(Thethaovanhoa.vn) - Junko Tabei là ai? Ngày còn bé, Junko Tabei sinh ngày 22 tháng 9 năm 1939 là một đứa trẻ ghét thể thao, ốm yếu và thiếu tự tin. Nhưng đứa bé ấy tự đặt cho mình một mục tiêu đầy kỳ vọng: là phụ nữ đầu tiên chinh phục đỉnh Mount Everest (tức Chomolungma), đỉnh cao nhất dãy Himalaya với 8.848m. Phương châm của Tabei: “Ai có hai chân và biết đi, người ấy cũng trèo núi được. Quan trọng là ý chí”.
Ý nghĩ cuối cùng
… hướng đến Noriko, cô con gái yêu mới lên 3 và chưa thể ý thức được thế nào là mất mẹ. Junko Tabei hình dung ra cảnh đứa bé bên mộ mẹ. Tất cả nhòa đi bởi những chấm màu tím nhảy nhót trước mắt, dần chuyển sang màu đen kịt, rồi ngất đi. Một cơn tuyết lở vùi lấp VĐV leo núi 35 tuổi và bóp nghẹt nguồn dưỡng khí. 6 phút. Cho đến khi được trợ lý Ang Tshering người Nepal dùng tay không bới ra.
Ba ngày liền, Junko Tabei nằm trong túi ngủ nhồi lông vũ, khắp người tím bầm vì xuất huyết dưới da. Không thể trở mình, thậm chí không nghĩ nổi một ý nghĩ mạch lạc.
Rồi Junko Tabei bò dậy, chui ra khỏi túi ngủ, lần từng bước chậm chạp nhưng chắc chắn. Ngày 16/5/1975, đúng 12 giờ 30 thì Junko Tabei đặt chân đến đích: người phụ nữ đầu tiên chinh phục ngọn núi cao nhất hành tinh đỉnh Everest.
Ngẫu nhiên hay theo kế hoạch thì không quan trọng: 1975 cũng là năm quốc tế của phụ nữ. “Phụ nữ xóa khoảng cách biệt cơ bắp!”, giới nữ quyền reo lên. Cả thế giới hân hoan ca ngợi người phụ nữ Nhật Bản mảnh khảnh, cao 1,52m. Chẳng ai biết là Junko Tabei không có mục đích gì về phong trào phụ nữ lẫn mong muốn đi vào lịch sử. “Tôi chỉ làm việc tôi muốn”, Tabei cười hiền hậu. Nhìn bà không ai đoán ra tuổi 75. “Tôi nhỏ thó và chậm chạp, hay bị ốm, nên tôi rất ghét phải đua tranh với các bạn cùng trường. Hồi lên 10, tôi cùng cả lớp leo lên đỉnh một ngọn núi nhỏ ở địa phương, Mount Nasu. Khi trèo núi tôi nhận ra: Mỗi người tự chọn tốc độ cho mình, không việc gì phải ganh đua với ai. Tầm nhìn trên đỉnh núi đã thay đổi cuộc đời tôi, vì ở đó tôi đã khám phá ra một thế giới hoàn toàn mới”.
Niềm đam mê này không buông Junko Tabei ra nữa. Tabei thành lập câu lạc bộ nữ VĐV trèo núi năm 30 tuổi. Ít lâu sau, Tabei chinh phục đỉnh Annapurna III nằm trong danh sách trên ngưỡng 7.000m. Quyết định nhắm đến đỉnh Everest chỉ còn là vấn đề thời gian. Cô được chồng ủng hộ, cũng là một người chia sẻ nỗi đam mê: hai người ngày xưa làm quen nhau khi trèo núi. Ông Masunobu chỉ có một đề nghị với vợ: tạm lui kế hoạch để sinh một đứa con.
Tabei nhất trí với chồng
… và nộp đơn khi có mang tháng thứ tư. Khi con gái ra đời chưa đầy nửa năm thì giấy phép cho năm 1975 được gửi về nhà. Người ta dự định lập một nhóm trèo núi toàn phụ nữ, do Tabei dẫn đầu. Một cuộc cách mạng không chỉ đối với xã hội Phù Tang còn nặng nề tính truyền thống, mà còn với lĩnh vực thể thao leo núi vốn hầu như được coi là độc quyền của nam giới. “Ai nghe tin này cũng lắc đầu ngán ngẩm, ngay cả các VĐV leo núi cũng không tin vào thành công”, Junko Tabei kể lại.
