Biến tấu cùng EURO: Gót Achilles của các ông lớn và câu chuyện về chim Turul

Thứ Tư, 19/06/2024 18:17 GMT+7

Google News

Vòng đấu bảng đã đi qua lượt trận thứ nhất với không quá nhiều bất ngờ, ngoài việc Bỉ - đội tuyển đang đứng thứ 3 thế giới, ứng cử viên tiềm năng của chức vô địch đã để thua Slovakia, đối thủ đến từ một quốc gia Trung Âu nhỏ bé, với diện tích chưa đầy 50 ngàn cây số vuông và trên bảng xếp hạng FIFA sau Bỉ đến 45 bậc.

1. Chiến thắng không hề từ may mắn của các chàng trai xứ Slav trước những con "Quỷ đỏ" khi họ đã bắt bài và khai thác được lỗ hổng trong lối đá tấn công tốc độ nhanh của đối phương để có bàn thắng sớm ngay ở phút thứ 7. Trận đấu đã gay cấn đến tận phút thứ 99, với những đợt tấn công càng về cuối càng trở nên tuyệt vọng của đội quân áo đỏ khi mà các chân sút của họ, điển hình là Lukaku, đã quá vô duyên. Thêm vào đó, sự rối loạn lộ rõ khiến sự phối hợp đồng đội giữa các cầu thủ Bỉ trở nên quá tệ, hệ quả là cả 3 bàn thắng họ ghi được đều bị VAR từ chối.

Ở các bảng đấu khác, ngoài Tây Ban Nha và Đức có được khởi đầu thuận lợi, các ứng cử viên Hà Lan, Italy, Anh, Pháp… dù đều có được cho mình 3 điểm đầu tiên, nhưng đã bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại khi các chiến thắng đều nhờ vào sự tỏa sáng của ngôi sao.

Hà Lan và Italy phải vất vả lội ngược dòng khi đều bị các đối thủ nhẹ cân hơn ghi bàn trước. Ở trận đấu với nhà đương kim vô địch châu Âu Italy, đội tuyển Albania đã tạo nên một kỷ lục của giải đấu khi đã bất ngờ đưa bóng vào lưới Italy ngay ở giây thứ 23.

Tại Hamburg, hơn 40.000 cổ động viên Hà Lan như một dòng thác màu cam nhuộm khắp mọi con phố rồi cuồn cuộn đổ vào sân vận động tràn lên các khán đài tạo nên hình ảnh và âm thanh vượt trội. Nhưng chỉ ở phút thứ 16, biển cam đó đã phải lặng sóng trước pha ghi bàn của Adam Buksa khi anh đã nhảy lên cao hơn cả Denzel Dumfries lẫn Virgil van Dijk đánh đầu đưa bóng vào lưới. Hà Lan đã khá chật vật mới có thể gỡ hòa và phải đến phút cuối cùng của trận đấu mới có được bàn thắng vươn lên.

Ở trận đấu còn lại của bảng D, dàn hảo thủ của Pháp đã có một chiến thắng mờ nhạt trước Áo nhờ pha phản lưới nhà của Maximilian Wober- sau màn đi bóng đẳng cấp của Mbappe làm hoa mắt hàng phòng ngự Áo.  Nhưng chiến thắng nhọc nhằn này đã gây cho Pháp quá nhiều bất lợi và khiến ông Deschamps phải đau đầu khi cả Antoine Griezman lẫn Mbappé đều bị thương. Vết thương của Mbappé đã khiến anh suýt phải phẫu thuật và rời giải ít nhất là 10 ngày. May mắn là tiền đạo đã có được giải pháp đeo mặt nạ để tiếp tục thi đấu.

Có thể thấy, các đội bóng lớn đang quá phụ thuộc vào sự tỏa sáng của các ngôi sao - yếu tố cá nhân trong một đấu trường đòi hỏi tính tập thể cao. Và đây chính là gót Achilles của họ.

Biến tấu cùng EURO: Gót Achilles của các ông lớn và câu chuyện về chim Turul - Ảnh 1.

Đại bàng Đức coi chừng bất ngờ từ chim Turul Hungary

2. Nước Hungary trung cổ được thành lập vào năm 996, bởi một thủ lĩnh người Magyar đã thống nhất các bộ lạc Magyar lại rồi đưa họ di cư khỏi vùng đồng bằng Trung Á vào vùng đồng bằng Pannonia sinh sống, lập nên vương triều Arpad - vương triều đầu tiên của Hungary.

Hungary trung cổ khi đó có diện tích lớn hơn nước Pháp và dân số đứng thứ ba tại châu Âu, từng sở hữu một đội quân hùng mạnh đánh chiếm sang tận Tây Âu và sáng lập ra nhiều bộ luật mang tính tiên phong trên bình diện châu Âu.

Có một truyền thuyết rất lãng mạn và bi hùng về quá trình di cư từ Á sang Âu để tìm đất và lập nước của thủ lĩnh Arpad. Ông và bộ lạc đi cùng đã luôn được sự bảo vệ, dẫn đường của chim Turul - một loài chim săn mồi trong thần thoại, được miêu tả như con diều hâu. Tương truyền, chim Turul đã thả một thanh kiếm trên vùng đất mà ngày nay là Budapest để tín hiệu tới người Magyar lập nghiệp ở đây. Turul sau đó đã trở thành một trong những biểu tượng quốc gia của Hungary. Truyền thuyết cũng nói rằng sau đó Turul đã bay đi và chưa từng quay trở lại…

Liệu Turul có quay về Stuttgart đêm nay để giúp đội quân xanh trắng thoát khỏi cặp móng vuốt Đại bàng sông Rhine khi các "Csikós" đã bị ngã ngựa trong trận đấu trước đó với Thụy Sĩ?

Lịch sử đối đầu giữa hai bên Hungary và Đức đang là khá cân bằng. Đại bàng sông Rhine gần đây đã không cho thấy sự vượt trội đối thủ, chưa kể họ còn có những trận đấu dưới cơ mà chỉ nhờ may mắn mới thoát thua. Mặc dù đang thăng hoa sau chiến thắng trước Scotland và được thi đấu trên sân nhà, nhưng người hâm mộ dường như chưa an tâm về sự sắc nhọn của "móng vuốt" cũng như khả năng săn mồi của Đại bàng sông Rhine đang mới vực dậy sau đợt ốm dài ngày.  

Đại bàng sông Rhine ơi, hãy dè chừng sự quay lại của chim Turul, khi đó sức mạnh của đội kỵ sĩ (Csikós) sẽ nhân lên gấp bội. Nhớ nhé, phải khéo léo, mới có thể chiến thắng!


Nhà thơ, Nhà báo Đoàn Ngọc Thu

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›