Biến thể Delta và Delta Plus nguy hiểm thế nào?

Thứ Hai, 28/06/2021 22:01 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Sự lây lan mạnh của biến thể Delta đang gây ra các làn sóng lây nhiễm mới ngay cả ở những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở mức cao. Không những vậy, báo cáo mới về sự xuất hiện và lây lan của biến thể “Delta Plus” (Delta+), phiên bản đột biến mới của biến thể Delta cũng đang gây ra những lo ngại. Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cảnh báo cần tiếp tục tăng tốc các chiến dịch tiêm chủng để kiềm chế dịch bệnh.

Số phận của thói quen bắt tay sau đại dịch Covid-19

Số phận của thói quen bắt tay sau đại dịch Covid-19

Còn nhớ khi đại dịch COVID-19 mới bùng phát trên toàn thế giới vào khoảng đầu năm 2020, hình ảnh những cái bắt tay vốn là biểu tượng của tình hữu nghị và hợp tác bỗng trở thành điều cấm kỵ vì đó là một trong những thói quen bị cho là góp phần làm lây lan virus SARS-CoV-2.

* Biến thể Delta tiếp tục lây lan mạnh, đe dọa nỗ lực kiềm chế dịch bệnh

Biến thể Delta, còn được gọi là B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 10/2020 tại bang Maharashtra, Ấn Độ. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, biến thể này nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ và nhiều nước trên thế giới. Tuy xuất hiện sau các biến thể như Alpha (phát hiện lần đầu ở Anh), Beta (ở Nam Phi) và Gamma (ở Brazil), nhưng hiện nay biến thể Delta đang dần trở thành chủng trội toàn cầu do khả năng lây nhiễm cao.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 25/6 cho biết nhiều nước trên thế giới hiện nay đều lo ngại về biến thể Delta và WHO cũng quan ngại về biến thể này. Theo ông Ghebreyesus, Delta là biến thể dễ lây lan nhất trong số các biến thể của virus SARS-CoV-2 được xác định đến nay. Biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 85 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng ở những cộng đồng chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Ông cũng nhận định dịch bệnh đang gia tăng trở lại trên khắp thế giới là do các nước nới lỏng những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

Chú thích ảnh
Biến thể Delta Plus mang đột biến K417N, phân biệt nó với biến thể Delta

Các chuyên gia y tế đều coi Delta là biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất trên thế giới. Hiện số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng trở lại ở Nga, Australia, Israel và ở nhiều khu vực tại châu Phi, một phần là do biến thể Delta. Với khả năng lây nhiễm cao, biến thể Delta có nguy cơ đảo ngược cả những thành quả chống dịch khá ấn tượng tại các quốc gia có độ tiêm chủng nhanh như Mỹ và châu Âu.

Ở châu Âu, tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể Delta đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Biến thể Delta được đánh giá là có khả năng lây lan nhanh hơn 40-60% so với biến thể Alpha, biến thể mà cũng được cho là có thể lây nhiễm nhanh hơn so với chủng ban đầu gây ra làn sóng dịch bệnh đầu tiên. Số liệu nghiên cứu từ Chính phủ Anh cho thấy nếu tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 có thể giảm đến 96% khả năng phải nhập viện và 79% nguy cơ mắc bệnh có triệu chứng do biến thể Delta. Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều, khả năng bảo vệ kém hơn nhiều, chỉ ở mức 35%.

Tại Bồ Đào Nha, 96% các ca mắc COVID-19 mới đều là do biến thể Delta gây ra. Do lo ngại các biến thể có nguy cơ lây nhiễm cao, Đức ngày 25/6 đã đưa Bồ Đào Nha và Nga vào danh sách các nước có sự lây lan của biến thể, theo đó cấm hầu hết những hành khách đến từ hai quốc gia này. Từ ngày 29/6 tới, chỉ công dân và những người cư trú tại Đức mới được phép trở về nước này từ Nga và Bồ Đào Nha, còn những hành khách khác sẽ bị cấm. Tuy nhiên, những người nhập cảnh vào Đức từ hai quốc gia trên sẽ phải thực hiện cách ly 2 tuần dù có xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính. Hiện cả Nga và Bồ Đào Nha đều thông báo về sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Delta.

Tại Mỹ, số liệu công bố tuần trước cho thấy 35% số ca bệnh mới là nhiễm biến thể Delta, tăng từ khoảng 10% ghi nhận vào ngày 5/6. Biến thể Delta lây sang cả những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Mỹ và tiếp tục lan rộng trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang nhanh chóng mở cửa trở lại. Cho rằng biến thể Delta là "mối đe dọa lớn nhất" đối với những nỗ lực kiểm chế dịch bệnh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ Anthony Fauci đã kêu gọi đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay có hiệu quả kém hơn một chút trong phòng ngừa biến thể Delta nhưng vẫn cho thấy hiệu quả cao nếu tiêm đủ 2 liều. 

