Blog World Cup: Cất cánh. À không...

Chủ nhật, 13/07/2014 16:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện thời sự "hot" nhất ngày hôm qua có lẽ là việc hai máy bay của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific suýt đâm nhau ở sân bay Đà Nẵng do sai sót nghiêm trọng về nghiệp vụ của Kiểm soát viên không lưu. Một máy bay vừa hạ cánh chưa kịp rời đường băng, một máy bay khác đã được lệnh cất cánh trên chính đường băng ấy. Nếu tình huống này không được phát hiện và huỷ lệnh cất cánh kịp thời thì có lẽ, một thảm kịch hàng không đã xảy ra.

Nói đến chuyện cất cánh, có thể liên tưởng đến những kịch bản sẽ xảy ra với nền kinh tế Brazil khi trái bóng Brazuca ngừng lăn sau đêm nay, lúc tấm màn nhung của sân khấu World Cup 2014 chính thức khép lại. Số liệu của Rogers Media (Canada) cho thấy Brazil đã chi tới 14 tỷ USD để tổ chức World Cup 2014.

Đây là vòng chung kết bóng đá thế giới tốn kém nhất trong lịch sử. Con số 14 tỷ USD của Brazil năm 2014 vượt xa 6 tỷ của Nam Phi năm 2010, 10 tỷ của Đức năm 2006 hay 7,5 tỷ của Hàn Quốc và Nhật Bản năm 2002.

Với gánh nặng chi tiêu như thế, việc nền kinh tế Brazil "cất cánh" được hay không sau World Cup 2014 là một dấu hỏi lớn. 10 năm trước, kinh tế Bồ Đào Nha và Hy Lạp đã "gãy càng" sau khi vung tay quá trán để tổ chức EURO và Olympic.

Bên cạnh FIFA với khoản lợi nhuận kỷ lục 2,61 tỷ USD thì adidas, Coca Cola hay Budweiser cũng đều giành chiến thắng tại World Cup 2014. Lợi nhuận của các tập đoàn này sẽ không nằm lại Brazil, dù chỉ là những đồng tiền thuế chính đáng, theo chính sách bảo vệ đối tác thương mại của FIFA mà các nước chủ nhà World Cup luôn phải chấp nhận.

Hàng trăm cuộc biểu tình đã nổ ra khắp Brazil trước World Cup 2014 vì chuyện xây sân vận động tốn kém. Người Brazil rất yêu bóng đá, nhưng họ cần bánh mỳ, nước uống, thuốc men và sách vở hơn là trái bóng 6 múi mang tên Brazuca của adidas.

Đông Hà
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›