là chiến tích đi đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á của đội tuyển Việt Nam thêm lần nữa khẳng định “không gì là không thể”.
Bóng đá làm được, chẳng lẽ các lĩnh vực khác thì không? Cả nước vỗ tay tưởng thưởng cho thành tích của U23 Việt Nam hay ĐTQG nhưng đừng quên rằng những quả ngọt đó đã trải qua bao mùa vụ thất bại đắng đót. Ở đó, có lúc cả làng bóng đá đều bị tổn thương. Biết bao mùa giải bị đánh giá tiêu cực. Nhiều quan chức, trọng tài, cầu thủ vướng vòng lao lý. Hệ thống giải trẻ chìm trong gian lận tuổi do bệnh thành tích. Cũng khó đếm dễ dàng bao lần chúng ta vô chung kết giải Đông Nam Á vẫn tan giấc mơ vô địch.
Viết tiếp giấc mộng World Cup trên sân Mỹ Đình
Nhắc lại chuyện cũ để đánh giá đúng mức quyết tâm "lột xác" của bóng đá Việt Nam. Để rồi, mọi người cùng chung tay giữ gìn, vun xới cho "con thuyền" bóng đá nước nhà tiếp tục vươn khơi.
Thành công hôm nay được gieo trên cái nền một thế hệ cầu thủ chất lượng. Hẳn nhiên, lứa cầu thủ như thế và có thể nhiều lứa kế cận được vun trồng, chăm bẵm từ những trung tâm đào tạo trẻ khắp cả nước. Ở đó, những địa phương, những ông bầu đã dành nhiều tâm huyết, đầu tư không ít tiền của để hình thành cái nôi đào tạo đó. Mong muốn không gì khác hơn đó là bóng đá nước nhà phải được xây từ “móng” chứ không phải “hớt ngọn” như nhiều năm về trước. Nhà nước cũng đầu tư nguồn kinh phí không nhỏ cùng với nguồn lực của cả cộng đồng doanh nghiệp chung tay vào để có kết quả như hôm nay.
Nói cách khác, khát vọng đó phải luôn thật sự cháy bỏng, thường trực trong suy nghĩ cùng hành động. Khát vọng đó phải ăn sâu vào tâm thế của mỗi cầu thủ cho đến người hâm mộ cùng các đơn vị đang làm bóng đá và những nhà quản lý, điều hành. Bóng đá chúng ta đã và đang trở mình, tiệm cận trình độ châu lục thời gian gần đây. Tuy nhiên phải hiểu rằng mọi thứ luôn biến động với những tham số khác nhau. Vậy nên, khát vọng đó phải luôn được duy trì và nâng tầm.
Khát vọng vươn cao của bóng đá cũng không hề khác với mỗi khía cạnh trong đời sống xã hội.
Hẳn nhiên chúng ta không ảo tưởng rằng bóng đá sẽ làm "thay việc" tất cả mọi thứ. Hay không huyễn hoặc bóng đá sẽ giải quyết được câu chuyện khó khăn trong cuộc sống và trong xã hội nói chung. Nhưng chí ít, dư vị ngọt ngào mà bóng đá mang lại cũng sẽ giải tỏa bớt những bức bách, ngột ngạt đời thường.
Ai cũng biết rằng đời sống xã hội đang trong những ngày gian lao khi đối mặt với “biến cố” mang tên Covid-19. Thực tế, cuộc sống của không ít người dân đang chịu nhiều khó khăn và thử thách. Biết là khó nhưng đành phải lạc quan và tin tưởng cả nước sẽ bước qua được gian lao này trong thời gian sớm nhất. Niềm lạc quan không phải vô cớ mà có, điều này phải được đúc kết từ nghị lực, khát vọng và tình yêu sâu thẳm trong mỗi con người chúng ta.
Vậy nên, hãy nhìn niềm cảm hứng từ bóng đá nước nhà với lăng kính như thế. Niềm vui đó không phải là sự ru ngủ hay ảo tưởng. Niềm vui đó sẽ tạo ra động lực và thổi bùng ngọn lửa khát vọng để bước qua khó khăn.
Hãy cùng chờ đợi màn bùng nổ của thầy trò HLV Park Hang Seo trên sân Mỹ Đình ở vòng loại thứ 3.
Trần Tuấn
Tags