(Thethaovanhoa.vn) - Tyrell Cameron; Ben Hamm; Evan Murray và Kenney Bùi. Với nhiều người, đó chỉ là những cái tên, nhưng với một số khác, đó là những người bất hạnh. Những người con mãi mãi đi xa khỏi gia đình của họ. Trong 30 ngày, 4 cầu thủ bóng đá Mỹ (America football) đã chết trên sân.
Cổ của Cameron bị gẫy sau một cú sút. Hamm dính một chấn thương đầu sau pha vào bóng và qua đời ngay sau khi phẫu thuật. Murray ngã gục trên sân vì va chạm với một cầu thủ đối phương, được cấp cứu nhưng không thể qua khỏi vì mất máu quá nhiều. Kenney Bùi, cầu thủ gốc Việt, sau cú va chạm đầu tháng 9, qua đời vào ngày 5/10. Nguyên nhân cái chết: Chấn động não vì va chạm mạnh.
Từ những con số
Theo Trung tâm nghiên cứu các chấn thương thể thao của Mỹ (NCCSIR), có 5 cầu thủ bóng đá đã qua đời vào năm 2014. Cameron, Hamm, Murray và Kenney Bùi là 4 trường hợp tử nạn gần nhất trong năm 2015. 20 năm qua, 74 học sinh trung học Mỹ chết vì bóng đá. Số cầu thủ chấn thương trong thời gian này lên tới 412, với nguyên nhân chủ yếu là những va chạm đầu thê thảm.
Cứ mỗi khi các sân bóng đá trung học Mỹ sáng đèn là gần như sẽ có chấn thương. Từ năm 1982, khi NCCSIR bắt đầu xây dựng kho dữ liệu của mình, trung bình 3,8 cầu thủ bóng đá Mỹ chết mỗi năm. Từ năm 1990 đến 1994, không có cầu thủ nào chết vì chấn thương, nhưng vào năm 1986, 11 người đã qua đời. Đó cũng là lần duy nhất số cầu thủ chết vượt qua 2 chữ số.
Những cái chết khiến các bậc phụ huynh sợ hãi đến mức cấm con em chơi môn thể thao này. Số lượng cầu thủ bóng đá Mỹ bậc trung học đang giảm không phanh. Có 7.484 cầu thủ sinh viên tại Idaho đang chơi bóng đá, theo thống kê của Hiệp hội các trường trung học Mỹ từ năm 2014, ít hơn 801 người so với năm 2008. Ở Texas, nơi được coi là thủ đô của bóng đá Mỹ, số lượng sinh viên tham giacũng giảm: Năm 2014, có 167.429 sinh viên, giảm 4.567 so với năm 2010.
Tổng cộng số cầu thủ chơi chơi bóng đá trên toàn nước Mỹ vào năm 2014 là 1.083.617, giảm 55 ngàn so với năm 2008. Những cái chết gióng lên hồi chuông báo động và các trường trung học không muốn mạo hiểm. Trường Maplewood Richmond ở Missouri đã đóng cửa hoàn toàn với môn thể thao này. Trường Camdern Hills ở Maine hủy toàn bộ chương trình học bóng đá sau các chấn thương liên tiếp với sinh. Các vùng phía Nam Idaho và trường trung học Sho-Ban ở Fort Hall đã không có cầu thủ chơi bóng đá trong suốt 3 năm qua.
Bố mẹ ép con cái từ bỏ giấc mơ
Michael Dredge là một hậu vệ triển vọng của đội bóng trường trung học Madison tại Rexburg. Biết tài năng của anh, bạn bè và thầy cô rất khuyến khích Dredge theo đuổi bóng đá Mỹ. Mục tiêu của Dredge trong năm đầu tiên ở trường trung học là chứng tỏ khả năng với các thầy giáo, trước khi tìm đường đi lên đẳng cấp cao hơn, và có thể sẽ chơi chuyên nghiệp. Nhưng sau pha va chạm thứ ba vào năm ngoái, trong trận đấu ở trường Đại học Idaho, giấc mơ của Dredge tan vỡ. Anh phải giải nghệ dù“Tôi chơi khá giỏi”, Dredge nói. “Nhưng chấn thương khiến cơ hội kiếm học bổng thế là hết… Tôi không còn lựa chọn nào khác nữa”.
Tháng 12/2014, Dredge đã dính một chấn thương nặng khi gặp một đối thủ chơi bẩn đến ghê tởm. Anh mất hết khả năng nhận thức vì pha va chạm ấy và chỉ biết rằng mình đã bị gãy cổ. Sau tai nạn, bố mẹ của Dredge ra điều kiện cho con mình: Nếu còn dính một tai nạn tương tự nữa thì phải đoạn tuyệt với thể thao. Chấn thương ở trường Idaho chính là giới hạn cuối cùng mà ba mẹ của Dredge có thể chịu được. Bố của Michael, ông Matt Dredge, thỏa thuận với con trai và đưa ra quyết định khó khăn: Từ bỏ.
Còn với Kenney Bùi, cha của anh, ông Bùi Ngôn cũng không đồng ý khi con mình xin chơi bóng đá cho đội trường Evergreen, Washington. Giống Kenney, ông Ngôn cũng thích xem bóng đá Mỹ trên truyền hình. Vì thế, ông hiểu các cầu thủ phải chịu những chấn thương như thế nào. Kenney chỉ cao khoảng 1m72 và nặng 68kg, quá thấp bé để chơi môn thể thao đòi hỏi sức chịu đựng cao như thế này. Nhưng vợ ông đã giấu ông ký vào lá đơn định mệnh.
