(Thethaovanhoa.vn) -
- 'Đội khác trả cho HLV Park Hang Seo 10, VFF phải trả cho ông ấy 7-8 phần'
- VFF nên sớm tăng lương và gia hạn hợp đồng với HLV Park Hang Seo
- HLV Park Hang Seo tuân thủ hợp đồng với VFF, Triều Tiên mang đội hình 'khủng' đấu Việt Nam
Tất cả đều không tự nhiên đến, nó là sự tích luỹ, những tính toán và một kế hoạch chuẩn bị nghiêm túc của thầy trò HLV Park Hang Seo. Nhưng sau tất cả, liệu bóng đá Việt Nam có phát huy được cái thành công đó?
Thực ra, giai đoạn 2007-2009, bóng đá Việt Nam thậm chí đã gặt hái những thành công không thua gì năm 2018, nếu không muốn nói là còn cao hơn. Đấy là suất chơi tứ kết lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử AFC ASIAN Cup của đội tuyển Việt Nam; Là lọt vào Vòng loại thứ 3 Olympic Bắc Kinh với Olympic Việt Nam và đỉnh điểm là ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008. Ở cấp CLB, B.Bình Dương cũng đã chạm tới cột mốc cao nhất khi vào đến bán kết AFC Cup 2009. Đây cũng là giai đoạn đỉnh cao của V-League.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao và như thế nào, nền bóng đá không thể tiếp đà từ thành công 10 năm trước, để đến bây giờ mới làm lại từ đầu, ít nhất là ở tầm các đội tuyển quốc gia. Không khó để tìm ra câu trả lời - Có rất ít chiến lược mang tầm vĩ mô, kế thừa, ngoài ra là nhỏ lẻ, tự phát.
Năm 2007, bầu Đức quyết xây dựng Học viện bóng đá, nhưng mục tiêu ban đầu là để bán chứ không phải dùng ngay, kiểu gặt lúa non. Không lâu sau khi Học viện HAGL-Arsenal JMG đi vào hoạt động, đến sự xuất hiện của Quỹ đầu tư phát triển tài năng bóng đá PVF, rồi Viettel, Hà Nội T&T... Mỗi trung tâm mỗi vẻ, nhưng thành công của bóng đá Việt Nam cấp độ đội tuyển trong 1-2 năm gần đây, chính là những gặt hái từ sự đầu tư của các lò đào tạo này từ 10 năm trước. Có gieo trồng, chăm sóc, mới có gặt hái.
Bóng đá và sự phát triển liên tục không đơn giản như cách chúng ta... chém gió. Sau giai đoạn 2007-2009, chúng ta “hẫng chân” là bởi không sẵn một đôi lứa kế thừa thế hệ đã lên ngôi vô địch Đông Nam Á hay vào tứ kết giải châu Á khi ấy. Lứa cầu thủ 87-91, với Phan Thanh Hưng, Thành Lương, Trọng Hoàng, Văn Quyết, Minh Tuấn..., tài năng có nhưng không đều, lại rơi vào đúng giai đoạn khủng hoảng cabin huấn luyện, với liên tiếp các cuộc bể dâu từ Calisto, đến Falko Goetz, Thanh Hùng, Văn Phúc, Miura, Hữu Thắng...
Ngoài Lương “dị” phát tiết sớm và thành công, số còn lại không mấy bén duyên ở tầm đội tuyển, vì cả những lý do khách quan và chủ quan. Nhưng về cơ bản, những gương mặt ưu tú được gửi lên từ CLB, chỉ là nhỏ lẻ, mỗi người một phách, thi thoảng lại “lỗi nhịp”.
Trở lại với năm 2018 đại cát của nền bóng đá, chúng ta hoàn toàn có thể sẽ lại giẫm lên lối mòn như 10 năm qua, nếu không chuẩn bị sẵn các bước tiếp theo kế thừa, mà chỉ tập trung tận thu, thậm chí “hớt váng”. Chúng tôi đã đặt vấn đề này với một vài cấp quản lý và làm bóng đá, họ cũng không tin là sẽ có lứa cầu thủ nào tốt hơn lứa hiện tại. Mặc dù vậy, đầu tư phát triển đào tạo trẻ, cũng như hệ thống các giải quốc gia phải liên tục, không thể ngắt quãng.
Tương lai thuộc về người trẻ, thì rõ rồi, nhưng không phải cứ trẻ là thành công, là gợi mở. Các đội tuyển quốc gia Việt Nam đã và đang được trẻ hoá, cũng là bởi những người làm chuyên môn đã đánh giá được năng lực của thế hệ trước đó. Không có lứa nào tốt hơn những Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức... Tại V-League, giải đấu quyết định chất lượng đầu ra cho các đội tuyển quốc gia, những người trẻ tốt nhất cũng chỉ tập trung ở CLB Hà Nội và HAGL, một số nhỏ lẻ khác ở SLNA. Đây cũng là những CLB tốt nhất Việt Nam lúc này.
Tùy Phong