Bóng đá châu Âu: Ajax bây giờ...

Chủ nhật, 04/09/2016 12:46 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Năm ngoái, Ajax thua Rapid Vienna ở vòng loại Champions League. Năm nay, họ thua FC Rostov - một đội bóng Nga ít được biết đến. Nghĩa là bây giờ, đẳng cấp của một Ajax từng có quá khứ lừng lẫy chỉ còn tương xứng với Europa League? Chưa chắc. Có khi Ajax bây giờ còn là... đội yếu ngay tại Europa League. Mùa trước, họ đã dừng chân ngay sau vòng bảng ở đấu trường này!

Ajax không bằng... Watford

Thôi khỏi nhắc lại quá khứ huy hoàng của Ajax Amsterdam hồi đầu thập niên 1970, khỏi giới thiệu những tên tuổi lớn qua bao thế hệ như Johan Cruyff, Marco Van Basten, Dennis Bergkamp, Patrick Kluivert... làm gì nữa. Hãy đi thẳng vào vấn đề: phải chăng Ajax bây giờ không thể mơ ngày trở lại đỉnh cao ở Champions League vì đây là kỷ nguyên của tiền bạc? Chỉ đúng một phần. Hãy bắt đầu từ "phần đúng" trong cái kết luận mà ai cũng cho là hiển nhiên ấy.

Trong lần gần đây nhất được dự Champions League (mùa bóng 2014-2015), Ajax đứng thứ 3 vòng bảng, được UEFA chia 22 triệu euro. Cũng đứng thứ 3 vòng bảng như Ajax, nhưng AS Roma lĩnh 45 triệu euro; Liverpool lĩnh 33 triệu. Athletic Bilbao hoặc Olympiakos đều được chia tiền nhiều hơn Ajax. Đấy là vì ngoài tiền thưởng theo thành tích, UEFA còn chia tiền bản quyền truyền hình cho các đội dự giải, tính theo độ lớn của thị trường có các đội ấy. Thị trường Hà Lan nhỏ hơn các thị trường Italia hoặc Anh, nên Ajax chỉ được chia 11 triệu euro trong khoản này, còn Roma được đến 35 triệu hoặc Liverpool được 23 triệu.


Ajax từng sở hữu rất nhiều cầu thủ giỏi

Cũng vì thị trường nhỏ nên dù Ajax nói riêng hoặc giải Eredivisie nói chung có hấp dẫn đến mấy, vẫn rất khó bán bản quyền truyền hình. Mà ai cũng biết, đấy là nguồn thu rất quan trọng. Tất cả các đội ở giải Eredivisie hiện được chia nhau  80 triệu euro từ tiền truyền hình. Trong bối cảnh ấy, một mình Ajax lĩnh đến 8,6 triệu euro là đã ưu tiên quá rồi. Ở giải Premier League của Anh, đội "chiếu dưới" Watford được chia 88 triệu euro tiền bản quyền truyền hình trong mùa vừa qua. Mùa này, khi bản hợp đồng mới được kích hoạt, tiền chia từ bản quyền truyền hình tại Anh sẽ còn tăng lên rất cao. Cứ việc hình dung quỹ lương, quỹ chuyển nhượng, suy ra khả năng thu hút ngôi sao. Ajax trở thành một đội vừa nghèo, vừa yếu so với Watford - chứ nói gì đến hàng ngũ "siêu CLB". Nhưng...

Chẳng phải không kiếm được tiền

Hồi còn khoác áo M.U, thủ môn Hà Lan Edwin Van der Sar rất quan tâm những chuyến du đấu tại Mỹ hoặc Viễn Đông của đội này. Đi "làm kinh tế" hơn là đá bóng, hẳn nhiên rồi. Nhưng cụ thể ra sao, như thế nào, bằng cách nào, kiếm được bao nhiêu? Van der Sar quyết định học ngành tiếp thị, lấy bằng đại học, rồi trở lại Ajax làm giám đốc tiếp thị sau khi treo găng. Trước đó, bóng đá Hà Lan chỉ biết mỗi CLB có hai mẫu áo - dùng ở sân nhà và sân đối phương. Van der Sar đặt thêm mẫu áo dùng trên sân tập, thế là Ajax có thêm một nhà tài trợ cho kiểu áo này.

