(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi năm, hàng ngàn ứng viên tiềm năng đã gõ cửa xin vào Lê dương Pháp (Légion étrangère), với hy vọng được gia nhập lực lượng đông tới 6.800 người, đã chiến đấu vì nước Pháp trong 2 thế kỷ qua, tham chiến tại gần như mọi cuộc xung đột trên thế giới.
Câu chuyện về lực lượng Lê dương cũng gần giống một dạng huyền thoại.
Lực lượng tinh nhuệ độc đáo
Đó là một lực lượng đặc nhiệm, hình thành bằng việc tuyển mộ người tới từ khắp nơi trên thế giới, xóa bỏ quá khứ bất ổn, yêu cầu họ chiến đấu hết mình vì đất nước không phải Tổ quốc của họ.
"Lê dương là một trong những lực lượng tốt nhất thế giới, một huyền thoại. Đây là một ngôi trường đời" - Gidey, một người Ethiopia 24 tuổi đang tìm vận may tại Fort de Nogent, gần Paris, cho biết. Fort de Nogent là một trong hai điểm tuyển mộ thành viên mới của Lê dương.
Trong 1 tuần, Gidey và những người khác sẽ phải thực hiện các bài kiểm tra tâm lý và thể lực, với hy vọng ngày nào đó sẽ được gia nhập Lê dương và có thể là được duyệt binh ở điện Champs-Elysees, mừng ngày Quốc khánh 14/7.
"Cứ 8 ứng viên, chúng tôi chỉ chọn được 1 người. Các anh phải nỗ lực để giành được cơ hội" - Francois-Xavier Petiteau, người phụ trách hoạt động tuyển mộ lực lượng lê dương cho biết.
"Luật cho phép chúng tôi nhận cả những người di cư trái phép. Nhưng chúng tôi vẫn phải cẩn thận kiểm tra, nhận dạng họ. Chúng tôi phải làm rất nhiều cuộc kiểm tra khác nhau" - ông nói.
Không chấp nhận những kẻ phạm trọng tội
Lê dương thành lập vào năm 1831, ban đầu chỉ là một đơn vị dành cho các tình nguyện viên nước ngoài, muốn thay đổi danh tính và bỏ lại quá khứ ở sau lưng, bằng cách chiến đấu chống kẻ thù của Pháp.
Không khí kỳ bí quanh lực lượng này đã truyền cảm hứng để Hollywood cho ra đời các bộ phim như Beau Geste và March or Die.
Trước đây, những kẻ phạm trọng tội và đang bị truy nã có thể tìm chỗ ẩn náu trong Lê dương, trốn dưới thân phận mới và chiếc mũ kê-pi màu trắng đặc trưng của lực lượng.
Nhưng nay Lê dương không còn nhận những kẻ giết người, phạm tội tình dục hoặc liên quan tới buôn bán ma túy. "Với những cá nhân phạm các tội nhỏ hơn thì còn tùy từng trường hợp" - Petiteau nói.
Thường những ai gõ cửa vào lực lượng Lê dương Pháp đều có quá khứ bất ổn và họ muốn tìm cách chuộc lỗi, tìm cơ hội thứ hai hoặc đơn giản là muốn sống đời phiêu lưu.
Đơn cử như trường hợp của Lawrence Franks, một quân nhân Mỹ bị ám ảnh bởi khao khát tự sát, đã đào ngũ và gia nhập Lê dương. Anh này phục vụ Lê dương trong vòng 5 năm, dưới một cái tên giả, trước khi bị quân đội Mỹ khởi tố vì tội đào ngũ trong tháng 12 năm ngoái.
Nhưng Franks chỉ là trường hợp cá biệt. Trước khi bất kỳ ai được nhận vào lực lượng, họ đều phải trải qua hoạt động thẩm tra lý lịch kỹ lưỡng. Các điều tra viên của Lê dương còn nhờ sự giúp đỡ của lực lượng cảnh sát quốc tế (Interpol) để làm rõ thân phận từng người.
"Sẽ phải mất một thời gian" - Petiteau nói - "Đôi khi người ta nói với chúng tôi: 'Anh này bị loại.' Họ không cho biết lý do vì sao và chúng tôi cũng chẳng hỏi."
Đổ máu để thành người Pháp
Sau tuần lựa chọn đầu tiên, các ứng viên được đưa tới Aubagne ở Đông Nam Pháp để tiến hành thêm các bài kiểm tra. Từ đây, họ được đưa tới một căn cứ nằm gần thị trấn Castelnaudary và tham gia 16 tuần huấn luyện vô cùng gian khổ.
Giai đoạn huấn luyện này bắt đầu bằng 1 tháng gần như không ngủ trong trang trại biệt lập Bel Air, nơi các ứng viên bị cách biệt với thế giới bên ngoài.
"Các ứng viên sẽ bị đưa vào một hệ thống sẽ đập nát cuộc đời trước đây của họ, giúp họ vượt qua mọi khác biệt về quốc tịch" - phát ngôn viên Lê dương, Francois Herve-Bazin, cho biết. Khi tháng đầu tiên này kết thúc, các ứng viên phải tham gia một cuộc hành quân khổ cực không kém, tại đó mỗi người sẽ tỏa sáng hoặc lụi tắt.
Sau đó, những người đạt tiêu chuẩn mới được chính thức gia nhập Lê dương và được phát cho chiếc mũ kê-pi màu trắng. "Lá cờ Pháp trở thành quốc kỳ của các anh" - Tướng Philippe Chalmel, người giám sát lễ trao tặng mũ, đã nói như thế với các tân binh.
Nhưng chuyện chưa dừng lại ở đó. Những tân binh này sẽ phải trải qua 3 tháng huấn luyện nữa, trước khi có thể bắt đầu tham chiến.
Phần lớn những người gia nhập Lê dương không biết nói tiếng Pháp. Tháng 6 vừa qua, đa số trong 70 người tham gia cuộc thử thách thể lực dài 1 tháng ở trang trại biệt lập Bel Air nói tiếng Nga. Chỉ 1 trong số đó là người Mông Cổ và nói tiếng Pháp thành thạo. Tuy nhiên điều này sẽ phải thay đổi. "Trong vòng 16 tuần, họ sẽ phải biết 500 từ tiếng Pháp" - Clement Dutoit, một trong các huấn luyện viên cho biết.
Sau 5 năm phục vụ, lính Lê dương có thể nhập quốc tịch Pháp. Thời gian này có thể rút ngắn nếu anh ta bị thương. "Tôi thấy rằng, điều tuyệt vời nhất trong lực lượng Lê dương là cho ai đó cơ hội thành người Pháp, thông qua việc chấp nhận đổ máu" - Chalmel nói.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa
Tags