Buộc phải điều chỉnh lối chơi
Còn nhớ, trước ngày World Cup khai mạc, và dựa trên những gì diễn ra ở vòng loại, không ít người từng mong đợi sẽ được chứng kiến một lễ hội của bóng đá tấn công ngay trên xứ sở của kiểu bóng đá samba mê hồn. Đúng là mọi người có quyền kỳ vọng bởi Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Bỉ thậm chí là cả Bosnia&Herzegovina ở châu Âu; Argentina, Colombia và Chile ở Nam Mỹ; Nigeria, Ghana và Bờ Biển Ngà ở châu Phi; thậm chí là cả Hàn Quốc và Nhật Bản ở châu Á đều vượt qua vòng loại với khuynh hướng chơi thiên về tấn công. Ngay cả Brazil cũng cho thấy điều đó qua hàng loạt trận tập huấn.
Thế nhưng, vòng loại và VCK là hai thế giới hoàn toàn khác biệt và các đối thủ ở VCK cũng rất khác so với vòng loại. Do vậy, các đội bóng kể trên đều phải điều chỉnh lối chơi cho phù hợp mà với họ, có lẽ phòng ngự phản công là cách tốt nhất bởi cách chơi này vừa giúp củng cố hàng phòng ngự mà vẫn có thể tận dụng những phẩm chất cùa hàng công cho một giải đấu rất quan trọng như World Cup.
Biết vậy nhưng có không ít người vẫn bất ngờ khi thấy những đội bóng có hàng công siêu mạnh như Argentina hay Hà Lan cũng quyết định tạm thời từ bỏ bóng đá tấn công để phục vụ cho kết quả trên sân cỏ. Tất nhiên, một số đội bóng như Tây Ban Nha, Đức, Colombia, Chile, Anh… vẫn chơi một cách rất tích cực nhưng vẫn không thể gọi đó là bóng đá tấn công đích thực.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là ở World Cup 2014 không có bóng đá tấn công. Điều đó được thể hiện rất rõ ở những trận đấu có sự chênh lệch về trình độ (Pháp - Honduras, Hà Lan - Australia, Argentina - Iran, Bỉ - Nhật…) hoặc khi đối thủ mạnh nhưng bỗng dưng có vấn đề (Đức - Bồ Đào Nha, Đức - Brazil…) hoặc khi một đội buộc phải dồn lên để tìm kiếm bàn thắng (Bỉ - Mỹ, Hà Lan - Mexico, Colombia - Brazil…). Thế nhưng, bóng đá tấn công ở đây hoặc chỉ diễn ra theo một chiều hoặc chỉ xuất hiện ở những thời điểm nhất định của trận đấu.
Vẫn có nhiều bàn thắng
Do vậy, có thể khẳng định Brazil 2014 không phải là đất lành cho bóng đá tấn công. Bởi bên cạnh việc không có bóng đá tấn công đích thực thì ngoài đội tuyển Đức, tất cả những đội bóng còn lại chủ trương chơi bóng tích cực như Tây Ban Nha, Colombia, Chile… đều lần lượt bị loại trước ngưỡng cửa của vòng bán kết.
Thế nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi tại World Cup 2014 xuất hiện không ít những cuộc đối đầu quyết liệt của bóng đá phòng ngự phản công (Argentina - Hà Lan, Hà Lan - Costa Rica, Anh - Italia, Italia - Uruguay…) chứ hầu như không thấy bóng dáng của những cuộc đọ sức giữa bóng đá tấn công.
Ở đây, sơ đồ chiến thuật không đóng vai trò quyết định. Dù có chơi với ba (Argentina, Pháp, Bồ Đào Nha…), hai (Mexico, Hà Lan…) hay một tiền đạo (Brazil, Italia…) thì vẫn cứ là phản công. Và dù có bố trí năm (Costa Rica, Uruguay…), bốn (Argentina, Mexico, Bồ Đào Nha…) hay ba hậu vệ (Hà Lan…) thì vẫn cứ là phòng ngự.
Thế nhưng, dù bị bóng đá phản công chi phối nhưng World Cup 2014 vẫn có nhiều bàn thắng (170 bàn, chưa tính trận chung kết). Đó là một nét tích cực và cũng có thể nhờ đó mà lối chơi phòng ngự phản công tại Brazil 2014 không bị chỉ trích quá nhiều.
Bạn có biết? World Cup 2014 là giải đấu đầu tiên Hà Lan không thua trận nào (không tính các trận phân định thắng-thua bằng loạt đá penalty). Trong lần tham dự World Cup thứ 10 này, “Lốc Da cam” đã thắng Tây Ban Nha, Australia, Chile, Mexico và Brazil, và hòa với Costa Rica và Argentina. |
Nam Khang
Thể thao & Văn hóa
Tags