(Thethaovanhoa.vn) - Nhà ĐKVĐ Thai League đã đánh tiếng muốn có sự phục vụ của tiền đạo đội tuyển U23 Việt Nam và CLB HAGL, Nguyễn Công Phượng. Điều đáng nói là con số 70 tỷ đồng mà đội bóng chủ sân I-Mobile đưa ra, sau khi chứng kiến màn thể hiện ấn tượng của Phượng tại giải tập huấn M-150 Cup, diễn ra trên chính SVĐ của đội bóng này.
- V-League, Công Phượng và cái giá của thương hiệu
- Công Phượng không có giá 70 tỷ đồng, U23 Việt Nam chốt danh sách ngày 8/1
- Công Phượng gặp chấn thương, U23 Việt Nam 'đội mưa' tập luyện
Với doanh thu lên đến hơn 30 triệu USD, thì 70 tỷ đồng (tương đương với 3,5 triệu USD) cho bản hợp đồng với một trong những ngôi sao sáng nhất của bóng đá Việt Nam, cả trên sân cỏ lẫn trên mặt báo, như Công Phượng chẳng thấm tháp vào đâu.
Nhiều người bị ngợp trước con số này, nhưng nếu tính toán con số 70 tỷ đồng để chuộc 5 năm hợp đồng còn lại của Công Phượng với HAGL, thì mỗi mùa giải Buriram United sẽ chỉ phải chi hơn 10 tỷ đồng cho thương vụ này (chưa tính tiền lương được cho là 9 nghìn USD/tháng). Với mặt bằng Thai League và tiềm lực tài chính của các đội bóng nhà giàu như Buriram hay Muangthong United…, số tiền này chỉ là "muỗi".
Liên tiếp các mùa giải 2015- 2016, Muangthong United đã trả lương cho ngôi sao người Brazil, Cleiton Silva, lên đến 40 ngàn USD/tháng, nhưng cũng không thể giữ chân được cầu thủ đang nắm kỷ lục số bàn thắng tại Thai League, khi vào đầu 2017, Cleiton đã chuyển đến Shanghai Shenxin (Trung Quốc), với giá hàng chục triệu USD.
Tất nhiên, đẳng cấp chơi bóng của Công Phượng hay bất cứ cái tên nào khác của bóng đá Việt Nam, không thể so với các ngoại binh hàng đầu đã và đang hành nghề tại Thai League như Cleiton, nhưng nên nhớ, giải bóng đá số 1 Thái Lan luôn có những chính sách ưu ái cho các cầu thủ Đông Nam Á. .
Trở lại với trường hợp của Công Phượng và một số cầu thủ Việt Nam được các CLB Thai League đánh tiếng. Bản thân người của HAGL đã khẳng định, họ chưa nhận được bất cứ lời đề nghị nào từ phía các đối tác, nhưng câu trả lời đưa ra rất nhanh là không bán Công Phượng với mọi giá cho thị trường Thái Lan.
“Nếu như Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, thì chúng tôi sẽ xem xét’, thuộc cấp của bầu Đức nói. “Chúng tôi cần ưu tiên phát triển HAGL về lâu dài và có thể chung tay nâng cấp V-League, thu hút khán giả trở lại sân bóng, cũng như thu hút các nguồn lực. HAGL chưa tính đến việc xuất khẩu cầu thủ qua Thai League”, vẫn lời vị trưởng đoàn đội bóng phố Núi.
Đã có ý cho rằng, cả Buriram United và những người của HAGL quả là khéo đùa. Bởi 70 tỷ đồng là một số tiền quá lớn, đủ để “cân” 2 đội bóng ở V-League sống khỏe, chứ đừng nói mua về dăm ba cầu thủ như Công Phượng. Vả lại, nói gì thì nói, xuất khẩu cầu thủ là tiêu chí mà bầu Đức đặt ra ban đầu khi mở Học viện, chứ không phải “nâng cấp V-League hay đoạt vàng SEA Games”.
Năm 2007, tổng tài sản (bao gồm chủ yếu là quỹ đất và nhân sự) mà bầu Đức bỏ ra làm cổ đông chính mở Học viện HAGL Arsenal JMG rơi vào khoảng 3,5 – 4 triệu USD, bằng với chính số tiền mà Buriram United đề nghị mua đứt Công Phượng lúc này. Chỉ có dại, có chơi ngông mới không bán Phượng qua Thái.
Theo bạn, vụ này CLB Buriram United hay là HAGL “đùa”? Vì tin đồn thì... đâu mất tiền mua!
Tùy Phong
Tags