(Thethaovanhoa.vn) - Theo chuyên gia bóng đá Nguyễn Thành Vinh, đã từ lâu chức danh Giám đốc kĩ thuật không có nhiều vai trò thực sự cũng như tầm ảnh hưởng đối với bóng đá Việt Nam.
Ông Jurgen Gede chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc kỹ thuật của VFF từ tháng 6/2016 với bản hợp đồng có thời hạn 2 năm. Sau đó, ông tiếp tục được gia hạn hợp đồng thêm 2 năm nữa, từ tháng 6/2018 đến tháng 6/2020.
Trước thông tin VFF sẽ không gia hạn với GĐKT Gede sau khi hợp đồng giữa 2 bên sẽ đáo hạn vào cuối tháng 6 năm 2020, cựu HLV SLNA Nguyễn Thành Vinh tỏ ra không bất ngờ.
Chuyên gia Nguyễn Thành Vinh nói: "Chuyện VFF và GĐKT Gede chấm dứt hợp đồng là điều đã được dự báo từ trước. Ở khoảng thời gian gần đây, dấu ấn của GĐKT Gede rất mờ nhạt.
Ở thời kỳ GĐKT Gede kết hợp với cựu HLV trưởng U19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn để giúp bóng đá Việt Nam giành vé dự VCK U20 FIFA World Cup 2017, ông Gede thực sự có vai trò và tầm ảnh hưởng rất lớn. Đó là lý do giải thích vì sao, HLV Hoàng Anh Tuấn đã có những đánh giá rất cao về kinh nghiệm và chuyên môn của ông Gede.
HLV người Đức này từng có thời gian dài gắn bó với bóng đá châu Á nên đương nhiên ông ta có những hiểu biết và đưa ra những đánh giá xác đáng về những đối thủ của bóng đá Việt Nam. Đó là cái tài và nét đặc biệt của ông Gede. Vì thế, Gede được biết đến nhiều với vai trò như một "trinh sát" nhận định các đối thủ".
Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, ông không bình luận về sự kết hợp giữa HLV Park Hang Seo và GĐKT Gede: "Như tôi đã nói ở trên, môi trường bóng đá Việt Nam vẫn chưa cụ thể hóa một cách tỉ mỉ vai trò và nhiệm vụ của một GĐKT. Vì thế, nên tôi không thể bình luận vai trò của GĐKT Gede trong những thành công của bóng đá Việt dưới thời HLV Park Hang Seo".
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, ở môi trường bóng đá Việt Nam trong quá khứ và hiện tại, chức danh GĐKT rất mơ hồ về ý nghĩa: "Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam cũng từng chào đón những vị GĐKT người Đức được nước bạn cử sang hỗ trợ.
Tuy nhiên, hầu hết những chuyên gia này chỉ đảm nhận ở các cấp độ trẻ. Còn ở những cấp độ cao hơn, GĐKT không để lại nhiều dấu ấn trong công tác huấn luyện hay chuyên môn. Có thể, giữa các bên không có những định nghĩa, yêu cầu công việc một cách rõ ràng, mạch lạc.
Chính vì thế, nhiều lúc GĐKT cũng loay hoay không biết mình phải làm gì, làm thế nào rồi hạn mức, trách nhiệm trong công việc của mình tới đâu để không lấn sân sang phần HLV trưởng.
Ở môi trường bóng đá phát triển, chức danh GĐKT rất quan trọng. GĐKT không chỉ là người có thể lập ra những chiến lược phát triển cho CLB mà họ còn có tiếng nói trong các khâu đào tạo trẻ lẫn chuyển nhượng của đội bóng...
Còn ở môi trường CLB, các đội bóng của Việt Nam cũng đã có những chức danh GĐKT nhưng theo tôi, nó chỉ mang tính hình thức là chính chứ chưa thể hiện được đúng vai trò và trách nhiệm trong công việc.
Tôi cũng rất hy vọng, trong thời gian tới, các đội bóng sẽ tìm được đúng những người và tạo điều kiện một cách tối đa để chức danh GĐKT phát huy được hết khả năng của mình".
Mạnh Đức
Tags