(TT&VH) - “Theo tôi đây là một động thái tích cực, bởi vì trong quá trình phát triển của truyền thông thể thao bây giờ thì người ta chưa tiên lượng được nó sẽ phát triển theo hướng thế nào và theo mức độ nào. Vì vậy, việc ký kết 20 năm của LĐBĐ và một số Liên đoàn thể thao khác tuy là nó không trái pháp luật nhưng không hợp lý.
>>>Bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa
Trong tiến trình phát triển hiện nay, ngay cả thể thao VN người ta không dự báo được là sẽ phát triển đạt được mức độ như thế nào. Trong chiến lược phát triển chung của thể thao VN người ta mới chỉ dự báo được là tập trung vào đâu chứ chưa xác định chính xác mức độ đạt được cụ thể.
Lấy ngay như bóng đá, trong tầm nhìn chiếc lược đến năm 2020, người ta xác định VN sẽ nằm trong tốp 10 châu Á, vượt qua vòng loại giải VĐTG. 10 năm trước bóng đá VN cũng đã đề ra tầm nhìn chiến lược, 10 năm sau vẫn phải xác định. Bây giờ, nếu hỏi các chuyên gia bóng đá, chắc gì ĐTVN đã thi đấu tốt hơn 10 năm trước.
Theo tôi, hiện nay truyền thông quốc tế đang lấn át truyền thông trong nước, tức là lấy các sự kiện thể thao quốc tế để phân tích, bình luận và giải trí, chiếm thời lượng lớn. Thời lượng dành cho thể thao trong nước ít có một nguyên nhân khách quan là chất lượng các cuộc thi đấu thấp, hoạt động thể thao quốc tế tại VN ít, người hâm mộ ít quan tâm nên giới truyền thông VN không hứng thú lắm.
Nếu một võ sỹ hạng nặng chuyên nghiệp đến VN thi đấu thì việc bán bản quyền dễ hơn là võ sỹ làng nhàng chả ai muốn xem. Một đội bóng nổi tiếng như Brazil, Barcelona hay Manchester Unied… thi đấu tại VN lúc đó không phải ai muốn truyền thì truyền.
Chất lượng cuộc thi đấu thể thao quyết định việc truyền hay không và chất lượng các giải đấu trong 20 năm tới là không thể tiên liệu, vì vậy việc bán bản quyền thời hạn 20 năm tôi nghĩ là không hợp lý, cho dù nó hợp pháp. Bây giờ, các bên bàn lại với nhau đó là dấu hiệu tích cực và nó không bị trói buộc bởi bản hợp đồng 20 năm.
Nếu nhìn một cách khách quan đây là sự chủ động tích cực của AVG. AVG đang nắm quyền đã được ký kết còn VPF đã kiện rồi mà không được. Nếu tiếp tục kiện nhau phần thắng chắc thuộc về AVG bởi vì không có quy định pháp luật nào nói rằng như vậy là không hợp pháp.
Vậy mà người ta (AVG-PV) chủ động nhường 60- 70% quyền cho các cơ quan truyền thông khác, chỉ giữ lại cho mình 30% là một xu hướng tích cực và giờ chuyển giao toàn bộ, không duy trì hợp đồng thương quyền.
Đó là tín hiệu tích cực, thiện chí trên cơ sở nhận thức quy luật phát triển. Nếu như khư khư giữ thì các anh khác cũng không làm được gì. Họ làm như thế có thể nói là vì mục đích chung, không cố gắng co kéo dài thêm nữa, nhất là sau khi có kết luận của Bộ VH-TT&DL.
Vấn đề còn lại là những người giờ nắm quyền tổ chức, thương quyền giải đấu (VPF) sẽ có thái độ như thế nào với AVG, nó thể hiện văn hóa ứng xử, quan hệ. ..
Tôi không phải là chuyên gia kinh tế nên không rành về vấn đề dự báo con số lợi nhuận. Nhưng khi nào chất lượng các giải đấu đỉnh cao được cải thiện thì mới có khả năng bán được thương quyền với giá cao.
Nếu khán giả không thích, không đến xem thì các cơ quan truyền thông sẽ chẳng lăn vào để mua thương quyền các giải đấu với giá cao để làm gì, báo chí và các cơ quan truyền thông với trách nhiệm của mình thì phải truyền hình thôi.
Có thể các ông bầu có tiếng tăm và mối quan hệ của họ thì sẽ bán được với cái giá nào đó nhưng nói chung, chỉ khi nào các giải đấu thực sự có chất lượng tốt thì mới nên nghĩ đến việc bán thương quyền với giá cao”.
Thành Đạt (ghi)