(Thethaovanhoa.vn) - U21 TP.HCM đã chơi những trận đấu rất ấn tượng, xong cuối cùng chỉ về thứ 3 đồng hạng với Bình Định. Cũng như bóng đá TP.HCM, họ đã chơi rất hay tại giải hạng Nhất 2015, nhưng lại bị từ chối cơ hội thăng hạng, vì nhiều lý do, trong đó những người trong cuộc đang lý giải theo khuynh hướng khá duy tâm…
- Bóng đá TP.HCM: Mãi xa thời hoàng kim?
- Bóng đá TP.HCM: Bao giờ cho tới ngày xưa?
- Bóng đá TP.HCM chờ đợi gì ở tương lai?
Thực ra, trong bóng đá, không đội nào không duy tâm. Đấy là vấn đề vô cùng khó lý giải, chỉ biết rằng việc cúng bái, đi lễ, dâng sao giải hạn… như là thủ tục tất yếu của các đội.
Cũng đã có nhiều giai thoại liên quan đến một số CLB bị “bóng đè”. Như bóng đá TT- Huế luôn gắn với giai thoại cô người yêu của cựu thủ môn Quý Tâm Anh (tự Bí) bị phụ tình tự tử chết, đã theo ám đội bóng cố đô không thể ngóc lên nổi.
Gần đây, người Đà Nẵng xì xào sân Chi Lăng, di tích lịch sử, biểu tượng văn hóa bị bán cho một tập đoàn, nên ông chủ doanh nghiệp này thân bại, danh liệt, thành tích đội đi xuống, không ít người liên quan đang tiếp tục bị “vật”!
Nói chung là phức tạp.
1. Trở lại câu chuyện bóng đá Sài Gòn, nhiều người cũng cho rằng đang bị “ám”!
Không “ám” sao từ ngày V-League ra đời, bóng đá thành phố lớn nhất nước quá nhiều xáo trộn nội tình, từ biểu tượng cũ lẫn mới giải tán hết, khán giả lẫn lãnh đạo thành phố đều chán nản, không còn muốn quan tâm. Đến như ông Lê Hùng Dũng, thời còn “thét ra lửa” với vị trí Chủ tịch HĐQT Eximbank kiêm Chủ tịch HFF, cũng không cách nào đưa bóng đá Sài Gòn thoát hiểm, đành phải tính đường ra làm Chủ tịch VFF.
Cho đến lúc này, người ta không hiểu tại sao và như thế nào, bóng đá tại thành phố lớn bậc nhất nước lại không thu hút được nguồn lực đầu tư. Khoảng 3-5 năm đổ lại, chỉ toàn là các đội bóng nhập cư, mang đến cho TP.HCM suất chơi V-League. Từ N.Sài Gòn đến XMXT.Sài Gòn, đều không phải sản phẩm của bóng đá TP.HCM. Họ đến rồi đi mà không có mảy may sự bận tâm nào. Cơ bản cái gì có lợi thì làm.
TP.HCM trên thực tế, kể từ sau khi TMN.CSG thoái lui, vẫn duy trì các tuyến trẻ ở Năng khiếu Nghiệp vụ TDTT. Tuy nhiên, việc không tìm được đầu ra khiến động lực trong huấn luyện cũng như tập luyện giảm đáng kể. Trước đó, chất lượng đầu vào cho đội ngũ HLV cũng như cầu thủ trẻ cũng khó đảm bảo khi chế độ quá thấp. Bóng đá TP.HCM đi xuống có hệ thống và sự xuất hiện của lò PVF không giải quyết được vấn đề.
Rất nhiều những điều khó hiểu, bất cập, khiến nhiều người cho rằng, TP.HCM không thể trở lại làm cái nôi một thời của bóng đá cả nước. Hy vọng, TP.HCM sẽ hoàn thành chỉ tiêu thăng hạng V-League 2017, để ít nhất tìm được đầu ra cho bóng đá địa phương, hoặc nữa, để người hâm mộ bóng đá Sài Gòn có điểm đến mỗi cuối tuần.
2. Trước VCK U21 QG năm nay, HLV Phùng Thanh Phương của U21 TP.HCM chia sẻ với P.V Thể thao & Văn hoá về một thông tin khá… “rùng mình”: “Cầu thủ cảm giác như không thể thở được khi tập luyện bởi đêm trước bị "bóng đè". Tôi không thể hiểu nổi tại sao họ không tải nổi các bài tập rất nhẹ, cho đến trước khi họ nói với tôi là cả đêm trước đó không ngủ được vì như bị ám".
Thực ra, đây không phải điều mới mẻ gì với bóng đá TP.HCM và các đội bóng từng có thời gian đóng quân ở tầng hầm khán đài B.
Mùa giải hạng Nhất 2015, học trò cũng đã báo với HLV Phùng Thanh Phương về chỗ ở có vấn đề, nhưng HLV trẻ họ Phùng không nghĩ điều đó quá quan trọng. Nhưng sự thật là, cầu thủ luôn bị ám ảnh, bởi tầng hầm khán đài B sân Thống Nhất không chỉ là nơi ở của bóng đá nam.
HLV Phùng Thanh Phương đã nhiều lần cúng sân, cúng phòng và cúng nơi ở, nhưng vẫn chưa “giải được hạn”.
Chưa ai lý giải được chuyện tâm linh trong bóng đá, nhưng về cơ bản thành bại vẫn do con người. TPHCM có giai thoại “con ma nhà họ Hứa”, và bóng đá thành phố này thì “ma hứa” (trong đó có không ít nhà tài trợ) hơi bị nhiều, nên bê bết có gì lạ đâu.
Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa
Tags