Ngày 4/9 năm nay, Kenney bị loại khỏi trận đấu do gặp một chấn thương nhẹ. Ông Ngôn, một lần nữa, nài nỉ con trai ngừng thi đấu. Ông dọa sẽ không ký vào tờ chứng nhận rằng chấn thương của Kenney đã bình phục. Ông chỉ cho Kenney thấy vụ một học sinh mới chết vì chơi bóng Mỹ. "Đấy, con thấy nó nguy hiểm thế nào chưa?", ông Ngôn nói với con, nhưng tiếc là quá muộn. Ngày 2/10, Kenney bị thương ở đầu trong trận đấu với Highline Pirates trên sân vận động Highline Memorial Field (thành phố Seattle, Washington). Khi hiệp đấu thứ tư chỉ còn hơn ba phút nữa, trong một nỗ lực truy cản, Kenney bị va chạm vào đầu. Tình trạng nghiêm trọng khiến cậu được đưa đến bệnh viện Harborview và lập tức được đưa lên bàn phẫu thuật, nhưng không qua khỏi.
Chơi bóng đá Mỹ nguy hiểm cho hộp sọ
Các chấn động ở vùng đầu, đặc biệt tại khu vực não bộ và hộp sọ rất thường xảy ra khi chơi bóng đá Mỹ. Các pha va chạm khủng khiếp với mật độ dày đặc trong suốt trận đấu. Các chấn thương kiểu này tác động đến các dây thần kinh não bộ, vốn là trung ương xử lý thông tin, rất mỏng và nhạy cảm.
Chấn thương ở vùng đầu dẫn tới một loạt triệu chứng bao gồm đau đầu, mẫn cảm với ánh sáng và âm thanh, mờ mắt, đôi khi ù tai, rối loạn đến mất phương hướng và có thể mất trí nhớ.
Caroline Faure, Giáo sư khoa học thể thao và thầy dạy thể dục ở Đại học bang Idaho nói rằng 2/3 các tai nạn trong bóng đá Mỹ dẫn tới chấn động não. “Môn thể thao này là một thứ văn hóa cho những anh chàng cứng cỏi”, Faure nói. “Thói ganh đua như một cơn nghiện và những người đam mê khó mà dứt ra được”.
Đây chính là thái độ nguy hiểm. Bởi nếu một VĐV tiếp tục thi đấu sau các triệu chứng chấn động não thì họ rất dễ chịu các hội chứng thần kinh tiếp theo, có thể dẫn tới tử vong. “Các chấn động tiếp theo gây áp lực rất mạnhlên sọ não”, Faure nói. “Những người chơi môn thể thao này phải cực kì thận trọng, nhất là với những học sinh trung học và lứa tuổi nhỏ hơn”.
Theo ông Faure, các HLV và bậc phụ huynh phải tìm hiểu kĩ quá trình tham gia của con em họ. Họ phải quyết định dừng khi cần thiết.
Trong khi một số cho rằng bóng đá Mỹ cần phải loại bỏ những va chạm nguy hiểm thì một số lại phản đối. HLV bóng đá ở trường trung học Century, Travis Hobson nói: “Tôi không chắc môn thể thao này liệu có duy trì luật lệ trong 20 năm nữa hay không. Người ta đang cố loại bỏ những rủi ro không cần thiết khỏi môn chơi, như những cú onside kick (một cầu thủ cố gắng sút bóng bổng lên cho một nhóm đồng đội lao vào giành giật, rất hay xảy ra va chạm mạnh), cú kickoff (thường mở đầu cho mỗi hiệp đấu (một trận đấu có 4 hiệp) khi một đội sút bóng thật mạnh về phía đội kia. Một cầu thủ của “đội nhận” cố gắng cầm bóng chạy đến cuối sân đối phương để ghi điểm)”. Hai pha bóng này là “đặc sản” của bóng đá Mỹ.
Thầy Travis Hobson cũng phản đối việc mặc bảo vệ ở phần dưới thắt lưng (hiện giờ có mũ bảo hiểm, ốp tai, mặt nạ, bộ che vai, ngực, ống chân, đầu gối và ngậm miếng cao su để bảo vệ răng, lưỡi) bởi “nó đi ngược lại với luật chơi ban đầu của môn thể nào này”.
Từ Kenny Bùi tới… Forrest Gump Luật chơi bóng bầu dục Mỹ (American Football) bắt nguồn từ môn bóng bầu dục (Rugby) ra đời trước tại Vương quốc Anh, vào thế kỷ 19, tuy nhiên có nhiều thay đổi về luật chơi và sân đấu. Ở Mỹ, chuyện học sinh trung học tập luyện bóng đá Mỹ để kiếm học bổng vào đại học rất phổ biến mà Kenney Bùi là 1 ví dụ. Trong phim Forrest Gump, nhân vật cùng tên (do Tom Hanks thủ vai) đã kiếm được suất học đại học Alabamachỉ nhờ tài…. chạy nhanh, sau những năm chơi bóng đá Mỹ. |
Gia Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags