(Thethaovanhoa.vn) - Hai ngày sau tuyên bố của Phó Chủ tịch UBND Quận 1 Đoàn Ngọc Hải: "Nếu không làm được tôi sẽ cởi áo về vườn không làm nữa chứ không làm theo phong trào, đánh trống bỏ dùi để nổi tiếng”, một cuộc ra quân rầm rộ do “tư lệnh Hải” trực tiếp chỉ huy, thực sự gây rúng động không chỉ dân buôn bán các vỉa hè ở quận 1.
- Ông Vương Bích Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT: 'Trọng tài đúng là khâu yếu kém của V.League'
- Lịch TRỰC TIẾP vòng 8 Toyota V.League 2017
- Lịch TRỰC TIẾP vòng 7 Toyota V.League 2017
Thế nên, cũng chỉ mấy ngày, biết bao hiệu ứng ngược xuôi về đoàn công tác của ông Hải. Cũng không ít người lo cho ông không chừng phải “cởi áo về vườn” thật, bởi đụng đến vỉa hè là đụng đến thành lũy kiên cố của một hệ thống trùng trùng, lớp lớp các thành phần đang hưởng lợi từ vỉa hè…
… Một nền tảng cái gọi là văn hóa vỉa hè đã thâm căn cố đế. Đó là các hộ dân. Đó là các hàng rong, các cá nhân tự lấn chiếm. Căng hơn là còn các tổ chức, hội, sở…. cũng cơi nới, lấn chiếm. Vỉa hè thực sự là tấc đất tấc vàng, nên mới có chuyện thạc sỹ không xin được việc, mở quán trà đá, bán vặt tháng thu nhập dăm chục triệu là có.
Sao mà thấy ông Hải cô đơn thế. Sao không nhiều lãnh đạo các Quận (ở TP.HCM) và ở cả nước quyết liệt với nạn xâm chiếm vỉa hè như Quận 1.
Dư luận cũng nhiều người hoài nghi, bảo ông Hải thích “thể hiện”. Có cả những lời cay nghiệt, thậm chí truyền thông cũng không phải đơn vị nào cũng ủng hộ ông Hải. Công văn của đại diện một tờ báo phía Nam đề nghị ông Hải sắp xếp buổi tiếp xúc, giải trình về đồng hồ, điện thoại cá nhân, đã bị xử lý, nhưng thực sự vẫn còn làm đau lòng không ít phóng viên tử tế.
Chắc chắn những ngày tới, ông Hải và tổ công tác còn gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi muốn giải quyết rốt ráo cần cả một hệ thống ủng hộ, vào cuộc nhịp nhàng. Cần có một cơ chế giám sát đồng bộ, thường trực để tránh tổ công tác đi rồi thì mọi chuyện lại trở về xuất phát. Ai cũng biết để vỉa hè bị lấn chiếm là cả một sự cộng sinh phức tạp.
Và tôi còn e ngại một điều, giả như ông Hải làm được chuyện tuyệt vời cho các vỉa hè Quận 1, liệu hết nhiệm kỳ của ông, sự tuyệt vời đó còn tồn tại?
Đến đây lại nghĩ đến bóng đá, nghĩ đến con đường V-League. 17 năm qua, con đường Vi- Lít, ai cũng muốn vỉa hè thông thoáng, là đại lộ thênh thang như tên gọi mĩ miều. vậy mà, con đường này càng ngày càng bị bít lại, bởi chính người tạo ra cuộc chơi và chủ thể cuộc chơi, một hệ thống nhiều tầng, nhiều lớp ai cũng nhăm nhăm bảo vệ cái phần vỉa hè của mình, biến nó thành một lãnh địa đầu cơ mà không nghĩ đến lợi ích chung.Hôm qua, trao đổi điện thoại gần tiếng đồng hồ với ông Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng, đụng chạm mọi tồn tại của VFF, VPF, giải chuyên nghiệp, cũng có thể chia sẻ những nỗi niềm khó nói của của ông Tổng cục trưởng. Tổng cục và Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch không dễ dàng trong việc quản lý về mặt nhà nước với đứa con cưng bóng đá, vốn đang lỗi hệ thống. Cho dù tư lệnh ngành thể thao có cứng rắn đến mấy, buộc những tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động bóng đá phải chấn chỉnh, thì nói thẳng là chẳng biết phải chấn chỉnh từ đâu? Từ VFF, VPF, CLB hay… từ khán giả.
Mà đúng là như thế thật. Ví dụ: các CLB luôn kêu ca trọng tài, nhưng chính họ (đại diện là Ủy viên BCH VFF) lại bỏ phiếu giữ rịt ông Nguyễn Văn Mùi làm Trưởng ban trọng tài, dù Thường trực VFF không ít vị cũng muốn chọn người khác. Vòng đấu nào họ cũng quậy trọng tài tới bến. Bao nhiêu lần đại hội, hội nghị quan trọng thì các Ủy viên BCH lại thường biến thành “nghị gật”.
Con đường Vi-Lít do đó chẳng lạ biến thành “con đường đau khổ”, nơi người ta cứ đi mà chẳng bao giờ biết cái đích ở đâu, trong khi hai bên đường đang ngày càng bị chính những người trong cuộc lấn chiếm, tham gia giao thông nhốn nháo, bất chấp luật chơi.
Cuộc sống thế nào, bóng đá thế đó! Đành chép miệng văn minh đô thị hay văn minh bóng đá cũng cần phải có thêm thời gian. Vẫn cần phải có thêm những người ít ra truyền chút cảm hứng, như ông Hải Quận 1.
Hữu Quý
Thể thao & Văn hóa
Tags