Các thị phi công sở vốn dĩ là chuyện bình thường, bất kì công ty nào cũng xảy ra các bất đồng nội bộ, và đa phần lý do đều xoay quanh câu chuyện "lợi ích cá nhân". Có thể là đồng nghiệp xung đột lẫn nhau vì cùng một mức lương những người làm việc nặng người làm việc nhẹ, người phải "đứng mũi chịu sào" người khi có thưởng thì đứng ra đòi nhận, cùng vị trí nhưng người thù lao ít người thù lao cao... Đó là lí do, mà hiện nay đa số các công ty đều có quy định "tuyệt đối bảo mật mức lương cá nhân" - chuyện tiền bạc trong hoàn cảnh nào cũng nhạy cảm và lúc nào cũng có khả năng xảy ra bất hoà.
Lí do nghỉ việc có thực sự là vì bị bắt nạt?
Hiện tại, trên một hội nhóm công sở đang có một bài đăng về tình huống xung đột trên nhận được gần 2 nghìn tương tác sôi nổi. Vì điểm nóng của bài chia sẻ này, là một dân văn phòng bị một đồng nghiệp buộc tội "bắt nạt" từ nguyên nhân mức lương của anh cao hơn mức lương của đồng nghiệp đó.
Tạm gọi người đồng nghiệp cho rằng mình bị bắt nạt là A, anh nhân viên văn phòng bị buộc tội bắt nạt là B, tình huống tóm tắt như sau:
Anh B (31 tuổi) vào thử việc cho một công ty mà A (23 tuổi) đang làm việc. Mặc dù công việc này anh B hoàn toàn chưa có kinh nghiệm, không đúng chuyên ngành đã học nhưng vì sử dụng được 2 ngoại ngữ, từng làm việc tại Nhật và đã kinh qua nhiều vị trí công việc, nên thoả thuận được mức lương khá cao, cao gấp mấy lần bạn A. Dù A vào công ty trước B khoảng 8-9 tháng, với vị trí thực tập sinh khi chưa nhận bằng tốt nghiệp nên mức lương khá thấp.
Tại công ty, khi A hướng dẫn công việc cho anh B, A thường xuyên có những lời lẽ không được tôn trọng B, đến khi B gạt qua chuyện "ma cũ, ma mới" để có một cuộc nói chuyện thẳng thắn, yêu cầu dừng công kích cá nhân và tôn trọng đồng nghiệp thì ngay sau đó, A xin nghỉ việc.
Sau khi nghỉ việc, A nhắn tin cho B với nhiều câu nói thiếu chừng mực, cho rằng A bị anh B bắt nạt và bản thân A không thể chịu đựng để tiếp tục công việc.
Và nguyên nhân sâu xa mọi người nhìn ra qua câu chuyện, từ những câu cạnh khoé trong quá trình làm việc, việc cảm thấy bất công và bị nắt nạt dẫn đến nghỉ việc, chính là do B tiết lộ mức lương của mình cho A biết.
Chưa thể nghe ý kiến nhiều chiều để phân định ra ai đúng ai sai, nhưng trước mắt, những bất hoà trên đều từ nguyên nhân tiết lộ lương cá nhân. Tiết lộ mức lương thay vì có được sự thân thiết từ đồng nghiệp, anh B không chỉ bị tị nạnh mà còn mang tiếng "bắt nạt" người nhỏ tuổi hơn, mất đi một đồng nghiệp có thể học hỏi, tương trợ nhau trong công ty.
Đặc tính thế hệ Gen có liên quan đến "hiểm hoạ" tiết lộ lương?
Ở phần bình luận, một số người chia sẻ câu chuyện cá nhân tương tự, đồng cảm và cho rằng đây là tính cách đặt trưng của kiểu dân văn phòng trẻ gen Z ngày nay mà gen Y phải làm việc cùng, đang chịu đựng. Đó là tính tình quá hiếu thắng, thích chứng tỏ bản thân và tự tin quá cao, nên dẫn đến sự ghen tị với người khác. Khi gen Z biết mình có năng lực, đang làm việc và hỗ trợ hướng dẫn một ai đó chưa biết, nhận thấy họ được ưu ái hơn mình thì sẽ dễ nhận định bản thân bị đối xử bất công và không được tập thể công nhận.
"Đọc thấy khá nhiều bình luận gen Z phản ứng vì cho là chủ top vơ đũa cả nắm nhưng mình thấy chủ top thắc mắc rất bình thường luôn, trong câu hỏi lời văn đều rất nhẹ nhàng, không hề có ý công kích, chỉ đơn giản là nêu lên thắc mắc "khác biệt trong suy nghĩ do khoảng cách thế hệ". Các bạn gen Z nhạy cảm quá lại bảo chủ top có ý này kia, mình thấy có vẻ là " các bạn trẻ giờ càng trẻ càng giỏi thì cái tôi càng cao, nhạy cảm gấp mấy lần ng khác." - Bình luận từ tài khoản Đ.T.T.H dưới bài viết.
Tuy nhiên, khá nhiều dân văn phòng khác cũng phản pháo các bình luận trên, chuyện tiết lộ mức lương và có sự so sánh dẫn đến bất bình là hiển nhiên trong công sở, không phụ thuộc ở lứa tuổi dân văn phòng nào hay thế hệ nào, vấn đề thị phi công sở này thuộc về tính cách cá nhân.
Tags