(Thethaovanhoa.vn) - Sau thành công của một loạt không gian sách với quy mô rộng lớn, hiện đại đặt tại các trung tâm thương mại như: Vincom Mega Mall Times City Hà Nội, Vincom Plaza Thái Nguyên, Vincom Plaza Tuyên Quang… Nhà sách Tân Việt tiếp tục khai trương tổ hợp nhà sách - cà phê sách và khu vui chơi giáo dục tại Vincom Bắc Từ Liêm - Hà Nội với nhiều sự thay đổi mới mẻ, đột phá, kiến tạo nên một không gian tôn vinh sách đích thực, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc.
1. Ngày 18/9, Nhà sách Tân Việt chính thức khai trương khu tổ hợp hệ sinh thái nhà sách -cà phê sách - khu vui chơi trẻ em tại Vincom Bắc Từ Liêm với quy mô 1.600m2, cung cấp đầy đủ tiện nghi trong tổng thể không gian tri thức hiện đại, mới mẻ, “không thua kém bất cứ một không gian sách nào của các nước phát triển trên thế giới”.
Từ năm 2006 đến nay, Công ty Tân Việt đã có hàng chục nhà sách ở Hà Nội. Sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm thực tế trong và ngoài nước, từ năm 2014, Tân Việt bắt đầu dần chuyển mình sang xu hướng xây dựng những không gian sách “vươn tầm thế giới”. Đó là mô hình “cả nhà ta cùng đọc, cả nhà ta cùng chơi” được Tân Việt triển khai với sự kết hợp không gian trưng bày sách, không gian cà phêđọc sách và khu vui chơi dành cho trẻ nhỏ.
“Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam do chính Tân Việt khởi xướng ý tưởng và trực tiếp thực hiện. Chặng đường 6 năm với nhiều trăn trở, lăn lộn và băn khoăn để ngày hôm nay có được Tân Việt Bookstore Vincom Bắc Từ Liêm, không gian sách đầu tiên ở Hà Nội theo mô hình nâng cấp cao hơn” - bà Nguyễn Kim Thoa - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt cho biết.
Nếu như trước đây, những nhà sách trên thị trường hay chính nhà sách của Tân Việt cũ chủ yếu được xây dựng với mục đích trưng bày và bán sách thì thiết kế mới của nhà sách Tân Việt trong giai đoạn năm 2020 đã có nhiều đổi mới. Các hạng mục bố trí và hình ảnh thiết kế trong không gian tổ hợp nhà sách Tân Việt Vincom Bắc Từ Liêm đều mang những giá trị và ý nghĩa riêng nhằm tôn vinh giá trị của sách.
Theo bà Nguyễn Kim Thoa, ý tưởng thiết kế nhà sách được thực hiện theo 4 biểu tượng: “Con mắt - Cây cầu - Tầng địa chất - Trái đất”. “Thông qua 4 biểu tượng này, Tân Việt muốn gửi đi thông điệp: Chúng ta hãy đọc sách thật nhiều để có được nhiều kiến thức, để được mở mang tầm mắt nhìn ra thế giới, sánh vai với bạn bè 5 châu. Sách là cầu nối của tri thức giữa quá khứ và hiện tại, rút ngắn khoảng cách của thời gian và không gian. Vậy nên Tân Việt muốn dùng “cây cầu” để kết nối tri thức của nhân loại từ quá khứ chuyển tải đến hiện tại và sẽ đi đến tương lai”.
“Kiến thức là vô hạn cho nên cần phải đọc sách hàng ngày, hàng giờ để tích lũy dần dần như “tầng địa chất” mà thiên nhiên đã bồi đắp qua năm tháng. Khi đã có kiến thức sẽ làm chủ được mọi thứ. Thế giới phẳng, toàn cầu hóa… cần phải làm chủ kiến thức để làm chủ tư duy, làm chủ sáng tạo, khi đó có thể kết nối, làm bạn với mọi nước trên thế giới trên cùng một hành tinh là “trái đất” - bà Nguyễn Kim Thoa cho hay.
2. Nói về việc thúc đẩy văn hóa đọc, bà Nguyễn Kim Thoa cho rằng: Khi muốn hướng bạn đọc đến với sách, phải tạo ra không gian trước. Tạo ra một địa điểm để mọi người đến thấy thích, không gian có vai trò tác động đến con mắt, đến cảm nhận và sẽ khiến mỗi người quan tâm đến sách nhiều hơn.
“Sau khi tạo không gian là tạo ra một “hệ sinh thái”, một mô hình sinh hoạt với sách cho cả gia đình. Ví dụ, bố mẹ trong lúc chờ con chơi có thể tranh thủ tiếp cận với sách, ngồi uống cà phê có thể vô tình đọc được một cuốn sách hay, từ đó có hứng thú với sách. Đây là cách mà Tân Việt giúp bạn đọc tiếp cận được với sách một cách thuận lợi hơn”.
“Sách là hàng hóa đặc biệt của tri thức nên cũng cần phải có không gian đặc biệt để tiếp nhận”. Nhìn vào những không gian sách mà Tân Việt tạo ra có thể thấy rõ điều này. Ngoài mục đích kinh doanh ngành hàng sách thì đan lồng là ý nghĩa nâng niu sách, trân trọng sách, tạo không gian cho sách. Đó chính là ý tưởng mà Tân Việt đeo đuổi, cũng theo bà Nguyễn Kim Thoa, đó còn là trách nhiệm của những doanh nghiệp xuất bản trong bối cảnh văn hóa đọc sách hiện nay đang “nguội lạnh”.
Đặt không gian sách tại các trung tâm thương mại theo bà Nguyễn Kim Thoa là phù hợp xu hướng. “Theo xu hướng phát triển của thị trường, các trung tâm thương mại mọc lên nhiều thay thế cho các chợ truyền thống. Khi các chợ truyền thống mất đi, các trung tâm thương mại sẽ tập trung một lượng khách rất lớn nên đó là tiêu chí đầu tiên để chọn kinh doanh sách”.
Hệ thống Tân Việt Bookstore còn chú trọng đến sự tương tác tại các không gian sách thông qua kế hoạchtổ chức các chương trình tọa đàm, trao đổi, diễn thuyết truyền cảm hứng đọc sách đến với các bạn trẻ.
Đó là những dự án “kỷ lục Việt Nam”, khi đầu tư các không gian rộng tới 2, 3 nghìn mét vuông giữa những “khu đất vàng” của thủ đô mà chỉ để tôn vinh sách. Ngoài không gian trưng bày để bán sách, để ngắm sách còn có những không gian để đọc và sinh hoạt với sách, thậm chí còn có chức năng lưu giữ những cuốn sách độc bản, những cuốn sách quý ít khi có người mua.
Dự kiến vào tháng 10 tới đây, Tân Việt tiếp tục khai trương không gian sách tương tự với quy mô rộng lớn chưa từng có, lên đến 3.000m2 tại Vincom Mega Mall Royal City (Hà Nội).
Công Bắc
Tags