Bóng bàn Trung Quốc nguy cơ mất vị trí 'độc tôn' Olympic dù thống trị suốt thời gian dài, 2 lý do được hé lộ

Thứ Ba, 13/08/2024 20:13 GMT+7

Google News

Trung Quốc giữ thế thống trị gần như tuyệt đối ở môn bóng bàn trong suốt lịch sử tham dự Thế vận hội. Thế nhưng, nhiều tay vợt nước này bất ngờ tuyên bố giải nghệ sau Olympic 2024 và khiến nước này có nguy cơ mất vị trí độc tôn.

Bóng bàn Trung Quốc nguy cơ mất vị trí 'độc tôn' Olympic 

Sự thống trị tuyệt đối của Trung Quốc trong môn bóng bàn tại Thế vận Hội đã trở thành một hiện tượng không thể phủ nhận. Thành tích áp đảo của họ không chỉ mang lại niềm tự hào quốc gia mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về tính cạnh tranh và tương lai của môn thể thao này trên đấu trường quốc tế.

Tại Olympic 2024, Trung Quốc một lần nữa khẳng định vị thế số 1 khi giành trọn vẹn 5 huy chương vàng ở tất cả các nội dung. Điều đáng chú ý là sự góp mặt của nhiều vận động viên gốc Trung Quốc trong các đội tuyển khác, như Mỹ, Đức, Bỉ, thậm chí cả Luxembourg. Hiện tượng này đã dấy lên những lo ngại về sự mất cân bằng và thiếu tính đa dạng trong bóng bàn thế giới.

Bóng bàn Trung Quốc nguy cơ mất vị trí 'độc tôn' Olympic dù thống trị suốt thời gian dài, 2 lý do được hé lộ - Ảnh 1.

Bóng bàn Trung Quốc tiếp tục gặt hái thành công tại Olympic 2024

Một thông tin gây sốc khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đang xem xét loại bỏ bóng bàn khỏi danh sách các môn thi đấu chính thức. Lý do được đưa ra là sự thống trị quá lớn của một quốc gia đã làm giảm đi tính hấp dẫn và cạnh tranh của môn thể thao này.

HLV trưởng đội tuyển nữ Hàn Quốc, sau khi thất bại trước Trung Quốc tại bán kết, đã không kìm được nước mắt và bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho đối thủ. Bà chia sẻ: "Chúng tôi đã phải mất rất nhiều năm để có thể đạt được thành tích như hiện tại, nhưng Trung Quốc vẫn luôn là một bức tường quá khó vượt qua".

Sự thống trị của Trung Quốc được thể hiện rõ nét ở tất cả các trận đấu. Ngay cả khi số một thế giới Wang Chuqin bất ngờ bị loại, đồng đội của anh là Fan Zhendong vẫn đủ sức giành huy chương vàng. Ở nội dung đơn nữ, trận chung kết thực sự là một cuộc “họp mặt gia đình” của các vận động viên Trung Quốc.

Với 37/42 huy chương vàng đã giành được trong lịch sử Thế vận Hội, Trung Quốc chiếm tới 88% tổng số huy chương. Thành tích này đã đặt ra câu hỏi về tính công bằng và sự phát triển bền vững của bóng bàn.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ, bóng bàn còn đang là cơn đau đầu với thể thao Trung Quốc bởi ngay sau khi Olympic 2024 khép lại, nhiều tay vợt nước này bất ngờ tuyên bố giải nghệ.

Bóng bàn Trung Quốc nguy cơ mất vị trí 'độc tôn' Olympic dù thống trị suốt thời gian dài, 2 lý do được hé lộ - Ảnh 2.

Fan Zhendong ám chỉ chia tay đội tuyển quốc gia ở tuổi 27

Người tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia Trung Quốc đầu tiên là tay vợt bóng bàn nữ số 2 thế giới Chen Meng. VĐV sinh năm 1994 là người góp công lớn cho đoàn thể thao Trung Quốc với cú đúp HCV ở nội dung đơn nữ và đồng đội nữ ở Olympic Paris 2024.

Dù bị đánh giá thấp hơn Sun Yingsha (tay vợt nữ của Trung Quốc đang xếp hạng số 1 thế giới) nhưng Chen Meng một lần nữa đánh bại người đồng đội để giành HCV đơn nữ danh giá. Ở Olympic Tokyo 3 năm về trước, chính Chen Meng đánh bại Sun Yingsha ở nội dung này nhờ bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc dày dặn.

Ở nội dung đồng đội nữ, bản lĩnh đã giúp Chen Meng và đồng đội vượt qua đội tuyển Nhật Bản để giành HCV, qua đó có kỳ Olympic lần thứ 5 liên tiếp đăng quang ngôi vương ở nội dung này. Tuy nhiên ở tuổi 30, nữ VĐV của Trung Quốc chính thức tuyên bố giã từ đội tuyển quốc gia và khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy tiếc nuối.

Một VĐV khác ám chỉ giã từ đội tuyển bóng bàn quốc gia thông qua những chia sẻ trên mạng xã hội là Fan Zhendong. Cũng như Chen Meng, Fan Zhendong là tay vợt nam xếp hạng số 2 thế giới, lập cú đúp HCV ở nội dung đơn nam và đồng đội nam.

Tay vợt thứ ba giã từ đội tuyển quốc gia chính là huyền thoại bóng bàn Ma Long, khi anh tuyên bố Olympic Paris sẽ là kỳ Thế vận hội cuối cùng anh khoác áo đội tuyển Trung Quốc. Ma Long là tay vợt đã giành được hầu hết các danh hiệu đẳng cấp thế giới trong sự nghiệp của mình và là một trong những tay vợt vĩ đại nhất trong lịch sử bóng bàn của Trung Quốc cũng như thế giới.

Bóng bàn Trung Quốc nguy cơ mất vị trí 'độc tôn' Olympic dù thống trị suốt thời gian dài, 2 lý do được hé lộ - Ảnh 3.

Bóng bàn Trung Quốc đối mặt nhiều nỗi lo

Việc các tay vợt trên tuyên bố giải nghệ khiến người Trung Quốc cảm thấy lo lắng về ngôi vị số một của mình ở các kỳ Olympic tiếp theo. Các tay vợt của Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thụy Điển đều khiến Trung Quốc gặp rất nhiều khó khăn ở Olympic 2024, đa số họ vẫn là những tài năng trẻ và sẽ tiếp tục tiến bộ ở các kỳ Thế vận hội tiếp theo.

Những tay vợt như Truls Moregardh (Thụy Điển), Felix Lebrun (Pháp), Lin Jun Ju (Đài Loan, Trung Quốc), Harimoto (Nhật Bản) chắc chắn sẽ là đối trọng lớn đối với Trung Quốc ở kỳ Olympic 2028.

VIẾT THÀNH

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›