Chưa hết. Cho dù chỉ nói về chuyện tiền bạc, nói về cái nghèo trong thời buổi bóng đá quá nặng hơi đồng này, kiếm tiền vẫn chưa phải là vấn đề lớn nhất của Ajax. Hoàn toàn ngược lại: đội bóng số 1 Hà Lan ngày càng suy yếu vì họ không biết tiêu tiền - chứ chẳng phải họ không kiếm được tiền.

Hồi năm 2008, HLV Marco Van Basten chi hơn 16 triệu euro - kỷ lục chuyển nhượng ở Hà Lan, để mua về cho Ajax một cầu thủ người Serbia tên là Miralem Sulejmani. Cùng thời điểm đó, Chelsea của Roman Abramovich mua Deco; Arsenal mua Andrej Arshavin và Samir Nasri; Barcelona mua Gerard Pique, Alexander Hleb; Real Madrid mua Rafael Van der Vaart..., tất cả đều chỉ từ 5 đến 15 triệu euro!


Miralem Sulejmani cho thấy vấn đề của Ajax nằm ở cách tiêu tiền

Không riêng gì Sulejmani. Van Basten mua rất nhiều cầu thủ "vô tội vạ", và đa số là các hợp đồng thảm bại. Cũng không riêng gì Van Basten. Các HLV Ajax (12 vị trong 13 năm sau khi Louis Van Gaal ra đi vào năm 1997) đều tiêu tiền kiểu ấy.

Ajax hỏng vì quản lý

Ở TBN hoặc Đức, giám đốc kỹ thuật quyết định đâu là cầu thủ cần mua (thường là như vậy). Ở Anh, HLV trưởng - gọi là manager chứ không phải coach - quyết định toàn bộ. Ở Ajax, có một ban điều hành quyết định mọi vấn đề - từ chuyện tổ chức và huấn luyện các đội trẻ cho tới việc chọn HLV trưởng, giám đốc kỹ thuật. Khôi hài ở chỗ: người ta nhìn vào từng HLV cụ thể và quyết định nên giao việc... đến đâu cho HLV ấy. Đấy là chưa kể vị trí và vai trò không bao giờ rõ ràng của nhân vật quá cố Johan Cruyff (vừa qua đời hồi tháng 3). Cruyff là cựu danh thủ Ajax, cựu HLV Ajax, là người có ảnh hưởng lớn nhất đến Ajax. Cruyff LÀ Ajax. Trên danh nghĩa, Cruyff là cố vấn đặc biệt. Còn trên thực tế, suốt hàng chục năm qua, người ta chẳng bao giờ định nghĩa được vai trò cố vấn của Cruyff. Ajax mà được điều hành ổn thỏa trong tình trạng như thế, thì đấy mới là chuyện lạ.


Người ta chẳng bao giờ định nghĩa được vai trò của Johan Cruyff

Làm sao Cruyff có thể chấp nhận một Ajax nổi tiếng nhất thế giới về khả năng tự đào tạo ngôi sao lại mua người một cách điên rồ như bản hợp đồng mang tên Sulejmani? Thế là cãi nhau to. Và HLV trưởng Van Basten - vốn là "học trò" Cruyff, hất luôn tượng đài vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Hà Lan ra khỏi Ajax. Cruyff dạt sang tận... Mexico, sau sự kiện ấy. Van Basten lập luận: bây giờ, ngay cả lò trẻ Ajax cũng phải... mua người, nói gì đội lớn! Quả thật, những ngôi sao mới nhất từng được Ajax bán đi như Toby Alderweireld, Christian Eriksen, Jan Vertonghen... đều được lò trẻ Ajax mua lại từ... lò trẻ khác, đưa lên đội lớn Ajax sau 1-2 năm đào tạo tiếp, rồi lại bán tiếp.

"Trường học của Tương Lai"

Sự thay đổi của môi trường bóng đá hiện đại khiến một CLB đến từ thị trường Hà Lan hạn hẹp trở nên đuối sức, không thể cạnh tranh ở hàng ngũ hàng đầu châu Âu. Nói vậy không sai, nhưng không đúng đến mức tuyệt đối. Ngay trong kỷ nguyên Champions League, đội Porto ở BĐN cũng đã lên ngôi vô địch - điều mà Arsenal (đội bóng kiếm tiền từ bản quyền truyền hình nhiều nhất ở Premier League mùa trước) chưa bao giờ làm được. Borussia Dortmund ở Đức - nền bóng đá vẫn còn "lạc hậu" đến mức đội bóng cứ phải thuộc về cộng đồng, tư nhân không được phép sở hữu nhiều hơn 50% cổ phần - cũng đã vô địch Champions League.

Ajax lụn bại vì ngoài chuyện thời thế đổi thay, bản thân Ajax cũng hỏng to, từ trong ra ngoài. Thật ra, đấy là cái nhìn của giới quan sát, và cũng chỉ là cái nhìn qua lăng kính bóng đá. Giới lãnh đạo Ajax có xem thất bại trong lĩnh vực bóng đá là... thất bại hay không, đấy lại là chuyện khác. Cần nhớ: Ajax nói riêng cũng như người Hà Lan nói chung xưa nay vẫn nổi tiếng thế giới về mặt ý tưởng.

Ý tưởng lớn mới nhất mà Ajax giới thiệu: từ nay, mọi cầu thủ vươn lên từ lò trẻ Ajax sẽ trở thành những cầu thủ nổi tiếng nhất  trong bóng đá đỉnh cao về chuyện... học hành. Năm ngoái, Ajax vừa khai trương "Trường học Tương Lai" ngay trong lò trẻ danh tiếng của họ. Ở nơi mà những Cruyff, Bergkamp, Sneijder... từng hãnh diện bước ra với tư cách ngôi sao bóng đá, các cầu thủ trong tương lai sẽ bước ra với hành trang gồm cả những chứng chỉ có uy tín, sau khi được hưởng chế độ giáo dục "vào loại tốt nhất" mà Ajax đã giới thiệu.


Ajax luôn là địa chỉ uy tín về đào tạo bóng đá

Cầu thủ trẻ tại Ajax bây giờ sẽ vừa học cách chơi bóng, vừa học chuyên sâu theo lĩnh vực mà họ chọn lựa - giáo dục thể chất, dinh dưỡng, kinh doanh, tài chính - kế toán, ngôn ngữ, văn chương... thôi thì đủ loại! "Ý tưởng Ajax" là như thế đấy - còn chuyện không lọt được vào vòng bảng Champions League thì... có sá gì!

Real Madrid là đội duy nhất trong lịch sử từng hơn Ajax về số lần liên tiếp vô địch cúp C1/Champions League. Ngoài Real thì Bayern Munich là đội duy nhất sánh ngang thành tích 3 lần vô địch liên tiếp của Ajax ở trận địa này.

Ở mùa bóng 2009-2010, Ajax ghi đến 106 bàn trong 34 trận mà vẫn không thể vô địch ở giải Eredivisie của Hà Lan. Nhà vô địch khi ấy là FC Twente chỉ ghi 63 bàn. Vì Ajax thủ lưới nhiều? Không hề! Họ chỉ thua 20 bàn trong khi Twente thua 23 bàn. Chỉ có thể nói: đấy là câu chuyện... điên rồ.

Tân Gia

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›