(Thethaovanhoa.vn) - Khi Hà Lan vượt qua Costa Rica ở tứ kết, nhiều cổ động viên lạc quan đã nghĩ rằng cơn ác mộng sút luân lưu đã chấm dứt với đội bóng Da cam. Nhưng không, chỉ vài ngày sau, người Hà Lan lại vỡ mộng khi đội quân của ông Louis van Gaal gục ngã trước Argentina, ở chính loạt "đấu súng" trên chấm 11m.
Chẳng biết có phải vì ông Van Gaal thiếu những quyết định "dị", kiểu như thay thủ môn Jasper Cillessen bằng Tim Krul để chỉ bắt penalty hay không, mà tham vọng vô địch World Cup lần đầu tiên của bóng đá Hà Lan lại một lần nữa vỡ.
Nhưng nỗi buồn của Hà Lan có lẽ chẳng thấm tháp gì so với nỗi đau của Brazil sau trận thua Đức 1-7. Brazil mất quá nhiều sau cú sốc Mineiraozo này: Giấc mơ Hexa - 6 lần giành cúp vàng, niềm tự hào của một nền bóng đá hàng đầu thế giới, và quan trọng hơn, những toan tính chính trị đằng sau việc đổ hàng chục tỷ đô-la để tổ chức World Cup.
Đã có hàng chục xe bus bị đập phá và đốt cháy ngay trong đêm diễn ra thảm hoạ Mineiraozo, và không ai đảm bảo được rằng khi tấm màn nhung của sân khấu World Cup 2014 khép lại, làn sóng biểu tình ở Brazil sẽ không bùng phát, với mức độ còn nghiêm trọng hơn trước thời điểm trái bóng Brazuca bắt đầu lăn.
Tương lai chính trị của Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, cũng trở nên bấp bênh trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/10 tới, khi tầng lớp dân nghèo chiếm đa số vốn cực lực phản đối chính phủ chi đậm cho World Cup 2014 càng có thêm lý do để trút giận thông qua những lá phiếu.
Nhắc đến chuyện vỡ tận Brazil mới nhớ ra rằng hôm qua, hơn 70 nghìn hộ dân ở Hà Nội lại phải sống trong cảnh mất nước khi lần thứ tám kể từ ngày đưa vào hoạt động, đường ống dẫn nước sinh hoạt từ sông Đà về trung tâm Thủ đô bị vỡ.
Cũng tám lần, nhưng việc một đường ống dẫn nước trị giá hàng trăm tỷ đồng bị vỡ tới vỡ lui trong vòng chưa đầy 20 tháng vận hành hay việc các thủ môn phải vào lưới nhặt bóng liên tục trong 90 phút, việc nào gây sốc hơn nhỉ?
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags