'Bí mật' trong tấm bình phong Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Tổng thống Pháp

Thứ Ba, 06/09/2016 14:06 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/9, trong cuộc hội kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, Tổng thốngTổng thống Francois Hollande đã được người đứng đầu Chính phủ Việt Nam trao món quà mang tên Dấu ấn ngàn năm.

Món quà là một tác phẩm bình phong 4 bức bằng chất liệu gỗ sơn mài, mặt trên có điêu khắc chân dung 4 trí thức Pháp đã dành tặng cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam và bên cạnh họ là những công trình kiến trúc Pháp cổ liên quan đến những cống hiến của họ mà ngày nay đã trở thành những di sản văn hóa đã và đang được Việt Nam gìn giữ.


Sáng 6/9/2016, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Cộng hòa Pháp Francois Hollande đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 5-7/9/2016. Ảnh: An Đăng – TTXVN

Các trí thức đó là Bác sĩ, nhà vi trùng học Alexandre Yersin (1863 - 1943), hiệu trưởng trường Đại học Y khoa đầu tiên ở Đông Dương. Ông có nhiều đóng góp y học ở Việt Nam và cũng là người phát hiện ra cao nguyên Langbiang. Bên cạnh Alexandre Yersin là hình ảnh Trường Y khoa Đông Dương.

Chân dung Nhà khảo cổ học Madeleine Colani (1866 - 1943), người đã dành trọn cuộc đời cho các nghiên cứu về thời tiền sử Việt Nam, là người đã phát kiến ra thuật ngữ “Văn hóa Hòa bình” như một giai đoạn của tiến trình lịch sử nhân loại. Bên cạnh bà là Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (1926 - 1932).

Được thiết kế bởi các kiến trúc sư người Pháp C. Batteur và E. Hébrard, công trình này được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, kết hợp các giá trị của nền kiến trúc Pháp với văn hóa bản địa. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật khảo cổ quý của Việt Nam.

Trí thức thứ 3 là Victor Tardieu (1870 - 1937), họa sĩ sáng lập ra Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội (1927) góp phần đào tạo ra các thế hệ nghệ sĩ tạo hình đầu tiên của Việt Nam và sáng lập “trường phái hội họa Đông Dương”. Bên cạnh ông là Nhà hát lớn Hà Nội (1901 - 1911), công trình kiến trúc lớn với những giá trị kiệt xuất về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và mỹ thuật.

Cuối cùng là chân dung Raymond Aubrac (1914 - 2012), một trí thức kháng chiến chống Phát xít, Ủy viên Cộng hòa Pháp vùng Marseille, người bạn thân thiết và người trợ giúp đắc lực Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những cuộc thương lượng hòa bình trong lịch sử hiện đại Việt Nam .

Bên cạnh ông là công trình Cầu Long Biên (1898 - 1902), cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng do hãng Daydé & Pillé (Pháp) thiết kế với kiểu dáng độc đáo giống cầu Tolbiac ở quận 13, Paris trên tuyến đường sắt Paris-Orléans. Đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương lúc đó và là một chứng nhân vô giá của lịch sử Việt Nam đã kiên cường trụ vững qua hai cuộc chiến tranh.

Tấm bình phong “Dấu ấn thời gian” được thực hiện dưới sự cố vấn của nhà sử học Dương Trung Quốc, thiết kế và vẽ tay bởi nghệ sĩ người Pháp Elizabeth de Roquefeuil - giám đốc nghệ thuật của Hanoia. Tặng phẩm độc bản này có kích thước, được làm hoàn toàn thủ công trong gần 3 tháng, bởi những nghệ nhân sơn mài giỏi nhất Việt Nam.

Tấm bình phong bốn bức được viền những lá vàng Moon Gold - là chất liệu vàng cao cấp nhất trên thế giới mà những thương hiệu xa xỉ như Hermes thường sử dụng cho các sản phẩm của mình; kết hợp với bàn tay khéo léo và tài hoa của những người thợ, bí kíp cổ xưa và kỹ thuật đặc thù được hoà trộn nhuyễn mượt đã tạo nên độ tinh xảo, vẻ thanh lịch và duyên dáng đặc biệt cho tác phẩm.

Để hoàn thành bức bình phong, những người thợ tinh hoa đến từ 2 thủ phủ sơn mài cổ Việt Nam là Hạ Thái và Tương Bình Hiệp đã trải qua 25 công đoạn thao tác khắt khe và tỉ mỉ, được phủ tới 17 lớp sơn với kỹ thuật kết tinh từ sơn mài truyền thống.

Thảo Nhi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›