38 năm sau khi kết thúc giấc mơ Olympic tại Trung Quốc, Zhiying Zeng đại diện cho Chile tranh tài môn bóng bàn ở Olympic Paris. Zhiying Zeng, lúc này đã 58 tuổi, cho biết bà cảm thấy biết ơn khi bố mình- người đã từng không tiếc thời gian và công sức ủng hộ bà trên chặng đường thi đấu bóng bàn chuyên nghiệp vào những năm 1970 tại Trung Quốc, vẫn còn sống để chứng kiến ước mơ của con gái thành hiện thực.
Câu chuyện của bà Zhiying Zeng không phải hiếm, mà được coi là điển hình đối với vận động viên bóng bàn Trung Quốc. Sự cạnh tranh khắc nghiệt ngay chính tại quê nhà, khiến nhiều vận động viên bóng bàn tài năng của Trung Quốc phải tìm kiếm chiếc vé dự Olympic thông qua con đường nhập tịch ở các quốc gia khác.
Sự thống trị của bóng bàn Trung Quốc ở Olympic
Sự thống trị của Trung Quốc trong môn bóng bàn được phản ánh qua những thành tựu của họ. Kể từ khi môn thể thao này được đưa vào Thế vận hội năm 1988, các vận động viên Trung Quốc đã giành được 32 trong số 37 huy chương vàng được trao cho đến Thế vận hội Tokyo 2020, các quốc gia khác chỉ giành được 5 huy chương vàng. Đội tuyển quốc gia nam và nữ Trung Quốc bất bại trong các nội dung đồng đội Olympic, và đội nam chưa từng thua một loạt trận nào tại Giải vô địch bóng bàn thế giới kể từ năm 1995, trong khi đội nữ chưa từng thua kể từ năm 1994.
Sự thống trị của Trung Quốc trong môn bóng bàn là kết quả của một hệ thống vững chắc được xây dựng trong nhiều thập kỷ. Quốc gia này có một hệ thống cơ sở hạ tầng xuyên suốt, các trường đào tạo chuyên biệt, cùng với đó là đội ngũ huấn luyện viên giàu kinh nghiệm. Tất cả đều đóng góp hết sức mình vào việc xác định các tài năng ở cấp độ cơ sở, đào tạo từ lúc còn nhỏ để xây dựng cho họ nền tảng kỹ thuật vững chắc hòng tiến lên con đường thi đấu chuyên nghiệp.
Zhiying Zeng là một sản phẩm của quy trình phát hiện và đào tạo tài năng đó. Mẹ Zhiying Zeng là một huấn luyện viên bóng bàn, và chính phủ cho phép gia đình bà sống cạnh một khu liên hiệp thể thao. Ở đó, Zhiying Zeng được tập luyện mỗi ngày, xung quanh là các vận động viên chuyên nghiệp. Zhiying Zeng được mẹ huấn luyện tới năm 9 tuổi, sau đó bà được gửi vào một học viện thể thao ưu tú. Zhiying Zeng trở thành nhà vô địch trẻ quốc gia và giành chiến thắng trong một số giải đấu khu vực trước khi trở thành vận động viên chuyên nghiệp ở tuổi 12. Ở tuổi 16, Zhiying Zeng lần đầu tiên được triệu tập vào đội tuyển bóng bàn Trung Quốc- nơi bà miêu tả "có rất nhiều VĐV tài năng ở đó, và sự cạnh tranh là rất khốc liệt". Một số thay đổi trong luật chơi thời điểm đó ảnh hưởng tới tâm lý thi đấu của Zhiying Zeng, và kết quả bà bị loại khỏi đội tuyển.
Giành vé Olympic khó hơn giành HCV
Với môn bóng bàn ở Trung Quốc, người ta ví von rằng giành vé dự Olympic còn khó hơn cả việc giành HCV Olympic bởi có quá nhiều tài năng. Trước thềm mỗi kỳ Olympic, Liên đoàn bóng bàn Trung Quốc phải công bố tiêu chí lựa chọn để quyết định các thành viên đủ điều kiện tham gia Thế vận hội.
Tại Olympic Paris, suất tham dự ở mỗi nội dung đánh đơn sẽ được xác định theo hệ thống điểm xếp hạng Olympic, dựa trên điểm xếp hạng của Liên đoàn bóng bàn quốc tế (ITTF) và thành tích tại các sự kiện lớn từ ngày 8 tháng 5 năm 2023 đến ngày 7 tháng 5 năm 2024, bao gồm Giải vô địch thế giới, Đại hội thể thao châu Á 2022 và các giải đấu bóng bàn thế giới. Hai vận động viên này cũng sẽ giành được một suất tham dự các nội dung đồng đội nam và nữ, cùng với cặp được chọn tham dự nội dung đôi nam nữ. Việc lựa chọn nội dung đôi nam nữ sẽ dựa trên bảng xếp hạng thế giới được công bố vào ngày 7 tháng 5 năm 2024.
Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn Trung Quốc Li Sun tuyên bố rằng quy trình tuyển chọn do Liên đoàn bóng bàn Trung Quốc đưa ra đã mang lại cơ hội công bằng cho tất cả các vận động viên. "Chúng tôi hy vọng sẽ thúc đẩy bầu không khí cạnh tranh tích cực trong đội của mình thông qua quá trình tuyển chọn công bằng và cởi mở. Thông qua phương pháp này, hy vọng toàn đội sẽ cùng nhau hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị cho Thế vận hội Paris".
Nếu phương pháp này không thể chọn được ba vận động viên cho mỗi giới tính cho các nội dung đồng đội, ban huấn luyện của đội tuyển sẽ xác định các suất còn lại. Họ cũng sẽ chịu trách nhiệm lựa chọn vận động viên dự bị, dựa trên điểm xếp hạng Olympic, phong cách chơi, khả năng đánh đôi và thành tích đối đầu với các đối thủ lớn.
Giải pháp nhập tịch
Bởi con đường để được đại diện cho Trung Quốc thi đấu môn bóng bàn Olympic rất gian nan, nên nhiều vận động viên dù rất tài năng đã phải tìm kiếm chiếc vé tới Thế vận hội thông qua giải pháp nhập tịch, thi đấu cho một quốc gia khác.
Theo tờ The New York Times, tại Thế vận hội 2016 ở Rio de Janeiro (Brazil), ít nhất 44 vận động viên bóng bàn gốc Hoa đã thi đấu cho 22 quốc gia. Chỉ có 6 người trong số họ chơi cho Trung Quốc. Tại Olympic Paris 2024, ở nội dung của nữ, 12 vận động viên bóng bàn gốc Hoa thì có 10 người nhập tịch thi đấu cho quốc gia khác, chỉ có 2 người đại diện cho Trung Quốc.
"Nếu tôi ở lại Trung Quốc, có lẽ tôi sẽ không bao giờ có cơ hội thi đấu tại Thế vận hội vì có quá nhiều tài năng trong môn thể thao này ở Trung Quốc", vận động viên nữ 40 tuổi Han Ying chia sẻ với tờ China Daily. Han Ying chuyển ra nước ngoài vào năm 2002 và bắt đầu chơi cho Đức sau khi nhập quốc tịch vào năm 2010.
Tags