Các nữ VĐV không kiếm đâu ra nhà tài trợ. May mắn vào phút chót, một kênh truyền hình và một nhật báo đứng ra bảo trợ tài chính. Tuy nhiên số tiền quá ít ỏi, khiến cả đoàn phải tính toán chi li. Họ sắm rất ít đinh thép để đóng vào sườn núi, tiết kiệm cả ô-xy, chỉ dùng mặt nạ dưỡng khí khi lên cao hơn 7.500m. Khác với hôm nay, mỗi mùa leo núi dạo ấy chỉ có một đội được cấp phép, nghĩa là chưa có lối mòn của người đi trước, mỗi lần leo núi là một cuộc khám phá mới. Đội của Junko Tabei gồm 15 phụ nữ, được trợ giúp bởi 9 trợ lý người địa phương. Và họ chọn sườn núi phía Đông Nam, đây là tuyến đường do Edmund Hillary người Anh khai phá lần đầu vào năm 1953.
Ngày 5/5, khi đang nghỉ chân ở trạm trung tuyến trên độ cao 6.300m, một cơn tuyết lở khiến cả đội suýt bỏ mạng. Với sự động viên của các trợ lý người Nepal, Tabei quyết định đi tiếp. “Không ai chết, không ai gãy xương, có lý gì mà bỏ cuộc”, Tabei nói, tựa như không phải đó là quyết định giữa sống và chết.
Những mét cuối cùng
… lại là phần ký ức mà Junko Tabei không ưa gợi ra. “Tôi kiệt quệ, mất hết ý chí, tôi bò lên cao như trong cơn mộng mị, luôn nắm tay người bạn đồng hành địa phương”. Khi đỉnh núi đã vào tầm nhìn thì đột nhiên một cầu đá mỏng manh phủ đầy tuyết hiện ra. Không ai biết đến nó từ trước. Một bước chệch là người ta rơi hàng nghìn mét xuống khe sâu. Tabei dịch chuyển từng phân một, sau này nhìn lại thì đó là những giây phút căng thẳng nhất trong đời…
“Một lúc nào đó, tôi cũng không ý thức được rõ ràng, Ang Tshering hét lên: Ta đến rồi!”. Và Tabei thuật lại một cách trần trụi nhưng chân thành giây phút thiêng liêng ấy: “Tôi không kiêu hãnh, tôi không sung sướng, cảm giác duy nhất lúc đó chỉ là nhẹ người. Tôi không muốn và không thể dấn thêm một bước nào nữa. Không bao giờ nữa”.
Dù sao thì họ cũng trụ lại trên đỉnh Mount Everest chừng 50 phút để Tabei cắm lá cờ Tổ quốc và cờ Nepal vào nền băng vĩnh cửu. Sau đó gọi điện cho cả đội đang đợi ở trạm nghỉ. Hai người chụp hết cả chục cuộn phim rồi trèo xuống. Quay lại đất nước hoang sơ nhưng hạnh phúc mà không ai ngờ sẽ có ngày biến dạng toàn bộ khuôn mặt sau thảm họa động đất hôm 25/4/2015 vừa qua. “Động đất là một phần mặc định của đời tôi. 2011, thành phố Fukushima quê tôi đến lượt. Và bây giờ là Nepal, quê hương thứ hai của tôi. Nhiệm vụ trong phần đời còn lại của tôi sẽ là cứu trợ Nepal”, Tabei tâm sự.
Ngay từ 1990 Junko Tabei đã hoạt động trong Hội Thám hiểm Himalayan Adventure Trust Of Japan với tiêu chí bảo vệ môi trường Nepal, nay thêm nhiều sứ mệnh sống còn đối với đất nước bị tàn phá. Họ quyên tiền cứu trợ và áo rét để gửi sang đó. Tabei đợi dịp gần nhất để đến các làng Lukla, Namche Bazaar và Khumjun: dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề dẫn đường và vận tải thiết bị cho VĐV leo núi, và họ đã cứu sống đội leo núi của Tabei trước đây 40 năm.
Junko Tabei mất ngày 20 tháng 10 năm 2016 ở tuổi 77 sau một thời gian mắc bênh ung thư.
Những hình ảnh về Đỉnh Mount Everest
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags