Bi kịch của 'Lục Vân Tiên'

Thứ Năm, 16/02/2017 07:04 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện về chàng "Lục Vân Tiên" tại Bắc Ninh đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, với tất cả cung bậc bi, hài và chua chát đi kèm.

Vài ngày trước, thấy một cô gái qua đường bị thương sau vụ va chạm với xe taxi, anh Nguyễn Hải Sơn (35 tuổi) đã chủ động hỗ trợ bằng cách đưa nạn nhân tới  bệnh viện đa khoa tỉnh để cấp cứu. Tới nơi, anh dùng điện thoại cá nhân gọi người thân của cô gái qua làm thủ tục.

Để rồi, mươi phút sau, Sơn bất ngờ nhận một nhát dao vào mạng sườn, từ một trong số những người quen của nạn nhân. Lý do khá đơn giản: không cần hỏi han, họ tưởng anh là thủ phạm gây tai nạn.

Đến giờ, chàng Lục Vân Tiên đáng thương vẫn đang nằm cấp cứu trong bệnh viện - trong khi cơ quan chức năng đang khẩn trương điều tra danh tính kẻ gây án và đã có những kết quả ban đầu.


Anh Nguyễn Hải Sơn đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh

Đáng nói, câu chuyện của anh Sơn không phải là cá biệt. Chúng ta đã chứng kiến qúa nhiều trường hợp tương tự, khi bạo lực lên ngôi theo kiểu "hở ra là đánh".

Chẳng hạn tháng 10/2016, tại Nghệ An, 2 nữ sinh phải quỳ gối giữa đường, rồi bị đánh nghiêm trọng vì... không trả lời tin nhắn trên Facebook.

Tháng 12/2016, tại Hà Nội, một người đã bị đánh khi nhắc nhở "hàng xóm" trong cùng chung cư không nhổ nước bọt ra thang máy.

Tháng 1/2017, cũng tại Hà Nội, một người truy bắt cướp xe máy cũng bị hiểu nhầm và đánh tới mức nhập viện. Rồi cuối tháng 1/ 2017, một người đàn ông ở Quảng Nam bị đánh suýt chết vì... mời bia không uống.

Dường như, cộng đồng đang chứng kiến đủ sắc thái của bạo lực: từ bạo lực học đường tới bạo lực ngoài xã hội; từ nguyên nhân "xả hận" tới những lý do lãng xẹt; từ nạn nhân là những "Lục Vân Tiên" tới những nữ sinh vô tư.

Rõ ràng, một ý niệm cơ bản đang chi phối rất nhiều người, khi có sự cố ngoài ý muốn hoặc một chuyện nhỏ làm bực mình, người ta không nói chuyện với nhau bằng lý, bằng tình. Người ta dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Trường hợp "Lục Vân Tiên" ở Bắc Ninh cũng không nằm ngoài guồng quay ấy. Người ta đánh anh vì bức xúc, hiểu nhầm anh đã gây tai nạn cho người thân đã đành. Nhưng, với cách mà câu chuyện diễn ra, khi nạn nhận bị đánh mà không cần... hỏi, tôi còn thấy rõ: anh bị thủ phạm đánh như một cách... thể hiện và chứng minh sự sốt sắng, nhiệt tình của họ, khi người nhà gặp nạn.

***

Dư luận đang nhắc tới một câu hỏi: khi bạo lực lên ngôi, một phút hiểu nhầm có thể đi tong cả mạng người, vậy còn ai dám làm "Lục Vân Tiên"? Và tôi dám chắc, rất nhiều người trong số chúng ta đều có chút do dự trước khi lựa chọn câu trả lời.

Bởi trước bạo lực, lòng tốt con người đã bị chênh chao. Chúng ta lo ngại làm việc tốt sẽ bị những trận đòn vùi dập theo kiểu "không phải đầu cũng phải tai". Chúng ta dặn con cái hãy tránh xa những chuyện "không đâu" khi ngày ngày các em vẫn phải làm bài văn nghị luận về thói vô cảm trong xã hội.

Chỉ có một hi vọng: câu chuyện về "Lục Vân Tiên" ở Bắc Ninh cần được xử lý thấu đáo, cần trừng phạt nghiêm khắc thủ phạm để phần nào lấy lại niềm tin trong xã hội.

Chỉ động viên, than tiếc hoặc thậm chí là giúp đỡ chàng "Lục Vân Tiên" này cũng chưa đủ. Những hành động kiên quyết, thưởng phạt phân minh sẽ làm chúng ta còn hi vọng vào sự tử tế- giá trị mà cả xã hội cần hướng về.

Bởi, suy cho cùng, như Matin Luther King đã từng nói: "Trong thế giới này, chúng ta không chỉ xót xa vì những hành động và lời nói của người xấu mà còn cả vì sự im lặng đáng sợ của người tốt".

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›