Bí ẩn chồng chất trong vụ rơi máy bay ở Pháp

Thứ Năm, 26/03/2015 06:32 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vụ rơi chiếc máy bay thuộc hàng an toàn nhất thế giới, do một hãng hàng không trách nhiệm và được điều phối tốt bậc nhất thế giới, trong điều kiện thời tiết rất thuận lợi, đã khiến giới chuyên gia phải đau đầu tìm kiếm lời giải cho câu hỏi cơ bản: vì sao?

Chiếc máy bay Airbus A320 mang số hiệu 9525 của hãng Germanwings mới chỉ rời khỏi điểm xuất phát từ Barcelona (Tây Ban Nha) được 46 phút khi nó đột nhiên hạ dần cao độ, rời khỏi hành trình.

Vì sao các phi công không phát tín hiệu báo nguy?

Trong 18 phút tiếp theo, chiếc máy bay hạ cao độ khoảng 1.000 feet (hơn 300 mét) mỗi phút. Nó bay thẳng trong một khoảng thời gian ngắn ở độ cao 6.800 feet (khoảng 2km) rồi đâm sầm vào một sườn núi thuộc dãy Alps của Pháp với tốc độ cao.

Các chuyên gia nói rằng chỉ riêng việc một chiếc máy bay gặp nạn sau khi đạt độ cao hành trình đã là điều rất kỳ lạ. Kinh ngạc hơn, phi hành đoàn không hề phát đi tín hiệu báo nguy nào suốt 18 phút đồng hồ ấy. Đài không lưu ở Pháp là nơi đầu tiên phát hiện việc chiếc máy bay đột ngột hạ độ cao bất thường nên đã phát tín hiệu báo động. Phía Pháp sau đó đã điều một chiếc máy bay chiến đấu Mirage lên quan sát chiếc máy bay 9525. Viên phi công Mirage đã chứng kiến thời khắc chiếc máy bay đâm vào núi, và vì thế có thể là nhân chứng quan trọng giúp làm sáng tỏ vụ tai nạn.


Lực lượng cứu hộ Pháp đã tiếp cận được với hiện trường vụ rơi máy bay Germanwings

Chủ tịch công ty tư vấn luật hàng không AvLaw International, ông Ron Bartsch, người còn là cựu quan chức điều hành an toàn ở hãng Qantas, cho biết việc không có tín hiệu báo nguy có nghĩa các phi công gặp sự cố và không đủ khả năng làm việc này, hoặc thiết bị liên lạc đã hỏng. Ông còn đặt ra tình huống 2 phi công đã bất tỉnh hoặc họ đang đánh nhau để giành quyền kiểm soát máy bay. Tuy nhiên ông thừa nhận khả năng cuối khó xảy ra.

“Chiếc máy bay cũng không lâm vào tình huống như trong vụ rơi máy bay mang số hiệu 447 của hãng Air France. Nếu họ lâm vào cảnh rơi máy bay do yếu tố khí động học, tốc độ rơi sẽ nhanh hơn nhiều và tình trạng rơi máy bay sẽ diễn ra liên tục, không ngắt quãng" - Bartsch nói.

Theo ông, không loại trừ tình huống máy bay đang hoạt động nhờ một cơ chế điều khiển tự động nào đó trước khi gặp nạn. Có khả năng các phi công đã thiết lập độ cao định sẵn là 2.000 mét, trước khi bị bất tỉnh lúc đang điều khiển máy bay.

"Hộp đen" ghi âm giọng nói trong buồng lái đã bị hư hại, nhưng người ta vẫn có thể trích xuất dữ liệu từ chúng

Mối quan tâm dồn vào thiết bị ghi âm buồng lái

Bartsch nói rằng trong tình huống xảy ra giảm áp đột ngột trong khoang lái (do vỡ kính buồng lái hoặc nguyên nhân nào khác), các phi công sẽ chỉ có 15 giây để đeo mặt nạ dưỡng khí, trước khi bất tỉnh. “Một tổ lái được huấn luyện tốt hoàn toàn có thể đeo mặt nạ dưỡng khí trong khoảng thời gian đó" - ông nói.

Ông cũng chỉ ra rằng việc chiếc A320 đã bay thẳng (và không xuống thấp hơn nữa) khi đạt độ cao 2.000 mét là điều rất đáng quan tâm. "Việc đặt trước độ cao thấp như vậy khi hoạt động gần dãy Alps của Pháp là điều rất kỳ lạ" - ông nói.

Chung quan điểm, cơ trưởng John Cox từ công ty Hệ thống điều hành bay an toàn có trụ sở ở Mỹ cho rằng việc chiếc máy bay hạ dần từ độ cao hành trình xuống gần mặt đất là điều rất bất thường. "Dường như việc hạ cao độ là do sự điều khiển của con người và nó cho thấy chiếc máy bay vẫn còn điện năng. Ngoài những điều này thì các hướng nhận định khác chỉ thuần túy là giả thuyết" - ông nói.

Theo ông, A320 là mẫu máy bay "ngựa thồ" với sự tin cậy đã được chứng minh và hiện đang được sử dụng ở nhiều hãng hàng không trên thế giới. "Tôi lái A320 trong 6 năm. Nó rất đáng tin cậy, an toàn và sử dụng công nghệ mới để tăng an toàn" - ông nói.

Trong cuộc họp báo diễn ra hôm 25/3, Bộ trưởng Môi trường và Giao thông vận tải Pháp Ségolène Royal cho biết "các sự kiện diễn ra trong khoang lái máy bay " trước khi vụ tai nạn xảy ra có thể nắm giữ "chìa khóa" giúp hóa giải bí ẩn về vụ tai nạn. Người ta chỉ biết được chuyện gì đã diễn ra trong khoang lái sau khi giải mã 2 "hộp đen" của máy bay. Bà Royal nói rằng lực lượng tìm kiếm cứu nạn Pháp đã thu được các hộp đen này và thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái đã lập tức được chuyển tới Paris để phân tích.

Ông Bartsch cũng đánh giá dữ liệu từ thiết bị ghi âm giọng nói trong buồng lái rất quan trọng trong việc giải mã bí ẩn vụ rơi máy bay Germanwings. “Qua dữ liệu, người ta có thể biết liệu các phi công có còn tỉnh hay không và họ đã nói với nhau những gì" - ông nhận xét - "Đây là khía cạnh gây chú ý nhiều nhất trong thảm họa này".

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›