Biến đổi khí hậu: Giới khoa học bất an vì sự tăng nhiệt bất thường

Thứ Hai, 16/12/2024 16:29 GMT+7

Google News

Không chỉ các khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà còn có nhiều yếu tố chưa xác định khác dường như cũng đang góp phần đẩy nhiệt độ toàn cầu tăng đột biến trong hai năm trở lại đây. 

Điều này khiến các nhà khoa học lo ngại về tương lai của Trái đất khi mà những dự báo trước đây về mức tăng nhiệt độ dường như không còn chuẩn xác và khí hậu ngày càng trở nên bất định hơn.

Theo số liệu ghi nhận, trong hai năm qua, các kỷ lục về nhiệt độ Trái đất đã liên tục bị phá vỡ một cách khó lý giải, ngay cả khi áp dụng những phương pháp dự báo khoa học tốt nhất hiện nay. Tổ chức Khí tượng Thế giới cho biết lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch chạm mức cao kỷ lục trong năm 2023 đã làm tăng mạnh nhiệt độ trên bề mặt biển và nhiệt độ trong không khí. Nếu tính trong giai đoạn từ tháng 6/2023 - 9/2024, nhiệt độ toàn cầu đã thay đổi không theo bất cứ mô hình nào từng được biết đến trước đây, và năm 2023 và 2024 có thể là những năm nóng nhất từ trước đến nay.

Biến đổi khí hậu: Giới khoa học bất an vì sự tăng nhiệt bất thường - Ảnh 1.

Trẻ em làm mát bên đài phun nước trong ngày nắng nóng ở Rome, Italy, ngày 14/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Gavin Schmidt, Giám đốc Viện nghiên cứu không gian Goddard của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết nhiệt độ Trái đất trong hai năm 2023 và 2024 đã cao hơn hẳn các năm trước mà không rõ lý do cụ thể. Các nhà khoa học vẫn đang đánh giá về những gì đã xảy ra, cũng như xem xét các tác động đối với cách thức hoạt động của hệ thống khí hậu. Họ muốn tìm ra nguyên nhân gây ra sự tăng nhiệt bất thường này, từ các mô hình đám mây, tình trạng ô nhiễm không khí đến khả năng lưu trữ carbon của Trái đất. Tuy nhiên, để tìm được câu trả lời rõ ràng và thuyết phục, các nhà khoa học sẽ phải mất thêm ít nhất 1-2 năm nghiên cứu nữa.

Hiện có một giả thuyết nổi lên cho rằng việc các nước chuyển dịch quá nhanh sang sử dụng nhiên liệu sạch vô hình chung đã đẩy nhanh quá trình nóng lên của Trái đất, do lượng khí thải giảm khiến cơ chế "bẫy nhiệt" ở gần bề mặt Trái đất không còn hoạt động và các đám mây khi đó hoạt động như gương phản chiếu, thay vì ngăn ánh sáng Mặt trời.

Giới nhà khoa học lo ngại, nếu không có một bức tranh toàn cảnh rõ ràng, nhân loại có thể sẽ bỏ qua những yếu tố đang làm thay đổi mạnh mẽ hệ thống khí hậu. Theo lời của chuyên gia Richard Allan đến từ Đại học Reading của Anh, nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục trong hai năm qua đã khiến Trái đất trở nên khó dự báo hơn. Ông Johan Rockstrom từ Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam cũng cảnh báo việc Trái đất nóng lên nhanh chóng trong thời kỳ El Nino nhưng lại không hạ nhiệt đủ nhanh trong thời kỳ El Nina có thể là dấu hiệu đầu tiên về việc hành tinh của chúng ta đang dần mất đi khả năng phục hồi.

Đài Trang/TTXVN

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›