(Thethaovanhoa.vn) - Mẫu số chung cho các đội bóng miền Tây trong 4 mùa V-League gần nhất là mùa nào cũng có một CLB xuống hạng hoặc giải thể.
Nguyên nhân thì nhiều nhưng cũng không quá khó hiểu theo kinh nghiệm xương máu của những người trong cuộc. Từ ĐT.Long An (2011), TĐCS.Đồng Tháp (2012), K.Kiên Giang (2013) đến HV.An Giang (2014), tất cả đều bị cơn bão tài chính quét qua làm kiệt quệ khả năng vận hành của CLB.
Cái khó bó cái khôn
Nhưng với trường hợp của K.Kiên Giang hay HV.An Giang trong 2 năm gần nhất thì còn một lý do khác để các CLB này bị đánh gục: sự thiếu thốn yếu tố bản sắc địa phương.
Đối chiếu với hoàn cảnh 2 đội bóng xóm giềng nói trên thì XSKT.Cần Thơ hiện tại không khác gì nhiều. Sau khi hoàn thành mục tiêu thăng hạng, các CLB nói trên đều có thời lượng chuẩn bị cho V-League rất eo hẹp.
XSKT.Cần Thơ (áo xanh) đang là đội bóng thiếu bản sắc. Ảnh: Dương Thu
Vì lý do mặt bằng hạng Nhất không thể so bì với V-League, HLV của K.Kiên Giang, HV.An Giang trước đây hay XSKT.Cần Thơ bây giờ đều ồ ạt tuyển quân. Những cầu thủ tứ xứ từng gắn mác chơi ở V-League có cơ hội thoát khỏi tình trạng thất nghiệp nhiều hơn so với những đồng nghiệp chơi ở các hạng đấu thấp hơn. Và tất nhiên, do ngân quỹ có hạn của CLB nên số lượng cầu thủ đồng ý về những CLB mới thăng hạng để chơi bóng cũng chấp thuận một khoản lương và lót tay vào loại trung bình của V-League.
Thời gian chuẩn bị hời hợt, việc tuyển quân lại tiến hành vội vàng cho kịp tiến độ, thế nên các đội bóng mới thăng hạng không thể tránh khỏi vấp váp khi bước vào giải đấu chính thức.
Và khi đội thua, tâm lý ỷ lại phát sinh là chuyện dễ hiểu. Với những cầu thủ có ý thức nghề nghiệp và tự ái cá nhân, tâm lý ỷ lại khó có cơ hội nảy sinh. Nhưng trong một tập thể được gom góp từ nhiều nơi, chuyện “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, giữ chân để tìm miền đất mới là có thật.
Quả bóng vàng FIFA 2006 Cannavaro từng chia sẻ trong lần sang Việt Nam: “Trong bóng đá, tinh thần mới là yếu tố quyết định chứ không phải thể lực hay kỹ thuật”. Ứng với những đội bóng kể trên, khi chất lượng chuyên môn không được bù đắp bằng tinh thần máu lửa trên sân bóng, mà thay bằng sự hời hợt ái ngại trên từng bước chạy; và chưa kể đó là tâm lý bất an khi CLB “quên” tiền lương thưởng, mấy ai dám “cố đấm ăn xôi”?
Thực tế trong và sau khi mùa giải kết thúc, cầu thủ K.Kiên Giang hay HV.An Giang luôn “đau đầu” với lãnh đạo CLB quanh chuyện đòi tiền thưởng. Thậm chí, sau khi mùa bóng 2013 khép lại, cầu thủ K.Kiên Giang đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt do CLB giải tán nên không thể đòi được tiền còn bị nợ.
Bi kịch của “nhà giàu”
XSKT.Cần Thơ hiện tại không túng thiếu tài chính như 2 CLB đã giải tán là K.Kiên Giang và HV.An Giang. Ở Tây Đô, chuyện tiền nong được thanh toán sòng phẳng như một cầu thủ từng chia sẻ: “Đá xong thứ Bảy là đầu tuần sau có tiền thưởng”.
Nhưng trở lại câu chuyện bản sắc, HLV Văn Sỹ không có được cái may mắn như 2 người đồng nghiệp đang không còn cầm sa bàn V-League. 2 HLV Lai Hồng Vân (K.Kiên Giang) và Nhan Thiện Nhân (HV.An Giang) từng được các học trò ủng hộ trong rất nhiều trận đấu.
Bản thân 2 HLV cũng đã gắn bó với CLB như người bản xứ lâu năm nên nhận được sự ủng hộ của không ít người. Còn HLV Văn Sỹ có lẽ bây giờ đã cảm nhận được nỗi cô đơn khi Nam tiến, từ trên ghế huấn luyện lẫn những khán đài trống vắng.
HLV Văn Sỹ không né tránh trách nhiệm khi cầm cương đội bóng, nhưng ông cũng không phủ nhận căn nguyên vấn đề vẫn là cái gốc của nền bóng đá xứ Tây Đô.
Bóng đá dù có phát triển tới trình độ nào thì cũng không thể bỏ qua yếu tố màu cờ sắc áo, tính địa phương cũng như bản sắc truyền thống của CLB. Những quốc gia có nền bóng đá phát triển hơn chúng ta cả trăm năm như Anh, Tây Ban Nha, Đức… cũng luôn vun đắp và xây dựng những giá trị đó.
Sau nhiều lần chết dở, những ĐT.Long An, Đồng Tháp… đã xây dựng CLB dựa trên nguồn lực sẵn có, một cách làm vừa để tiết kiệm chi phí, vừa giữ gìn bản sắc địa phương. Vì XSKT.Cần Thơ không đi vào quỹ đạo này, nên hệ lụy nhãn tiền là vị trí chót bảng và cơn khủng hoảng chưa có lối thoát.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags