(Thethaovanhoa.vn) - Thật khó tin, khi chỉ vài ngày sau trận thảm bại 0-5 ở Hàng Đẫy trong khuôn khổ trận đấu bù vòng 2 V-League 2018 với Hà Nội FC, “đám trẻ nhà bầu Đức” lại có thể quật ngã Than Quảng Ninh bằng với tỷ số tương tự tại vòng loại Cúp Quốc gia 2018.
- Bầu Đức tính cửa cho HAGL thi đấu nước ngoài, VFF không can thiệp chia thưởng U23 Việt Nam
- Bầu Đức và chuyện dạy cầu thủ...
- HAGL, bi kịch cái đẹp hay sự bất lực của bầu Đức
Về lực, nếu Hà Nội FC 10 thì Than Quảng Ninh cũng 8-9, chứ không kém cạnh bao nhiêu. HAGL cơ bản cũng không phải đội bóng yếu, ở mùa thứ 4, Công Phượng và đồng đội chinh chiến V-League, nhưng về chiến trận và về độ quái chiêu, họ khó thể so với 2 đối thủ mà mình gặp trong vòng mấy ngày. Đấy là chưa kể đến sự yếm thế trên cabin BHL, khi chánh tướng Phan Thanh Hùng được toàn quyền quyết định chuyên môn, so với sự phân vai khá chồng chéo ở khu kỹ thuật HAGL.
Nhưng, bóng đá vốn không mang tính chất bắc cầu như toán học. Vả lại, có lẽ tính chất một trận đấu - giải đấu Cúp Quốc gia, không giống với V-League. Nhìn vào sự chuẩn bị, cũng như đội hình xuất phát và cách mà Than Quảng Ninh chơi bóng, rõ ràng họ không mặn mà với mặt trận mà đội bóng vùng Mỏ từng lên ngôi dưới thời ông Hùng.
Ở chiều ngược lại, HAGL từng rất khát khao Cúp Quốc gia - giải đấu, danh hiệu bị cho là hạng 2, bỏ thì thương mà vương thì tội, trong nhiều năm. Kể từ sau lần cuối cùng vô địch V-League 2004, đội bóng phố Núi đã không thể chạm vào bất cứ danh hiệu lớn nào và họ khát khao một chiếc Cúp đôi khi chỉ để "giải đen". Và thực tế, đã có mùa giải, đội bóng của bầu Đức ở rất gần với chiếc Cúp Quốc gia, nhưng rốt cuộc tay trắng vẫn hoàn trắng tay. Thắng Than Quảng Ninh tới 5 bàn, nhưng nên nhớ đây mới là vòng loại.
Trong gần 15 năm ở phố Núi, có quá nhiều bất ổn trong công tác điều hành, hoạch định chiến lược ở thượng tầng. Người trong cuộc không phải không nhận ra điều này, tuy nhiên, họ không sẵn sàng để thay đổi, dù tình hình tệ đến mức cần phải đưa ra những quyết định từ rất lâu rồi. Đội ngũ làm kỹ thuật, tức BHL không phải lúc này cũng được làm đúng và hết chức năng của mình, họ luôn phải nhìn trước ngó sau và sợ bị... méch anh Ba, sợ mất việc!
Từ ông chủ Đoàn Nguyên Đức và thuộc cấp của ông, xin nói thẳng, khá mù mờ về chuyên môn. Việc này diễn ra suốt nhiều năm, khi công việc quản lý và sự tin tưởng những cộng sự dưới quyền, dường như là những khái niệm tách biệt, không có mối quan hệ hữu cơ nào, dẫn đến tình cảnh bi đát cho đội bóng từng sở hữu cả Thonglao, Lee Nguyễn và lúc này là thế hệ Công Phượng, Xuân Trường…, đầy tài năng.
Vụ nóng vội ra quyết định kỷ luật một cầu thủ trẻ sau một tình huống phạm lỗi rất bóng đá, đã cho thấy những hạn chế của bầu Đức và các cánh tay nối dài của ông. Tất nhiên, không tính tới khả năng HAGL làm “thương hiệu” bằng một con tốt thí.
Ông Đức là người yêu bóng đá và hết mình vì bóng đá, nhưng khi say đòn, ông dường như thường không tỉnh táo. “Thần thiêng nhờ bộ hạ”, những lúc ấy ông cần bộ phận tham mưu tốt, thì đổi lại bầu Đức chỉ được nghe các báo cáo và chờ ý kiến của ông để hành động ở bước tiếp theo. Có quá ít (nếu không muốn nói là không) những phản biện ở Hàm Rồng và Pleiku. Từ chính bài học xương máu của bản thân, mà có thể bầu Đức đã công khai - ra mặt, chống lại sự chuyên quyền - tức tập trung quyền lực, ở VFF, mà một trong số đó là ứng viên Phó chủ tịch tài chính Trần Anh Tú.
VFF sau Đại hội khóa VIII, có thể vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”, nhưng nếu không muốn tình hình tệ hơn, hãy nhìn vào bầu Đức, vào những gì diễn ra ở phố Núi suốt hơn một thập niên qua, mà tham khảo.
Tùy Phong
Tags