Chú thích ảnh
Hàng trăm CĐV Phần Lan nhiễm Covid-19 sau khi xem VCK EURO 2020

Tình hình tương tự cũng xảy ra ở Israel. Ngày 25/6 nước này đã phải tái áp đặt quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng, 4 ngày sau khi nước này ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ. Bước đi này được đưa ra sau 10 ngày Israel gỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trong không gian kín nơi công cộng mới có hiệu lực từ ngày 15/6. Israel cũng đã khuyến cáo hạn chế đi và đến Belarus and Kyrgyzstan do tình hình dịch bệnh tại 2 nước này đang diễn biến phức tạp. Nước này cũng nới lỏng cảnh báo đi lại đối với Maldives và Nepal, do số ca nhiễm mới tại 2 quốc gia châu Á này đã giảm.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, Delta đang tạo nên làn sóng lây nhiễm mới ở các nước vốn đã chật vật đối phó đại dịch, đồng thời củng cố sự thận trọng của các nền kinh tế áp dụng chiến lược "dập dịch" dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.  Ở Indonesia và Thái Lan, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức một con số, biến chủng Delta đang làm gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, khiến nhà chức trách ở Jarkata mới đây phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số khu vực của thủ đô. Còn tại Singapore, nơi hơn một nửa dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine COVID-19, giới chức y tế cũng cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng ca nhiễm gần đây là do chủng Delta.  

Còn tại Nam Phi, quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 tại châu Phi, với tổng số ca nhiễm ghi nhận đến nay là 1.928.897 ca, bao gồm 59.900 ca tử vong, để ứng phó với dịch COVID-19 đang diễn biến xấu đi do sự lây lan của biến thể Delta, nước này đã áp đặt các biện pháp phong tỏa mạnh hơn sau khi các nhà khoa học công bố phần lớn các ca nhiễm mới ở nước này là các ca nhiễm biến thể Delta. Theo đó, từ ngày 28/6 đến ngày 11/7,  Nam Phi thực hiện lệnh phong tỏa cấp 4. Mọi hoạt động tập trung đông người trong không gian kín và mở đều bị cấm; áp dụng giới nghiêm từ 21h hôm trước đến 4h sáng hôm sau; Các cơ sở kinh doanh hàng hóa và dịch vụ không thiết yếu đều phải đóng cửa trước 20h hằng ngày,... Các trường học sẽ bắt đầu đóng cửa từ ngày 30/6 và đến cuối tuần này tất cả các trường học đều đóng cửa…

* Cảnh báo về biến thể Delta Plus

Trong lúc các ca nhiễm mới gia tăng nhanh liên quan đến biến thể Delta,  WHO cũng cho biết đang theo dõi các báo cáo mới đây về biến thể “Delta Plus” (Delta+). Delta Plus là phiên bản đột biến mới của biến thể Delta.

Ngày 20/6 vừa qua, ngành y tế Ấn Độ lần đầu tiên phát đi cảnh báo về các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tên gọi là Delta Plus (B.1.617.2.1). Ngày 22/6, chính phủ Ấn Độ cho biết đã phát hiện 22 ca đã nhiễm biến thể Delta Plus ở ba bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh, đồng thời nhấn mạnh đây là một "biến thể gây lo ngại". Các nhà chức trách địa phương ngay sau đó đã lập nhiều khu cách ly, phong tỏa tại những nơi phát hiện ra biến thể này.

Nếu như biến chủng Delta đã được ghi nhận ở hơn 80 quốc gia, thì Delta Plus hiện đã được tìm thấy ở 11 quốc gia trên thế giới. Delta Plus đang là chủng có tốc độ lây lan mạnh mẽ  và khiến đại dịch có nguy cơ quay trở lại Vương quốc Anh, Mỹ và Ấn Độ.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng Covid-19

Delta Plus được cho là sở hữu tất cả các đặc điểm của biến thể Delta (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ), kết hợp với đột biến trong biến thể Beta (phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi). Theo nhận định ban đầu, giống như biến thể Delta, Delta Plus được coi là có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh. Nó cũng cho thấy khả năng bám chặt hơn vào các thực thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng.

Biến thể Delta Plus lần đầu tiên được phát hiện tại châu Âu  vào tháng 3/2021, tuy nhiên mãi đến ngày 13/6, biến thể này mới được biết đến. Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ là một trong 10 quốc gia đã phát hiện biến thể Delta Plus, cùng với Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Ba Lan, Nepal, Trung Quốc và Nga.

Theo các chuyên gia, Delta Plus có một đột biến bổ sung được gọi là K417N, giúp phân biệt nó với biến thể Delta thông thường. Đột biến này ảnh hưởng đến protein gai - một phần của virus gắn vào các tế bào mà nó lây nhiễm. Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về kịch bản Delta Plus có thể gây ra làn sóng COVID-19 thứ ba tại Ấn Độ, nhất là khi số ca mắc liên quan đến biến thể này chưa nhiều. Một số chuyên gia về virus thắc mắc việc Ấn Độ gọi Delta Plus là biến thể “gây lo ngại” vì cho rằng hiện chưa có dữ liệu chứng tỏ nó lây nhiễm dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với biến thể khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng tất cả các dòng của Delta đều là biến thể “đáng lo ngại” nên không có gì bất thường khi xếp Delta Plus vào nhóm này.

Có một điều chắc chắn là cả Delta hay Delta Plus đều là những “kẻ thù giấu mặt”, có thể khiến đại dịch quay trở lại trong thời gian tới nếu các quốc gia không tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19. Ngoài những biến thể đã được ghi nhận, hiện nay WHO còn đang theo dõi khoảng 50 biến chủng virus SARS-CoV-2, bao gồm biến chủng Lambda được các nhà khoa học ở Nam Mỹ như Chile, Peru, Ecuador và Argentina phát hiện. Đến nay, các chuyên gia y tế đều chung nhận định, cách tốt nhất đề phòng chống sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2 là người dân các quốc gia nên tuân theo các biện pháp phòng dịch và thực hiện tiêm vaccine càng sớm càng tốt.

Trọng Đức (tổng hợp)/TTXVN

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›