(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn từ những “bất trắc’ của mùa giải 2021, ngay từ bây giờ, bóng đá nước nhà dứt khoát phải tìm ra phương thức để thích ứng trước bối cảnh thực tế.
V-League phải chịu cảnh trầy trật suốt 2 năm qua như một “lăng kính” xác thực nhất về khả năng ứng biến của bóng đá Việt Nam trong nguy khó của dịch giã. Các giải đấu chịu ảnh nghiêm trọng khi liên tục phải tạm hoãn, thay đổi thể thức thi đấu và cuối cùng là hủy bỏ cả mùa giải 2021. Nhìn từ đó đã đến lúc các cơ quan quản lý, điều hành cùng với mỗi CLB phải xây dựng được những “kịch bản” sống chung với dịch bệnh trong tình hình mới.
Những tháng còn lại của năm 2021 đủ để VFF, VPF cùng các đội bóng đưa ra được nhiều phương thức khác nhau trên tinh thần đồng thuận nhất. Mọi thứ phải được hoạch định rõ ràng, đưa vào quy chế, điều lệ để “đụng đâu dùng đó”, không phải bối rối. Bởi chỉ có lường trước mọi thứ như thế, khi gặp khó có ngay phương án xử lý, khỏi phải “nâng lên đặt xuống” hay cãi nhau tóe lửa.
Có thể thấy, trong năm 2022 các giải đấu dày đặc trên mọi cấp độ. Từ vòng loại thứ 3 World Cup cho đến SEA Games 31, chưa kể VCK U23 châu Á hay cả Asiad. Rồi tình hình dịch bệnh lúc đó sẽ ra sao. Vậy nên, phương án đưa ra hài hòa cho các ĐTQG song hành với hệ thống thi đấu quốc nội. Kinh nghiệm chống dịch đã có, vaccine đã bao phủ cho lĩnh vực thể thao để dễ bề xử lý. Rõ ràng bóng đá Việt Nam hoàn toàn đưa ra được phương án khả thi, căn cơ để mùa giải 2022 vận hành trơn tru nhất.
Ví như đã có những tranh luận rằng V-League 2022 nên tổ chức theo phương thức “bình thường mới” hay trở về nguyên trạng ban đầu có cả lượt đi –lượt về với đủ 26 vòng đấu. Với thể thức đá tách nhóm như đã có trong năm 2020, giải đấu rút xuống còn 20 vòng và gói gọn thời gian. Điều này có thể tăng thêm tính cạnh tranh nhưng xét cho cùng chỉ mang tính đối phó với tình thế. Giải VĐQG phải đá 2 lượt sân nhà, sân khách mới công bằng, chính xác. Tuy vậy, đá kiểu cũ sẽ không còn quỹ thời gian dự phòng nếu tình hình dịch bệnh có những diễn biến rất khó lường thì tính toán ra sao.
Hoặc giả trong thời gian “đụng” SEA Games (vào tháng 5) và cấn VCK U23 (nếu U23 Việt Nam góp mặt) ở tháng 6 thì có nhất thiết phải hoãn các giải đấu trong nước hay không? Rồi cả câu chuyện, CLB Than Quảng Ninh không đủ điều kiện tham dự, chỉ với 13 đội bóng sẽ tính kiểu gì cho các xuất lên xuống hạng.
Từ đó, VFF, VPF, mỗi CLB phải tìm ra được tiếng nói chung nhất, tạo ra bộ khung cơ bản để vận hành giải đấu. Thực tế, khi V-League lao đao trong năm 2021 đã ảnh hưởng không nhỏ đến phong độ, chất lượng của ĐTQG. Việc “ngồi chơi xơi nước” đến mấy tháng trời khiến các cầu thủ không thể giữ được thể trạng, phong độ tốt nhất của mình. V-League “đóng băng”, ông Park không thể nhìn ngó thêm được nhân tố mới hay kiểm định lại con người cũ.
Muốn V-League chuyên nghiệp phải bắt đầu từ các CLB chuyên nghiệp. Câu chuyện Than Quảng Ninh hay Tây Ninh ở giải hạng Nhất đã báo động điều đó. Ai dám chắc, tương lai sẽ không có những trường hợp tương tự tiếp diễn. Hầu hết các đội bóng đều sống vào “bầu sữa” doanh nghiệp cùng với kinh phí hỗ trợ từ mỗi địa phương. Vốn dĩ nhiều CLB đã không “xông xênh” huống hồ bối cảnh dịch bệnh, các ông chủ “hắt hơi’ đội bóng “sổ mũi” ngay.
Vậy nên, muốn không có cảnh “đứt gánh giữa đường”, từ bỏ cuộc chơi, nợ lương cầu thủ tái diễn, cơ quản quản lý phải làm nghiêm. VFF, VPF cần thẩm định, siết chặt công tác cấp phép CLB chuyên nghiệp. Xu thế tất yếu để phát triển như vậy, không thể khác được. Nhiều năm qua, chính sự “xuề xòa” cho qua đã để lại hệ lụy cho V-League. Mỗi CLB phải hoàn thiện những vấn đề mang tính căn cơ nhất từ nền tảng tài chính, mô hình quản lý, cơ sở vật chất cho đến chuyên môn, nhân sự và đào tạo trẻ.
2 năm lao đao vì dịch bệnh, bóng đá nước nhà phải chịu những hệ lụy không hề nhỏ. Bài học đúc kết cũng đã nhiều. Vậy nên, đã đến lúc V-League phải đưa ra những ứng biến phù hợp với thực tiễn. Mọi thứ phải lường trước để “đụng đâu dùng đó” chứ không thể ngồi chờ có phát sinh mới đi tìm giải pháp.
Không thể khác, V-League phải thích ứng linh hoạt cho một trạng thái “bình thường mới”.
Trần Tuấn
Tags