Ở những ngày chuyển giao năm cũ 2024 và năm mới 2025, đội tuyển Việt Nam đang đi từng bước suôn sẻ đến cái đích cuối cùng: Vô địch tại ASEAN Cup 2024. Ngôi vương giải này nếu giành được sẽ giúp bóng đá Việt Nam nguôi ngoai "nốt trầm" trong chừng 2 năm qua khi kết quả các giải đấu không như ý. Hơn thế, sẽ tạo ra xung lực mới để tính chuyện đi tiếp tương lai.
Lứa trẻ U17 giành vé dự VCK U17 châu Á 2025 như "đốm lửa" sáng nhất năm 2024 trong bối cảnh bóng đá trẻ nước nhà có dấu hiệu "hụt hơi" gần đây. Tấm vé đó đảm bảo cho lứa U17 dự giải châu Á, đồng thời mở ra cơ hội đi U17 World Cup. Điều đó cũng đồng nghĩa lứa cầu thủ này sẽ được chơi, được trải nghiệm ở các sân chơi hàng đầu của lứa tuổi ở cấp độ thế giới.
Đội tuyển futsal nam Việt Nam thất bại trong nỗ lực lần thứ 3 liên tiếp giành vé tham dự World Cup khi để thua tại giải Futsal châu Á 2024. Trong khi đó, đội tuyển futsal nữ sau một thời gian không thi đấu quốc tế đã trở lại với những kết quả ấn tượng. Thầy trò HLV Nguyễn Đình Hoàng đã giành ngôi á quân giải giao hữu ở Trung Quốc, vô địch giải giao hữu ở Thái Lan và đặc biệt là danh hiệu vô địch giải futsal nữ Đông Nam Á 2024.
Ngược lại, trong năm 2024, bóng đá Việt Nam không thể tiếp tục hành trình tại vòng loại World Cup 2026 khu vực châu Á. Chính điều này cho thấy bóng đá Việt Nam đã đi đến "giới hạn" cuối cùng cho một chu kỳ phát triển. Chúng ta chưa thể "đi xa" như mong muốn nên bây giờ tính chuyện "đi gần" cho những mục tiêu trước mắt. Làm sao để "vượt ngưỡng" trong thời gian đến là câu hỏi không dễ để trả lời.
Năm 2024 cũng đã đánh dấu mạnh mẽ nhất những chuyển giao trên nhiều phương diện của đội tuyển Việt Nam. Sau khi chia tay HLV PhilippeTroussier, bóng đá Việt nam "bén duyên " cùng nhà cầm quân người Hàn Quốc Kim Sang Sik.
Đã bắt đầu nhìn thấy một giai đoạn phát triển mới khi HLV Kim Sang Sik đồng hành, bắt tay thực hiện những "cải tổ" theo tư duy, quan điểm của mình. Cả ĐTQG lẫn U23 đều có biến động trong bối cảnh giao thời của các thế hệ cầu thủ đan xen. Hy vọng ASEAN Cup 2024 sẽ như bước ngoặt để bóng đá Việt Nam trở lại mạnh mẽ.
Trong năm 2024, đội tuyển nữ Việt Nam không phải thi đấu các giải chính thức nhưng lại có nhiệm vụ quan trọng đó là củng cố lực lượng chuẩn bị cho năm 2025 với SEA Games 33, giải vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á và vòng loại châu Á 2026.
Vấn đề của bóng đá nữ hiện nay được chỉ ra không nằm ở vị trí HLV trưởng khi tìm người gánh trọng trách của "tướng già" Mai Đức Chung mà còn ở việc thúc đẩy nhanh hơn, sâu rộng hơn phong trào bóng đá nữ.
Ở đó, đội tuyển nữ phải được trải nghiệm, cọ xát nhiều hơn nữa ở các chuyến tập huấn châu Âu. Đồng thời, tăng chế độ đãi ngộ cho nữ cầu thủ; phát động phong trào bóng đá nữ ở các địa phương, mở các trung tâm đào tạo trẻ. Đấy là lộ trình lâu dài mà bóng đá Việt Nam phải vun đắp, khai mở thì mới hy vọng tiếp cận được trình độ thế giới.
Những thăng trầm trong năm 2024 sẽ giúp bóng đá Việt Nam nhận diện rõ hơn chỗ đứng của mình để tính đường phát triển tiếp theo. Đến đây, câu hỏi đặt ra là làm sao để bóng đá Việt Nam vươn lên mạnh mẽ bằng sự ổn định của đẳng cấp là rất khó.
Nó đòi hỏi phải duy trì nhịp độ ổn định ở nền tảng bao gồm công tác đào tạo trẻ; hệ thống giải chuyên nghiệp; chiến lược phát triển vĩ mô. Nền tảng của các đội tuyển quốc gia luôn nằm ở hệ thống các giải đấu chuyên nghiệp. Vì thế, chúng ta phải từng bước cải tổ mạnh mẽ V-League, qua đó nâng tầm cả nền bóng đá nước nhà.
Khép lại năm 2024 nhiều biến động, người hâm mộ kỳ vọng bóng đá nước nhà sẽ vượt "giới hạn" trong năm 2025 bận rộn với những giải đấu quan trọng.
Tags